Cuộc chiến tranh không chịu ra khỏi tôi

"Nụ cười chiến thắng", ảnh Đoàn Công Tính - PV báo Quân Đội Nhân dân chụp dưới chân Thành cổ Quảng Trị
"Nụ cười chiến thắng", ảnh Đoàn Công Tính - PV báo Quân Đội Nhân dân chụp dưới chân Thành cổ Quảng Trị
TP - Văn xuôi viết về chiến tranh đang xuất hiện những tiểu thuyết-tự truyện. Đó là một xu hướng hiện đại. Tự truyện ở đây đòi hỏi gay gắt sự chân thật, chân thành, không che giấu.

Có hai câu thơ của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha cứ ám ảnh tôi:

“Cuộc chiến tranh không chịu ra khỏi tôi
Bụi trong nhà chẳng chổi nào quét sạch” 

Ví von như vậy, theo tôi là rất hay, và đó là thứ “bụi” không dễ gì quét sạch khỏi số phận những nhà thơ nhà văn đã tham gia cuộc chiến. Bản thân tôi, đã có lúc không muốn viết về đề tài chiến tranh nữa. Nhưng rồi, không biết thế nào, lại viết. Có đến mấy trường ca của tôi, cùng nhiều bài thơ ngắn, được viết trong khoảng 12 năm trở lại đây. Hình như mở đầu là trường ca “Metro” viết năm 2006, một trường ca viết hoàn toàn về chiến tranh. Đúng là chiến tranh vẫn chưa được “quét sạch” khỏi con người mình, dù mình có cố gắng để quét, để quên. 

Tôi nhớ vào năm 1994, một nhà văn cựu binh nổi tiếng của Mỹ là Tim O’Brien, một người lính trẻ từng đóng quân ở Sơn Mỹ và Bình Sơn (Quảng Ngãi), sang Việt Nam về lại chiến trường xưa, có tìm gặp tôi. Ông này cùng tuổi Bính Tuất với tôi, nên mới gặp đã vui ngay. Tim nói: “Cho đến bây giờ, tôi vẫn chỉ viết về chiến tranh, dù tôi tham chiến trong thời gian không dài”, Đúng là “Cuộc chiến tranh không chịu ra khỏi tôi”. Lúc đó tôi nói: “ Còn tôi thì không muốn viết về chiến tranh nữa”. Tim hỏi “ Vậy thì anh viết về cái gì ?” Tôi trả lời có vẻ hơi tự tin: “ Thì tôi viết về…chính tôi”. Chị phiên dịch hơi ngạc nhiên khi dịch câu đơn giản này ra tiếng Anh. Tim O’Brien cũng có vẻ hơi ngạc nhiên. Đúng là lúc đó tôi cũng trả lời bừa thế thôi, chứ không nghĩ ngợi sâu xa gì. Hóa ra, “nói dzậy mà không phải dzậy”. Bởi khi tôi làm thơ về chính mình, về tâm trạng hay xúc cảm của mình, về những người bạn mình, thì những ký ức chiến tranh tự động hiện thành những dòng chữ, như vô thức. Bây giờ tôi hiểu, khi tuổi trẻ của mình đã mãi mãi lùi xa, thì 5 năm sống ở chiến trường là quãng thời gian đáng nhớ, và đáng sống nhất. Xin lỗi Tim O’Brien, vào cái thời khắc năm 1994 ấy, tôi đã chưa hiểu anh, và cũng chưa kịp hiểu mình. Chiến tranh quả là cái gì thật dễ vào nhưng rất khó ra. Một số nhà thơ nhà văn bạn tôi cũng có chung cảm giác này. Và họ cứ viết mãi về chiến tranh, khi cuộc chiến đã lùi xa ngót nửa thế kỷ.

Cuộc chiến tranh không chịu ra khỏi tôi ảnh 1 Quân Giải phóng chiếm căn cứ Đầu Mấu - cứ điểm phòng thủ của Quân đội Sài Gòn ở Vùng Một chiến thuật Ảnh: Tư liệu
Thực tình, tôi cũng không biết những tác phẩm của mình viết về chiến tranh có đạt được “thành tựu” gì không. Tôi cứ viết như một hành động giải tỏa cho chính mình. Có điều lạ, là sau mỗi tác phẩm viết về chiến tranh, tôi lại rơi vào một “khoảng rỗng”, và cứ nghĩ đó là cái cuối cùng mình viết về đề tài này. Nhưng một thời gian sau, chiến tranh lại hiện về trên những dòng chữ, dù là thơ hay văn xuôi, trường ca hay đoản ca. Đó là điều không hề dễ hiểu, nhưng có thật. Cách đây vài năm, tôi có viết một quyển sách nhan đề “Lang thang qua chiến tranh”, theo kiểu “nhớ gì ghi nấy, vui đâu chầu đấy”. Tôi rất vui khi viết quyển sách này, nhiều khi vừa viết vừa…cười. Toàn những chuyện buồn cười trong chiến khu và chiến trường mà mình đã trải qua. Với bạn bè, đồng đội của mình. Với những bài thơ mình viết ngày ấy. Và với cả những người mình không ưa nhưng phải sống chung. Chiến tranh là một môi trường sống đặc biệt. Và có đủ mọi thứ trong đó, chứ không phải chỉ toàn những điều tốt đẹp. Có ngọt bùi và cũng nhiều đắng cay.

