Cuộc chiến tranh kỳ lạ nhất trong lịch sử

Cuộc chiến tranh kỳ lạ nhất trong lịch sử
TP - Trong bối cảnh cuộc chạy đua vào Nhà Trắng ở Mỹ đang diễn ra hối hả, nguy cơ khủng bố nhằm vào nước Mỹ lại đang được đặt ra ở cấp cao nhất.

Theo tin của hãng thông tấn AP, trích dẫn một nguồn tin xin được giấu tên từ cộng đồng tình báo Hoa Kỳ, kể từ sau vụ khủng bố ngày 11/09/2001, Tổng thống Mỹ.G. W.Bush phát động “cuộc chiến tranh toàn cầu chống khủng bố”.

Đến nay đã qua hơn 6 năm, nước Mỹ đã phải huy động bộ máy quân sự khổng lồ nhất hành tinh với sự tham gia của các lực lượng quân sự của không ít các quốc gia dấn thân và sa lầy vào hai cuộc chiến tranh ở Afghanistan và ở Iraq, gần đây Mỹ lại đang có ý định mở thêm một “cuộc chiến chống khủng bố” nữa ở Pakistan.

Theo báo cáo của cộng đồng tình báo Mỹ, thì mạng lưới khủng bố Al-Qaeda đã từng ráo riết chuẩn bị hoạt động khủng bố năm 2004 nhưng chỉ trong năm 2006 chúng mới thực hiện được kế hoạch này sau khi Chính phủ Pakistan ký kết hiệp ước hòa bình với các bộ tộc nằm ở các khu vực giáp giới giữa Afganistan và Pakistan.

Hiệp định này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng Taliban và Al-Qaeda dễ dàng thâm nhập từ Afghanistan sang Pakistan. Ông John Creengen, Phó Giám đốc CIA phụ trách tình báo, bày tỏ lo ngại rằng Al-Qaeda đang tăng cường tiềm lực, tăng cường các cuộc tiếp xúc và huấn luyện.

Hiện nay, tuy Mỹ đã có chương trình chống khủng bố, trong đó có kế hoạch phối hợp với các cơ quan phản gián châu Âu về phương pháp và hình thức chống khủng bố, nhưng các phân đội chống khủng bố của Mỹ hoạt động chưa đủ hiệu quả, các cơ quan tình báo Mỹ chưa kịp thời có được những thông tin cần thiết về các kế hoạch khủng bố của Al-Qaeda.

Còn theo các chuyên gia phân tích tình báo của Mỹ, chính các nước châu Âu là nơi bọn khủng bố dễ dàng lọt sang Mỹ qua con đường nhập cư, trước hết là từ các nước Anh, Đan Mạch, Đức, Hà Lan là những nước đã kí kết thỏa thuận nới lỏng các thủ tục hải quan với Pakistan, vô tình tạo điều kiện thuận lợi cho bọn khủng bố có thể lan tỏa ra khắp thế giới, trong đó có Mỹ.

Còn theo giáo sư Viacheslav Belokreniski, Phó Vụ trưởng Trung Cận Đông thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga, các lực lượng hồi giáo cực đoan ở tây bắc Pakistan nhận được sự ủng hộ của các thế lực có ảnh hưởng ở Islabamad, trong đó có “Mặt trận hành động thống nhất” đã từng giành được 20% số phiếu ủng hộ trong các cuộc bầu cử vào các cơ quan trung ương và sự ủng hộ tuyệt đối ở các vùng địa phương tây-bắc. Theo ông, không loại trừ khả năng, trong tương lai, Pakistan sẽ rơi vào một cuộc nội chiến quy mô lớn.

Trong khi đó, một số các chuyên gia phân tích cho rằng, nguyên nhân chủ yếu khiến cho hoạt động khủng bố phát triển mạnh trong thời gian qua là do cộng đồng thế giới chưa có quan niệm thống nhất về “khủng bố” và “chống khủng bố”.

Ngay trong nội bộ chính giới Mỹ và các đồng minh của Mỹ, cũng như các quốc gia ủng hộ Mỹ trong “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” cũng chưa có quan niệm thống nhất về thế nào là “khủng bố” và “chống khủng bố”.

Vì thế, đã có không ít kẻ lợi dụng sự nhập nhèm này để “mượn gió bẻ măng”, lợi dụng “khủng bố” và “chống khủng bố” để thực hiện các mục đích hoàn toàn không liên quan tới “cuộc chiến toàn cầu” này.

MỚI - NÓNG