Cuộc sống mỗi lần rút xuống hầm trú bão của dân biển

0:00 / 0:00
0:00
Những căn hầm được đổ trụ, xây bê tông kiên cố giúp người dân ven biển Quảng Ngãi an toàn trước bao cơn bão lớn.

Huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) có hàng chục nghìn hộ dân sống dọc bờ biển. Đây là khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất khi có bão đổ bộ. Do đó, người dân nơi đây đã xây dựng những căn hầm tránh bão vững chãi để trú ẩn, đảm bảo an toàn tính mạng khi có bão lớn.

Cuộc sống mỗi lần rút xuống hầm trú bão của dân biển ảnh 1

Người dân các xã ven biển của huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi xây hàng trăm căn hầm trú bão (Ảnh: Quốc Triều).

Bão Noru (bão số 4 năm nay) có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Quảng Ngãi. Nhận tin báo, bà Nguyễn Thị Thuộc (83 tuổi, ở xã Bình Hải, huyện Bình Sơn) nhờ người dọn dẹp căn hầm tránh bão.

Hầm tránh bão được gia đình bà Thuộc xây dựng cách đây 15 năm. Căn hầm rộng 8m2 được xây bằng bê tông vững chãi. Khi có bão đổ bộ, bà Thuộc sẽ vào hầm trú ẩn.

Cuộc sống mỗi lần rút xuống hầm trú bão của dân biển ảnh 2

Người dân dọn dẹp, chuẩn bị hầm trú bão khi nhận tin báo bão Noru có khả năng đổ bộ trực tiếp vào Quảng Ngãi (Ảnh: Quốc Triều).

Căn hầm được dọn dẹp xong, bà Thuộc mang mì tôm, nước uống vào hầm để sẵn, đề phòng bão lớn kéo dài.

"Nhà bà cũ quá, bão lớn sợ sập nên phải xây hầm trú bão. Khi có bão lớn là vào đây ở cho an toàn. Không chỉ gia đình bà mà những nhà xung quanh cũng vào đây ở chung", bà Thuộc nói.

Cuộc sống mỗi lần rút xuống hầm trú bão của dân biển ảnh 3

Bà Thuộc mua mì tôm mang vào hầm, đề phòng bão kéo dài (Ảnh: Quốc Triều).

Hầm tránh bão của người dân huyện Bình Sơn được xây ở những nơi thoáng đãng, tránh chỗ có cây cối có thể gãy đổ. Mỗi hầm rộng từ 8-10m2 với trụ, trần được đổ bê tông, có lỗ thông gió.

Trưa 26/9, bà Phạm Thị Phương Tân cũng dọn dẹp xong hầm tránh bão. Bà Tân mang vào hầm nước sạch, mì tôm và đèn dầu. Bà cẩn thận kiểm tra và rót đầy dầu vào đèn rồi cất ở một góc hầm.

"Ngoài thức ăn, nước uống thì đèn dầu là vật không thể thiếu. Khi bão to sẽ mất điện. Lúc đó, chiếc đèn dầu là vật rất cần thiết. Vào đây rồi thì bão có to mấy cũng "đứng ngoài mà khóc", bà Tân khẳng định.

Theo bà Tân, khi bão lớn đổ bộ thì tính mạng con người là quan trọng nhất. Hồi năm 2020, siêu bão Molave gây thiệt hại rất nặng nề. Tuy nhiên, nhờ những căn hầm tránh bão nên bà con trong xóm đều an toàn.

Cuộc sống mỗi lần rút xuống hầm trú bão của dân biển ảnh 4

Đèn dầu là vật dụng không thể thiếu trong những căn hầm trú bão của người dân huyện Bình Sơn (Ảnh: Quốc Triều).

Theo Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Võ Văn Đồng, huyện Bình Sơn là một trong những địa phương chịu hứng chịu trực tiếp mỗi khi có bão, lũ xảy ra. Chính vì vậy, người dân luôn chủ động ứng phó với thiên tai, nguyên tắc là ưu tiên đảm bảo an toàn về người.

Tùy điều kiện của từng nhà mà cách ứng phó với bão khác nhau. Hầu như nhà cấp 4 nào cũng có công trình chống bão. Người dân có thể kết hợp xây dựng khu nhà tắm thật vững chãi để trú bão. Nhiều nhà chọn cách xây hầm tránh bão bên ngoài nhà ở.

"Ngay khi nhận tin báo bão, chính quyền thông báo thường xuyên để bà con biết thông tin. Người dân luôn chủ động dọn dẹp hầm tránh bão, chuẩn bị lương thực đưa vào hầm đề phòng bão kéo dài. Đây là cách làm hay nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người khi có bão lớn đổ bộ", ông Đồng nói thêm.


Link gốc: https://dantri.com.vn/xa-hoi/cuoc-song-moi-lan-rut-xuong-ham-tru-bao-cua-dan-bien-20220926151002006.htm

Theo Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".