Blouse trắng cấp cứu trên biển Hoàng Sa

Bác sĩ Ngô Diên Anh Tuấn tham gia cấp cứu trên biển. Ảnh: TT115
Bác sĩ Ngô Diên Anh Tuấn tham gia cấp cứu trên biển. Ảnh: TT115
TP - Đã hơn 10 năm nay, ngoài công tác cấp cứu trên đất liền, các bác sĩ Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng kiêm luôn nhiệm vụ cấp cứu ngư dân gặp nạn ở vùng biển Hoàng Sa đầy sóng gió.

Người phụ nữ “thép”

Trong mắt những người lính hàng hải làm nhiệm vụ cứu nạn ở biển Hoàng Sa, chị Phạm Thị Ánh Hồng, Phó GĐ Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng được gọi là người phụ nữ “thép”. Chị là phụ nữ duy nhất ở Trung tâm 115 có hơn 10 năm tham gia cấp cứu trên biển. Cứ tưởng mùa này biển lặng, các ca tai nạn trên biển ít thì công việc của chị tại Trung tâm cấp cứu 115 sẽ nhàn hơn. 

Thế nhưng cũng không dễ gì để gặp được chị. Ngày cuối tuần, chị vẫn ngồi trực cạnh phòng có máy Icom. Chị nói, không thể chủ quan vì bất cứ khi nào ngư dân cũng có thể xảy ra tai nạn ngoài ý muốn. Anh em phải thay nhau trực Icom, hễ nhận thông tin có tai nạn trên biển là lập tức chuyển máy cho chị để hội chẩn, sau đó chỉ đạo người lên đường ngay. Trong trường hợp có ca bệnh nặng cần người dạn dày kinh nghiệm thì chị lập tức leo lên chuyến tàu ra khơi.

Gian nan, xông pha vào hiểm nguy là thế nhưng hiện nay những người làm công tác cấp cứu trên biển ở Trung tâm cấp cứu 115 chưa nhận được một sự hỗ trợ nào từ phía các ngành. Chị Hồng trăn trở: “Chục năm cấp cứu trên biển, vì nhiệm vụ cứu những ngư dân, anh em chưa từng ngại một thử thách nào. Chỉ cần có yêu cầu giúp, anh em lập tức lên đường ngay. Chúng tôi đang đề xuất lên các ngành để xin có một chế độ hỗ trợ để ít nhiều động viên tinh thần các đồng nghiệp đang làm nhiệm vụ gian nan này”.

Phó GĐ Trung tâm 

cấp cứu 115 Đà Nẵng 

Phạm Thị Ánh Hồng

Chị kể, dịp cuối năm ngoái, chị được Đài thông tin duyên hải và Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (Danang MRCC) thông báo có thuyền viên người Indonesia gặp nạn trên biển. Vì là ngư dân nước ngoài nên qua Icom, chị chỉ nắm được một vài thông tin thuyền viên bị toác vùng đầu do va chạm với tàu, chứ chưa thể chẩn đoán được thể trạng của bệnh nhân. Lo sợ ngư dân có khả năng chấn thương sọ não, chị đã đích thân lên con tàu cứu hộ SAR 412 cùng Danang MRCC đi cấp cứu. Chuyến đi ấy, chị cùng anh em lênh đênh trên biển hai ngày hai đêm. Nhưng chị nói, chuyến đi ấy chưa “xi nhê” gì so với những lần cứu nạn trong điều kiện đặc biệt như gió bão cấp 9, cấp 10 và gặp các ca tai nạn đặc biệt nghiêm trọng.


