Giữ bình yên cho biên giới Tây Nam

Giữ bình yên cho biên giới Tây Nam
TP - Nhờ Bộ đội Biên phòng (BĐBP), vùng biên giới tiếp giáp Campuchia dài gần 60 km ở tỉnh Kiên Giang luôn được bình yên.

> Lính trẻ năng động, sáng tạo

Chị Chao Thị Hương, người Khmer, sống tại ấp Xà Xía (xã Mỹ Đức, Hà Tiên, Kiên Giang), có ba con, chỉ vào ngôi nhà xây trị giá 25 triệu đồng, cho biết đây là kết quả chương trình Mái ấm biên cương của BĐBP. Không chỉ có nhà, chị Hương còn có cả trâu trị giá 20 triệu đồng.

Thượng úy Danh Kim HuôL, Đội trưởng Đội vận động quần chúng thuộc Đồn cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên, cho biết tiền mua trâu được vay từ Ngân hàng Chính sách do BĐBP đứng ra bảo lãnh nhằm giúp bà con xóa đói giảm nghèo. Tùy theo khả năng, mỗi hộ gia đình được bảo lãnh vay từ 5 đến 25 triệu đồng.

Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên mỗi ngày có hàng ngàn người qua lại. Những chiếc xe tải, xe máy chất hàng cao ngật ngưỡng qua lại biên giới cùng nhiều đoàn khách du lịch.

Trên đường tới cột mốc 302 khu vực cửa khẩu Giang Thành (Giang Thành, Kiên Giang), chúng tôi gặp anh Xivannon, người Campuchia, đang cắt cỏ trên cánh đồng của Việt Nam, cho biết: “Bên Campuchia vào mùa khô thiếu nước, thiếu cỏ cho trâu bò, vì thế chúng tôi qua Việt Nam để cắt cỏ”.

Anh Nguyễn Thanh Tân, người có bốn ruộng lúa sát cột mốc biên giới 302, cạnh cửa khẩu Giang Thành, tâm sự: “Nông dân hai nước ở vùng biên giới này thường qua lại mua bán, học tập kỹ thuật canh tác lúa, cây trồng, vật nuôi”.

Trên bến phà cửa khẩu Giang Thành, người dân hai nước qua lại mua bán nhộn nhịp, con sông Giang Thành nối với kinh Vĩnh Tế, ngày đêm hiền hòa chở hàng hóa và khách du lịch ngược xuôi. Những người lính biên phòng vùng biên giới Tây Nam góp phần quan trọng cho sự bình yên nơi đây.

Thượng tá Trần Văn Hưng, Chính trị viên Đồn biên phòng Vĩnh Điều, cho biết: “Chúng tôi thường xuyên phối hợp với chính quyền, nhân dân địa phương bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới và trật tự an toàn xã hội. Biên phòng là lực lượng chủ lực trong việc di dời dân khỏi vùng lũ, cắt lúa chạy lũ trong năm qua. Người dân vùng biên là những tuyên truyền viên đặc biệt về chủ quyền, đường biên, cột mốc”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG