Cuộc chiến quanh chiếc ghế của Myanmar tại Liên Hợp quốc

0:00 / 0:00
0:00
Đại sứ Kyaw Moe Tun giơ 3 ngón tay trong bài phát biểu tại Liên Hợp quốc tuần trước. (Ảnh: Reuters)
Đại sứ Kyaw Moe Tun giơ 3 ngón tay trong bài phát biểu tại Liên Hợp quốc tuần trước. (Ảnh: Reuters)
TPO - Cuộc chiến giành quyền kiểm soát Myanmar giờ đã chính thức lan đến Liên Hợp quốc.

Trong một bức thư gửi LHQ, Đại sứ Myanmar Kyaw Moe Tun nói vơi tổ chức liên chính phủ này rằng ông vẫn là người đại diện cho Myanmar, sau khi ông có bài phát biểu quyết liệt hồi tuần trước để bác bỏ việc quân đội tiếp quản đất nước. 

Trong khi đó, phó đại sứ Myanmar tại LHQ cũng gửi thư đến cơ quan này để nói rằng chính quyền quân sự muốn ông là người đại diện cho đất nước.

Chính quyền dân sự Myanmar bị quân đội lật đổ trong một cuộc đảo chính hồi tháng trước. Trong mấy tuần qua, hàng ngàn người trên khắp cả nước biểu tình để phản đối đảo chính, dẫn đến việc các lực lượng an ninh đàn áp bạo lực và bắt bớ. 

“Những thủ phạm của cuộc đảo chính đã lật đổ chính phủ dân chủ của Myanmar không có quyền chống lại thẩm quyền hợp pháp của Tổng thống nước tôi”, Đại sứ Kyaw Moe Tun viết trong lá thư gửi LHQ. 

Nhưng Bộ Ngoại giao Myanmar hiện nay đang ủng hộ phó đại sứ tiếp quản vị trí đại diện cao nhất tại LHQ, phát ngôn viên LHQ Stephane Dujarric cho biết.

“Đây là một tình huống bất thường mà chúng tôi chưa từng thấy trong một thời gian dài”, ông Dujarric nói với báo chí. Ông cho biết LHQ đang “cố gắng giải quyết càng nhanh càng tốt”. 

Cuối tuần qua, lãnh đạo quân đội Myanmar thông báo sa thải ông Kyaw Moe Tun, sau khi ông kêu gọi các thành viên LHQ dùng “bất kỳ cách nào cần thiết” để giúp phục hồi hệ thống lãnh đạo dân sự ở Myanmar. 

“Chúng tôi cần hành động mạnh nhất từ cộng đồng quốc tế để ngay lập tức chấm dứt đảo chính quân sự, dừng đàn áp những người vô tội, quay lại với quyền lực nhà nước vì nhân dân và khôi phục dân chủ”, ông Myaw Moe Tun nói trước LHQ cuối tuần trước.

Ông Kyaw Moe Tun nói rằng những phát biểu này của ông đại diện cho chính phủ của bà Aung San Suu Kyi. Ông cũng giơ 3 ngón tay làm biểu tượng như trong phim “Hunger Games” mà những người biểu tình Myanmar sử dụng. Bài phát biểu của ông đã nhận được tràng pháo tay hiếm hoi từ các đồng nghiệp tại LHQ.

Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield khen ngợi bài phát biểu “dũng cảm” của ông.

Cả đại sứ và phó đại sứ Myanmar đều có quyền vào toà nhà LHQ, dẫn đến một câu hỏi: ai có quyền ngồi vào chiếc ghế của Myanmar?

Trong những căng thẳng ngoại giao tương tự trước đây, một uỷ ban của LHQ sẽ quyết định ai là người phù hợp nhất để đại diện cho đất nước.

Khi được hỏi về quy trình xem xét, ông Dujarric cho biết: “Trước tiên, chúng tôi cần nhận được thông báo chính thức về sự thay đổi chính phủ, thay đổi về đại diện thường trực…Nếu có những câu hỏi về tính chính danh của người đang ngồi tại ghế đại diện, các quốc gia thành viên sẽ phải thảo luận tại một uỷ ban của Đại Hội đồng”. 

Quy trình đó có thể kéo dài và càng gây thêm khủng hoảng. Phát ngôn viên của LHQ nói rằng Tổng thư ký Antonio Guterres muốn Hội đồng bảo an có biện pháp để các lãnh đạo quân đội Myanmar đưa đất nước quay lại dân chủ.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói rằng ông Kyaw Moe Tun sẽ vẫn là đại diện thường trực của Myanmar. 

Bà Christine Schraner Burgener, Đặc phái viên của Tổng thư ký LHQ về Myanmar, thúc giục tổ chức quốc tế này không công nhận chính quyền quân sự Myanmar, vì hành động chiếm quyền điều hành đất nước thực chất là một cuộc đảo chính.

Theo Theo CNN
MỚI - NÓNG