Cuốn bí kíp Hoàng Sa

Ngư dân trên tàu của ông Tẩn vào phiên lặn ở Hoàng Sa.
Ngư dân trên tàu của ông Tẩn vào phiên lặn ở Hoàng Sa.
TP - Suốt 30 năm đi biển Hoàng Sa và Trường Sa, thuyền trưởng Bùi Văn Tẩn đã cặm cụi ghi chép tỉ mỉ vào cuốn sổ tay những tọa độ có nhiều cá tôm. Để có được những “điểm vàng” này, ông Tẩn bao lần lặng lẽ vào gần các đảo chủ quyền trong đó có Phú Lâm và lặn xuống sờ từng hang hốc, ngắm những vương quốc san hô mà ông gọi là “điểm cá, nhà cá, thành phố cá”.

Sơ đồ cá, tôm, hải sâm

Trong màn đêm đen kịt, thuyền trưởng Bùi Văn Tẩn vẫn lặng lẽ cho con tàu đi về phía đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa. Dù đã quen thuộc với tọa độ này được lưu trên định vị, nhưng theo thói quen, ông Tẩn vẫn giở cuốn sổ mép giấy cũ nhàu để nhìn vào tọa độ mà ông ghi là “Phú Lâm ngầm”. Đây là một rạn ngầm nối dài của đảo Phú Lâm. Nhưng trên đoạn ngầm đó, chỗ nào có cá, rạn san hô phong phú thì ông Tẩn nắm rõ.

Khi đi vào vùng biển này, tất cả hệ thống đèn tín hiệu trên tàu đều phụt tắt. Màn hình máy định vị trên tàu cũng đậy lại. Nghe tiếng máy tàu cứ nổ thẳng băng, các ngư dân làm nghề lặn đêm biết, ông Tẩn đã định liệu và nắm chắc điểm tôm cá thì mới đột vô tới vùng này mà không có chút gì phân vân.

“Nếu thuyền trưởng mà non tay nghề thì sẽ bị bạn xử ngược. Mình chạy chỗ nào họ cũng bàn cãi, còn họ biết mình rồi thì không ai nói gì hết, cứ tới chỗ là làm, làm là thắng”.

Ông Bùi Văn Tẩn

Khi còn cách đảo Phú Lâm vài hải lý, ông Tẩn hạ ga cho tàu giảm tốc và hô khẽ “anh em chuẩn bị xuống lặn vài hơi”. Con tàu dừng hẳn, chỉ có tiếng sóng vỗ nhẹ vào thân tàu. Âm thanh to nhất là tiếng khọt khọt của máy nén khí đang ép hơi cho thợ lặn. Ống dây lặn kéo ra, từng tốp ngư dân cắm đèn và thả người xuống đáy biển như rái cá đêm. Các ngư dân trên tàu lần lượt lôi lên từng vợt tôm mũ ni, cá mú, cá dóc.

Thuyền trưởng Bùi Văn Tẩn, quê ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Hiện nay ông Tẩn chỉ huy 2 tàu cùng đánh bắt song song để sẵn sàng hỗ trợ nhau trên biển. Ông Tẩn đi tàu nhỏ, người em trai là Bùi Văn Cu đi tàu lớn. Tàu của ông Tẩn luôn thắng lớn và đứng đầu bảng ở làng chài là nhờ có cuốn sổ ghi tọa độ được coi như cẩm nang hải trình trên biển.

Bình thường, những ngư dân đi lặn có thể nắm được các điểm ngầm, nhưng biết rõ “điểm” có nhiều cá quần tụ thì thua ông Tẩn. Suốt 30 năm đi biển, ông Tẩn đã ghi chép tỉ mỉ trong sổ những điểm cá. Có nhiều điểm, ông Tẩn đeo gương lặn xuống xem như một lão nông tri điền coi đất canh tác. Từng ngày trôi qua, cuốn sổ ghi chép điểm cá dày thêm những trang viết và nét bút được ghi trực tiếp trên biển cả. Cuốn sổ theo thời gian cũng trở nên cũ kỹ, úa nhàu vì thấm hơi nước mặn của biển. Từng trang giấy cũ cứ dính bết vào nhau, giống trang thư tịch ghi chép những câu chuyện cổ của Hoàng Sa.

Vẽ đáy biển Hoàng Sa

Mỗi khi bước xuống tàu để mở biển ra Hoàng Sa, ông Tẩn luôn kẹp theo 2 cuốn sổ để ghi chép điểm cá,  một cuốn cất kín để khỏi bị thu giữ, một cuốn để ngay bánh lái. Ông Bùi Ngọc Lan, một ngư dân kỳ cựu ở địa phương nhận xét: “Con trai tôi cũng đi bạn trên tàu của ông Tẩn. Nhờ có cuốn sổ đó mà tàu làm ăn thuận lợi, bạn tàu có tiền chia. Vì nếu đi lặn mà thuyền trưởng thông tỏ nhiều điểm cá thì mới đánh bắt thành công được. Cuốn sổ đó rất quý giá”.