Thông thường khi đến nơi cứu hộ, tàu SAR 412 dừng cách tàu gặp vài trăm mét để tránh việc va chạm với tàu của ngư dân. Để tiếp cận người bị nạn, chị cùng đồng nghiệp phải trèo dây xuống ca nô. Từ ca nô chèo về hướng ngư dân gặp nạn. Rồi lại níu dây leo lên con tàu nhỏ để cấp cứu. Giữa vùng biển động, mọi động tác phải được thực hiện khẩn trương và chắc chắc, vì chỉ một cái sẩy chân là lập tức rơi xuống biển. Chị nhớ trong cơn bão cuối năm 2011, có ngư dân ở huyện Thăng Bình (Quảng Nam) bị xuất huyết quá nặng. Vì tình thế cấp bách nên giữa điều kiện gió mạnh giật cấp 10, chị và những thủy thủ trên con tàu SAR 412 vẫn quyết định lên đường.

Đoàn xuất phát từ trưa nhưng đến nửa đêm, tàu mới tiếp cận được tàu ngư dân. Lúc ấy, sóng giật quá mạnh, lúc đỉnh điểm cao gần 20m, các cánh cửa của con tàu SAR 412 đều bị đánh vỡ. Nước tạt vào các khoang tàu, tất cả đoàn đều ướt nhèm. Mưa to, gió lớn, công tác cứu hộ ngư dân bị nạn vô cùng khó khăn khi không thể tiếp cận gần được con tàu nhỏ. Trong tình huống ấy, chị chỉ còn cách bám chặt vào thành tàu, vươn người ra ngoài để đưa bình oxy cho nạn nhân thở. Phải hơn nhiều giờ vật vã với bão, lực lượng cứu hộ mới lai dắt được con tàu qua vùng biển động rồi mới tiến hành cứu nạn.

Gian nan cứu thương trên biển

Cấp cứu trên đất liền vất vả một thì cứu hộ trên biển vất vả mười. Dưới áp lực của sóng biển, bất cứ một người làm nghề lâu năm nào cũng từng trải qua những lần say sóng, nôn ói. Anh em ở Trung tâm 115 vẫn hay đùa nhau rằng,  say sóng hai ngày trên biển, bằng một tháng ốm trên đất liền. Thế nhưng, khi có lệnh là anh em lập tức xuất phát. Ở Trung tâm cấp cứu 115, bác sĩ Nguyễn Cứ là một trong những người có hơn 10 năm tham gia cấp cứu biển. Anh phụ trách các ca tai nạn ở khu vực xa nhất, cách đất liền 200 hải lý. Điều đó cũng đồng nghĩa với sự vất vả, áp lực cũng tăng lên.

Blouse trắng cấp cứu trên biển Hoàng Sa ảnh 1

Cấp cứu ngư dân trên biển.

Theo bác sĩ Cứ, cái khó của cấp cứu trên biển là việc hội chẩn bệnh lý bệnh nhân cách hàng trăm hải lý. Qua Icom, ngư dân mô tả biểu hiện của người gặp nạn cho bác sĩ. Qua lời nói và bằng ngôn ngữ bản địa, dưới áp lực của sóng, bác sĩ nghe câu được câu mất. Nhưng bằng kinh nghiệm nghề, họ nhạy bén đưa ra hội chẩn. 

Nhưng việc chẩn đoán bệnh không phải khi nào cũng chính xác. Bác sĩ Cứ lấy ví dụ, khi ở đất liền, các ngư dân chỉ mô tả các biểu hiện của bệnh thông thường. Nhưng khi ra đến nơi, bệnh nhân lại có dấu hiệu nặng như nhồi máu cơ tim, hay chấn thương sọ não, không đo được huyết áp, không đo được nhịp tim…

Trong khi thiết bị mang ra lại rất hạn chế. Chưa kể, có những lúc cứu nạn ở vùng nước xoáy, việc chuyền dịch hay tiêm ven cho các ngư dân gặp nạn vô cùng khó khăn vì không thể giữ được thăng bằng. “Thế những lúc đó phải làm thế nào?”,  tôi hỏi. Anh Cứ nói, đó là lúc đòi hỏi bản lĩnh của một người chuyên cấp cứu trên biển. Trong thời gian nhanh nhất, anh phải thực hiện công tác cấp cứu, kết hợp với các thao tác thủ công cơ học để duy trì sự sống cho người gặp nạn trong suốt quá trình lai dắt vào đất liền. Nếu trong trường hợp bệnh nhân quá nguy kịch, tàu cứu hộ buộc phải rẽ hướng về cảng các địa phương để kịp đưa bệnh nhân vào bệnh viện cấp cứu.

