Theo các chuyên gia khí tượng thủy văn, thời điểm trời đột nhiên trong xanh, tạnh ráo ngay sau khi dông bão xối xả chính là thời điểm mà mắt bão đi qua.
Mắt bão là khu vực trung tâm nhất của một cơn bão nhưng lại là nơi yên bình nhất với trời trong xanh, gần như không có gió, mây và mưa do điều kiện áp suất không khí rất thấp. Khu vực này thường có bề rộng từ 30-65km, tùy thuộc vào từng cơn bão.
Khi mắt bão đi qua, trời đột nhiên trong xanh, ấm áp nhưng ngay sau đó hoàn lưu bão sẽ kéo đến, kèm theo gió giật dữ dội, mưa dông xối xả. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, thời điểm này, người dân không nên chủ quan, cần tiếp tục tránh trú ở nơi an toàn cho đến khi có thông báo bão đã qua hoặc bão tan.
Chuyên gia khuyến cáo thời điểm mắt bão đi qua, người dân tuyệt đối không nên ra ngoài. Ảnh: TTXVN. |
Dự báo từ tối nay đến sáng mai (27-28/9), bão Noru - cơn bão được dự báo mạnh nhất trong 20 năm qua sẽ đổ bộ vào các tỉnh miền Trung nước ta. Trong đó, thời gian quần thảo dữ dội nhất từ 21-22 giờ tối nay đến rạng sáng mai.
Phạm vi ảnh hưởng của bão Noru rất rộng với 9/14 tỉnh thành phố miền Trung chịu ảnh hưởng trực tiếp. Trong đó Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định là 5 tỉnh/thành phố được dự báo chịu tác động của bão mạnh nhất, gió vùng ven biển gần tâm bão có thể lên tới cấp 12-13, giật cấp 15. Đây cũng là 5 tỉnh chịu rủi ro thiên tai cấp 4 - chỉ sau cấp thảm họa.
Khu vực Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên từ tối nay có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 9-10. Từ sáng sớm ngày 28/9, khu vực Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, có nơi cấp 10, giật cấp 12. Bốn tỉnh Quảng Trị, Phú Yên, Kon Tum và Gia Lai chịu rủi ro thiên tai cấp 3.
Về mưa, dự báo bão số 4 sẽ gây ra đợt mưa lớn diện rộng ở các tỉnh miền Trung và Bắc Tây nguyên với lượng mưa dự báo đến 300-400mm. Từ ngày 28/9, mưa lớn có xu hướng mở rộng ra khu vực Bắc Trung Bộ và Nam đồng bằng Bắc Bộ.
Do mưa lớn xối xả, tập trung trong thời gian ngắn nên gây ra một đợt lũ, ngập lụt diện rộng tại khu vực đồng bằng, ven biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định, đặc biệt là các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Theo ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mức độ ảnh hưởng của bão Noru có khả năng tương đương đến cao hơn cơn bão Xangsane năm 2006 - cơn bão từng gây ra gió mạnh cấp 13, giật cấp 14 khi đổ bộ Đà Nẵng - Quảng Nam khiến 76 người chết và mất tích, 532 người bị thương, gần 350.000 căn nhà bị đổ, hư hại, gần 1.000 tàu thuyền bị chìm và hư hại.
Bão Noru hình thành từ một vùng áp thấp ngoài khơi Philippines, sau đó mạnh lên thành bão vào 23/9. Khi đổ bộ bán đảo Luzon của Philippines, bão đạt sức mạnh của một siêu bão với sức mạnh cấp 16. Dự báo khi vào gần bờ biển nước ta, bão vẫn duy trì cường độ rất mạnh khoảng cấp 13-14.