Ngư dân các tàu khác thì nói tọa độ, còn ông Tẩn thì tường tận hơn nên nói đến điểm cá. Ở những trang đầu tiên của cuốn sổ, ông Tẩn ghi tọa độ của đảo Đá Lồi, Bạch Quy phía trên, trụ đèn đảo Đá Bắc, đảo Bom Bay phía trên, đảo Tây đầu trong, lạch Xà Cừ trên. Các ngư dân ở xã Bình Châu ra Hoàng Sa thường đến làm tại gò Ba Tiến. Nhưng trong sổ ông Tẩn thì ghi tỉ mỉ 5 tọa độ tại gò Ba Tiến thường xuất hiện cá. Sau một thời gian kinh nghiệm, ông Tẩn ghi tiếp thêm 3 điểm cá. Đó là nơi mà rạn san hô đã kiến tạo ra nhiều hang, hốc, cảnh sắc rất đẹp nên cá thường kéo hàng vạn con tới trú ngụ và sinh sản.

Ông Tẩn bước sang tuổi 56, nhưng còn tràn đầy sức vóc của một thợ lặn chuyên nghiệp. Mỗi năm tàu đi Hoàng Sa 3 tháng, còn lại quay vào Trường Sa. Ông Tẩn có vẻ mê cái gò Ba Tiến nên tự mình ngụp lặn xuống mò mẫm quanh các rạn san hô để nghiên cứu chỗ nào là nhà cá. Và ông tiếp tục tìm ra các hang hốc khác được ghi vào sổ là điểm 97 – 49, 53 – 04. Tại khu vực đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa, ông Tẩn đã khảo sát đáy biển và lưu lại được 2 điểm ngầm có cá mú, đó là điểm 10-80 và 10 – 46 (ghi tắt). Gò Lúa gần đó được lưu các điểm cá là 60 – 80. Đây chính là những “điểm vàng”, nhưng ông Tẩn thì gọi là nhà cá. Nơi nào nhiều cá quá thì ông Tẩn gọi là thành phố cá. Cách gọi như mật danh ấy chỉ mình ông biết.

Cuốn bí kíp Hoàng Sa ảnh 1

Ông Tẩn với cuốn sổ ghi chép các điểm cá.

Trong sổ của ông Tẩn còn ghi chép đầy đủ các điểm vào bờ để tránh trú bão tại tất cả các điểm từ Vịnh Bắc Bộ vào tận Cà Mau.  Bên cạnh đó là những tọa độ, điểm vào tránh bão ở Hoàng Sa, Trường Sa. Tại Hoàng Sa, ngư dân hay neo tránh bão và trụ lại ở đảo Đá Bắc và Bom Bay, chịu được sóng gió cấp 9 cấp 10. Nếu ban đêm chạy vào vành đai của đảo san hô Bom Bay thì chạy vào cửa phía Tây, còn về đảo Đá Bắc thì hướng theo cột đèn và được ông Tẩn đánh dấu tọa độ cẩn thận và chi tiết.

Vào thăm hang cá

Tính toán đến lúc phải nhường tay lái tàu lại cho con, ông Tẩn hướng dẫn 2 người con trai là Bùi Duy Tân (35 tuổi) và Bùi Văn Tự  (27 tuổi). Dù có 2 ngư dân trẻ đủ dày dạn kinh nghiệm đi trên tàu, nhưng 11 ngư dân còn lại vẫn yêu cầu phải là thuyền trưởng Tẩn thì mới chắc ăn, tới chỗ nào cũng có cá. Ông Tẩn cho biết:“Nếu thuyền trưởng mà non tay nghề thì sẽ bị bạn xử ngược. Mình chạy chỗ nào họ cũng bàn cãi, còn họ biết mình rồi thì không ai nói gì hết, cứ tới chỗ là làm, làm là thắng”.

Cuốn bí kíp Hoàng Sa ảnh 2

Tàu của ông Tẩn thường quây được nhiều vựa cá lớn ở Hoàng Sa.

Mỗi chuyến đi biển về, bà Nguyễn Thị Liên, vợ ông Tẩn lại thấy chồng cặm cụi lấy sổ ra ghi chép rồi lại cất đi. Một thời gian sau, ông Tẩn giao lại cuốn sổ này cho bà cất giữ với lời dặn dò “giữ cho con cái sau này biết đường để đi làm ăn”. Vậy là cuốn ghi điểm cá đã được nhân lên thành 3 cuốn. Để chắc ăn, ông Tẩn ghi chép ra thành một cuốn khác và giao lại cho người cháu ruột của mình.

Bà Nguyễn Thị Liên, vợ ông Tẩn kể lại: “Có hồi ra biển, ổng chui xuống rạn san hô, vô hang này hang kia. Có chỗ thì lọt được đúng khít người nên khi ổng chui ra thì tróc da đầy người”.

Ông Tẩn nghe chuyện chui vào hang hốc dưới đáy biển thì cho biết, “có lần ông tuôn chạy dưới đáy biển để đuổi theo con cá nắc nẻ. Nó chạy nhanh quá và chui vào một cái bộng, nên ông cũng chui theo mà không sợ”.

Mê cá, theo cá vào hang. Vào thì dễ, nhưng bơi ra thì san hô nhọn cứa khắp người. Vẽ được tọa độ trên cuốn sổ thì rạn san hô cũng “vẽ” lên người ông Tẩn cơ man vết trầy xước.

Nhờ có cuốn sổ ghi điểm cá, nhà cá, thành phố cá nên tàu của ông Tẩn làm ăn thành công. Năm 2015, bạn đi tàu được chia phần 140 triệu/người, chủ tàu được 420 triệu. Ông Tẩn đi trên tàu nhỏ và dẫn dắt tàu lớn do em trai là Bùi Văn Cu làm thuyền trưởng. Hai tàu dù chạy song song, nhưng tàu ông Cu thu nhập luôn thấp hơn tàu của ông Tẩn.

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.