Năm ngoái một bệnh nhân ở Gia Lai được cho đã chết một phần từ sự tắc trách của bác sĩ, phần khác do một sự cố khác khi đến bệnh viện cấp cứu: cúp điện. Và mới đây sự cố cúp điện kéo dài 20 phút lại tái diễn trong 2 ca mổ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Cả hai sự cố hy hữu chết người này xảy ra lỗi đều thuộc về "ngành ngang", ngoài y tế.
Gần một năm sau cái chết của bệnh nhân ở Gia Lai người ta vẫn chưa tìm ra thủ phạm thực sự do người hay do máy. Gia đình bệnh nhân xấu số cho rằng do bác sĩ tắc trách trong khi bệnh viện đổ lỗi tại máy?!. Vì lỗi tại máy phát điện không nổ khiến điện không có để cho máy thở hoạt động làm người chết nên người ta cũng “đẩy” cho máy chịu trách nhiệm. Và đương nhiên, là máy vô tri nên không ai bị cách chức hay xử lý.
Vụ việc giờ cũng đã dần chìm vào quên lãng. Tưởng chừng sự cố trên là hy hữu nhưng nay, tại một bệnh viện ở một tỉnh khác sự cố lại tái hiện. Khác chăng giờ lại rơi vào những ca mổ. May thay một ca mổ ruột thừa và một ca mổ sinh tại một bệnh viện đa khoa 700 giường ở một tỉnh lớn của miền Trung đã không lặp lại nỗi đau như vậy.
Lãnh đạo bệnh viện tỉnh Khánh Hòa cho biết, nơi đây có trang bị máy phát điện 3 pha và hệ thống tự động cấp điện trở lại trong vòng 3 giây khi điện lưới bị sự cố. Nhưng cũng như ở chiếc máy phát điện tại một bệnh viện huyện ở Gia Lai, máy nơi đây dù hiện đại như thế cũng lại “ngưng thở” khi mà người ta cần đến nó hơn lúc nào hết.
Nguyên nhân điện bị cắt rõ ràng do sự cố từ điện lưới quốc gia, nhưng nguyên nhân vì sao máy phát điện dự phòng trở chứng trong khoảng thời gian dài như vậy vẫn chưa được tìm ra. Qua sự cố này, bao bệnh nhân phấp phỏng và phân vân: Giá như những người có trách nhiệm luôn đều đặn kiểm tra, vận hành máy điện dự phòng đó thì sự cố liệu có xảy ra? Bệnh nhân có gặp sự cố?
Mỗi ngày có hàng nghìn bệnh nhân phải lên bàn mổ, cấp cứu, hồi sức bằng những chiếc máy thở, chạy thận luôn nhờ vào nguồn điện. Cúp điện cũng đồng nghĩa tính mạng của bệnh nhân bị đe dọa. Hiểu được sự cấp thiết ấy, hàng trăm bệnh viện trước khi xây dựng đều lấy tiêu chí cung cấp đủ điện cho hoạt động khám chữa bệnh đặt lên hàng đầu. Máy phát điện dự phòng luôn đặt trong tình trạng sẵn sàng.
Tại sao chiếc máy phát điện ngưng hoạt động để bác sĩ phải đóng ổ bụng khi đang mổ dở dang như vậy. Câu trả lời sẽ không quá khó nếu như những chiếc máy phát điện ấy được gắn thêm trách nhiệm và ý thức của con người trước sinh mạng bệnh nhân.