“Cuộc chơi” với sâm quý ở huyện nghèo nhất nước

Người dân chăm sóc vườn sâm ở núi Ngọc Linh. Ảnh: Hoàng Thọ
Người dân chăm sóc vườn sâm ở núi Ngọc Linh. Ảnh: Hoàng Thọ
TP - Một đề án nghìn tỷ về sâm Việt Nam vừa được UBND tỉnh Quảng Nam thông qua. Vậy là “cuộc chơi” với sâm quý đang khởi động mà mục tiêu trước mắt đưa Nam Trà My thoát khỏi bản đồ huyện nghèo, người dân có thêm nguồn thu.

Đề án nghìn tỷ này với mục tiêu đưa sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia, mang tầm quốc tế, sánh ngang hàng với các loại sâm nổi tiếng trên thế giới. 

Nghịch lý ở thủ phủ sâm

Sâm Ngọc Linh là sâm quý, thuộc hạng thần dược, giá trị cao, từ 30 - 50 triệu đồng/kg. Thế nhưng huyện Nam Trà My, nơi được mệnh danh là thủ phủ của sâm quý vẫn cứ nghèo, người dân vẫn cứ khổ. Năm 2013, Nam Trà My nằm trong danh sách nghèo nhất nước với tỷ lệ hộ nghèo trên 70%. Cuối năm 2014, tỷ lệ này đã giảm xuống còn hơn 62%. Dù giảm nhưng vẫn là một trong những huyện nghèo của cả nước. 

Ông Hồ Quang Bửu lên Nam Trà My đảm đương nhiệm vụ Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My gần 1 năm nay. Từ giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông, được điều động lên làm chủ tịch huyện nghèo miền núi, với ông là cả một thử thách. “Tôi qua Hàn Quốc, bên đó người ta bán sâm giá từ 200 triệu đến 1,6 tỷ đồng/kg. Tôi tự hỏi: Tại sao sâm Ngọc Linh của mình giá trị cũng như sâm Hàn Quốc lại ít được biết đến?

Người Hàn Quốc làm giàu từ sâm, sao người dân mình sống trên sâm quý vẫn cứ nghèo?”, ông Bửu trăn trở. Vì trăn trở đó, ông đã hơn 3 lần lặn lội lên những bản làng sống giữa lưng chừng trời ở núi Ngọc Linh thuộc xã Trà Linh trong vòng gần 1 năm qua để khảo sát nắm tình hình trồng sâm của người dân nơi đây.

 “Giá sâm 30-40 triệu đồng/kg, nhưng số hộ trồng sâm còn ít, diện tích sâm ở Nam Trà My giờ chỉ mới dừng ở con số 70 ha. Một ha sâm Ngọc Linh sau 5 năm thu lời khoảng 30 tỷ đồng, dù huyện đã xúc tiến kêu gọi nhưng đến nay chưa có doanh nghiệp nào dám đầu tư vào sâm ở Nam Trà My”, ông Bửu nói. 

Diện tích không được mở rộng do thiếu giống. Đường sá, giao thông cách trở khiến doanh nghiệp “ngại” đầu tư. Hơn nữa, chưa có quy định nào về việc cho thuê đất dưới tán rừng để trồng sâm.   

Cũng theo ông Bửu, lâu nay việc phát triển sâm chưa có sự phối hợp với các ngành chức năng của Trung ương, địa phương trong việc điều tra, khảo sát, quy hoạch khu vực trồng sâm để có cơ sở đề xuất các giải pháp phù hợp. Việc đầu tư giống cây sâm Ngọc Linh trong thời gian qua chỉ mang tính chất hỗ trợ, chưa có định hướng phát triển, chưa có sự kiểm tra, giám sát quản lý chặt chẽ của nhà nước.

Ngoài ra, do thiếu ăn trong những tháng giáp hạt, nên nhiều hộ gia đình nhổ bán sâm non khi chưa đến tuổi khai thác, dẫn đến hiệu quả giá trị kinh tế mang lại không cao, tình trạng mất trộm sâm trong nhân dân thường xuyên xảy ra, nhiều hộ tự nhổ bán làm cạn kiệt nguồn cây giống. Do đó cần có một quyết sách, một chương trình mang tầm quốc gia với cây sâm.

Cuộc chơi mới với sâm 

“Cuộc chơi” với sâm quý ở huyện nghèo nhất nước ảnh 1

Củ sâm Ngọc Linh chính hạng, có giá từ 30 triệu đồng/kg trở lên 

Đề án phát triển sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh) vừa được tỉnh Quảng Nam thông qua, với tổng kinh phí hơn 9.000 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí kêu gọi doanh nghiệp đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng. Đề án sẽ được trình Chính phủ xem xét phê duyệt. 

Theo đó, mục tiêu đề án đến năm 2025, đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm đứng thứ 2 trên thế giới (sau Hàn Quốc); xây dựng một thương hiệu sâm Ngọc Linh mang tầm quốc tế. Hiện, Nam Trà My đang chờ một cơ chế đặc biệt từ tỉnh, Trung ương để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sâm Ngọc Linh. 

Để khởi động, cuối tháng 3 này, khoảng 50 người gồm cán bộ huyện, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà báo… sẽ có cuộc hành trình lên đỉnh Ngọc Linh nhằm khảo sát thực địa, thổ nhưỡng ở nơi có độ cao hơn 2.600m so với mực nước biển. 

“Tôi qua Kon Tum hỏi chuyện, lãnh đạo và người dân bên đó, tất cả đều khẳng định núi Ngọc Linh chưa ai lên được đến đỉnh vì nhiều lý do, nhiều câu chuyện huyền bí. Người dân cũng chưa ai lên đến đỉnh. Chuyến đi này khá mạo hiểm, kéo dài khoảng 15 ngày giữa rừng sâu.

 Chuyến đi nhằm khảo sát thực địa, thổ nhưỡng, nghiên cứu kỹ hơn cây sâm, để có cơ sở thực tiễn góp phần vào thực hiện đề án sâm quốc gia. Việc phát triển sâm cũng sẽ hướng đến việc phát triển du lịch khám phá núi Ngọc Linh sau này”, ông Bửu cho biết. 

“Tay chơi” Hồ Văn Hình, người dân tộc Ca Dong, ở thôn 3 xã Trà Linh, được biết đến là một tỷ phú giàu có nhờ trồng sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My. Dù ở nơi cách trở, đi bộ gần ngày trời mới đến, nhưng anh Hình vẫn đầu tư tiền tỷ đào ao thả cá ở lưng chừng trời, bán sâm đưa người thân, dân làng đi ra Hà Nội tham quan. 

Anh đang học lái ô tô và sắp kết thúc khóa học. Anh tự hào: “Mình là người đầu tiên ở Trà Linh biết lái ô tô. Đường từ Trà Linh xuống huyện đã thông, có bằng lái, mình sẽ mua ô tô phục vụ dân làng”. Hỏi chuyện sâm, anh Hình cho biết, vừa bị nhổ trộm gần 30kg sâm, mất gần 1 tỷ đồng. Thế nhưng anh Hình vẫn cười, xem đó là mất mát nhỏ…


MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.