Nếu viết về chiến tranh từ một chỗ đứng và một điểm nhìn có phần khách quan như thế là một sự đổi mới nào đó trong cách viết, thì tôi cũng cảm thấy mình có đổi mới. Bây giờ, tôi chỉ dám nhận cho mình duy nhất một danh hiệu, đó là “người kháng chiến cũ”, một danh hiệu mà hàng triệu người Việt Nam đã có. Tôi yêu danh hiệu chẳng ai phong này, như yêu thơ Luis Aragon và Paul Eluard-hai nhà thơ kháng chiến cũ của Pháp mà tôi luôn ngưỡng mộ.       

Văn học và điện ảnh là hai lĩnh vực rất thường thể hiện đề tài chiến tranh. Với người đọc và người xem bây giờ, nhất là người trẻ, mà vẫn thể hiện chiến tranh “theo kiểu ngày xưa”, nghĩa là cách đây vài chục năm, thì đúng là khó tiếp nhận. Chỉ trừ với những kiệt tác. Bây giờ, tôi vẫn hết sức xúc động khi xem lại những phim kinh điển của điện ảnh Xô-viết cách đây hơn nửa thế kỷ, như “Bài ca người lính”, “Khi đàn sếu bay qua”, “Số phận con người”…

Đó là những tác phẩm điện ảnh có vẻ đẹp giản dị, cao cả và đặc biệt chân thành. Nó đi thẳng vào lòng người xem, bất chấp ở phía bên nào.

Trong những năm ở chiến trường, tôi viết báo cho buổi phát thanh binh vận ở hai Đài phát thanh Giải Phóng và Tiếng nói Việt Nam. Đó là những bài báo tuyên truyền. Nhưng khi làm thơ tôi tuyệt đối không tuyên truyền. Điều đó thuộc về bản tính, chứ không phải bút pháp hay thi pháp gì. Vì tôi nghĩ càng không tuyên truyền thì càng dễ thuyết phục người đọc.  

Đúng như nhận xét của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, trong thơ tôi luôn giữ cho mình “sự tự do triệt để, tự do ngay cả khi cam chịu”. Vâng, ở đời ai chẳng có những lúc phải cam chịu. Tôi nhớ mãi câu kết tiểu thuyết “Âm thanh và cuồng nộ” của văn hào Mỹ William Faulkner:  “Dempsey: Và họ chịu đựng”. Tôi hiểu đó như một thông điệp. 

Ngày ở chiến trường, với bài thơ “Một người lính nói về thế hệ mình”, tôi đã phải cam chịu khá lâu. Nhưng tôi vẫn giữ được sự tự do cho mình. Và tôi nghĩ, sự tự do trong tâm hồn là điều kiện tiên quyết cho bất cứ nhà thơ nào. 

Văn xuôi viết về chiến tranh đang xuất hiện những tiểu thuyết-tự truyện. Đó là một xu hướng hiện đại. Tự truyện ở đây đòi hỏi gay gắt sự chân thật, chân thành, không che giấu. Đây là dạng tiểu thuyết phát xuất từ ngôi thứ nhất, tác giả là người kể chuyện, câu chuyện của chính mình và đồng đội mình trong chiến tranh. Tôi đánh giá rất cao tiểu thuyết-tự truyện “Mùa chinh chiến ấy” của nhà văn Đoàn Tuấn-một cựu chiến binh từng trực tiếp tham chiến ở chiến trường Campuchia. Không tránh né, không giấu giếm, đi thẳng vào những góc khuất trong chiến tranh, tự mổ xẻ phân tích con người mình, kể những chuyện vui tươi hay đau lòng về những đồng đội mình, tuyệt đối không tuyên truyền, đó là thế mạnh của tiểu thuyết “Mùa chinh chiến ấy”. Cách viết tiểu thuyết như thế là hiện đại mà vẫn rất bình dị, rất dễ đồng cảm. Không cần hư cấu hay tưởng tượng quá mức, tiểu thuyết-tự truyện vẫn gây được hứng thú mạnh mẽ cho người đọc. Tô Hoài là nhà văn Việt Nam lớp trước nhưng đi trước trong thể loại này. Tiểu thuyết-tự truyện “Ba người khác” của Tô Hoài đã tới gần một kiệt tác.

Cuộc chiến tranh Mỹ gây ra cho dân tộc Việt Nam "đẻ” ra tới ba lớp nhà văn chuyên viết về chiến tranh: lớp nhà văn Việt Cộng (như cách gọi của phía bên kia), lớp nhà văn cựu binh Mỹ và lớp nhà văn Việt Nam cộng hòa. Đó là một sự kỳ lạ mà không phải cuộc chiến tranh nào trên thế giới này cũng có. Trong cả ba lớp nhà văn viết về chiến tranh ấy, đã có những nhà văn rất tài năng. Không ai muốn có chiến tranh để thành nhà văn hay nhà thơ cả. Nhưng rồi đã có chiến tranh. Và đã có những nhà văn viết về chiến tranh, cũng là viết về những con người sống trong cuộc chiến đầy chết chóc, đầy bất thường, đầy tai ương mà vẫn cố giữ mình là những con người, biết yêu thương, biết hy sinh, biết chịu đựng và hy vọng.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.