Blouse trắng cấp cứu trên biển Hoàng Sa ảnh 2 Chuyển bệnh nhân từ biển vào đất liền.

Tiếp nối câu chuyện của anh Cứ, bác sĩ Ngô Diên Anh Tuấn kể lại chuyến đi cứu nạn trong thời điểm Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng biển Việt Nam. Thời điểm đó anh lên đường tham gia cứu nạn một ngư dân Quảng Ngãi đang trong tình trạng rất nguy kịch ở vùng đảo Tri Tôn. Ngư dân này bị cá cắn đứt hết các gân và cơ chân, máu chảy rất nhiều. Công tác tiếp cận ngư dân bị thương gặp rất nhiều khó khăn vì tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản. 

“Tôi và vài đồng nghiệp khác vừa phải ngồi trong chiếc xuồng sơ cứu và cố định nạn nhân, vừa phải tránh tàu hải cảnh vờn. Nếu chạy nhanh quá thì nước vào sẽ bị chìm, mà chạy chậm quá tàu Trung Quốc lại đuổi kịp. Cũng may sau gần nửa tiếng gây cản trở, tàu Trung Quốc bỏ đi. Chúng tôi được kéo lên tàu an toàn”, bác sĩ Tuấn nhớ lại.

Chỉ Đà Nẵng có 115 trên biển

Theo chị Phạm Thị Ánh Hồng, cho đến nay, trên cả nước chỉ có Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng làm nhiệm vụ cấp cứu trên biển. Mặc dù chưa có một văn bản nào của ngành y tế giao nhiệm vụ cho Trung tâm tham gia nhiệm vụ này. Nhưng do tính cấp bách cứu sinh mạng những người gặp nạn trên biển, Trung tâm đã cùng các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Đài Thông tin duyên hải và Danang MRCC phối hợp tham gia. Hiện, Trung tâm cấp cứu 115 đang có 12 y, bác sĩ làm nhiệm vụ cấp cứu trên biển. Hơn chục năm như thế, họ vừa làm nhiệm vụ trên đất liền, vừa xông pha cấp cứu ở vùng biển Hoàng Sa.

Blouse trắng cấp cứu trên biển Hoàng Sa ảnh 3 Phạm Thị Ánh Hồng, Phó GĐ Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng.
Cũng theo chị Hồng, không chỉ có đội ngũ bác sĩ lâu năm tham gia cấp cứu trên biển, những năm gần đây, trung tâm tạo mọi điều kiện để những người trẻ tham gia nhiệm vụ này. Cùng đi có một bác sĩ dày dặn kinh nghiệm kèm cặp.

Dù chưa quen với môi trường làm việc khắc nghiệt trên biển, nhiều lần bị sóng đánh xanh mặt nhưng họ vẫn không ngại nhiệm vụ khó khăn này. Y sỹ Đặng Công Hội 25 tuổi nhưng đã có hai năm đi biển. Nhớ lại lần đầu tiên ra biển của mình, anh kể: “Chuyến đi ấy kéo dài vài ngày. Trước khi đi, các cô chú dặn mình không được ăn no để tránh say sóng. Mình cẩn thận nhịn luôn. 

Đến khi ra đến vùng biển sóng lớn, thuyền chao đảo liên tục thì mình nôn thốc nôn tháo. Bao nhiêu thứ tuồn ra trong người, sau đó mình còn bị ói ra máu. Nhưng vài lần như thế, mình quen dần với điều kiện khắc nghiệt trên biển. Các thao tác xử lý tình huống trên biển cũng nhẹ nhàng hơn rất nhiều...”. 

MỚI - NÓNG