Phương Tây liên kết đối phó Trung Quốc trên Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
Tàu sân bay Anh HMS Queen Elizabeth sẽ đến Biển Đông vào giữa năm nayảnh: Alamy
Tàu sân bay Anh HMS Queen Elizabeth sẽ đến Biển Đông vào giữa năm nayảnh: Alamy
TP - Trung Quốc hôm qua thông báo tập trận suốt một tháng trên Biển Đông để thực hiện kế hoạch hiện đại hóa các lực lượng vũ trang, trong bối cảnh các cường quốc phương Tây gia tăng hiện diện ở khu vực.

Chiến dịch tập trận của quân đội Trung Quốc kéo dài đến 31/3, Thời báo Hoàn cầu dẫn thông tin từ Cục An toàn hàng hải Trung Quốc. Đợt tập trận diễn ra trong khu vực có bán kính 5km ở phía tây bán đảo Lôi Châu (cực nam của tỉnh Quảng Đông), theo thông báo hạn chế tàu thuyền mà Cục An toàn hàng hải Trung Quốc đăng trên trang web. Những tàu không thuộc hải quân Trung Quốc được cảnh báo không đi vào khu vực này.

Thông cáo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc về đợt tập trận nói rằng nước này “phản đối bất kỳ nước nào hiện diện quân sự ở khu vực này dưới danh nghĩa tự do hàng hải”. Bắc Kinh có yêu sách chủ quyền phi lý trên gần 90% Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của nhiều nước láng giềng.

Chiến dịch dồn dập

Đợt tập trận diễn ra trong bối cảnh Mỹ cùng các đồng minh đang đoàn kết để chống lại Bắc Kinh. Anh, Pháp, Đức, Hà Lan và Canada gần đây đều đưa tàu chiến đến Biển Đông để gửi thông điệp đến Trung Quốc.

Bộ Quốc phòng Anh vừa thông báo, một lực lượng đa quốc gia với trung tâm là tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sẽ đến Đông Nam Á trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay.  Ít nhất một tàu chiến của Úc sẽ tham gia nhóm tàu này, cùng với lực lượng của Mỹ để thực hiện các cuộc diễn tập ở Thái Bình Dương. Báo chí Úc nói rằng, chi tiết về sự tham gia của nước này chưa được xác nhận, nhưng ít nhất sẽ có một tàu khu trục. Bộ Quốc phòng Anh nói rằng, trong chuyến đi này, nhóm tàu sân bay “mang lại cho Anh sự lựa chọn và khả năng linh hoạt trên phạm vi toàn cầu, trấn an các đồng minh và bạn bè của chúng tôi và thể hiện một sự răn đe mạnh mẽ với những bên có thể trở thành đối thủ”.

Đầu tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly thông báo, tàu ngầm FS Emeraude có chuyến đi qua Biển Đông “để làm giàu thêm hiểu biết của chúng tôi về khu vực này và khẳng định rằng, luật quốc tế là quy tắc duy nhất có hiệu lực, bất kể vùng biển nào chúng tôi đi qua”. Báo chí Trung Quốc nói “quân đội Pháp không có chỗ trên Biển Đông” và cáo buộc Paris hành động “gây bất ổn”.

Một tàu tấn công đổ bộ và tàu khu trục Pháp rời Toulon đến Đông Nam Á từ tuần trước. Chỉ huy tàu FS Tonnerre nói rằng, ông sẽ “thúc đẩy quan hệ đối tác của Pháp với Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc”. Việc Pháp tham gia vào khu vực cho thấy Biển Đông giờ trở thành nơi cạnh tranh của 3 cường quốc hạt nhân lớn. Pháp đang sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Nga. Tháng trước, tàu khu trục Winnipeg của Hải quân hoàng gia Canada đi qua eo biển Đài Loan, một vùng biển rất nhạy cảm với Trung Quốc, để nhấn mạnh thông điệp về “khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do”.

Bắc Kinh không muốn bất kỳ cường quốc nào hiện diện ở khu vực mà họ coi là sân sau của mình. “Với việc cử khí tài hải quân đến Biển Đông, Pháp và Anh đang góp phần vào mưu đồ chống Trung Quốc của Mỹ”, báo China Daily viết. Bài viết này cáo buộc phương Tây có “kế hoạch xảo quyệt” kiểu “tân đế quốc” để hỗ trợ Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines và Indonesia, điều “có thể gây ra khủng hoảng khu vực”. Nhưng Trung Quốc liên tục có những bước đi gây quan ngại cho các nước trong và ngoài khu vực. Nước này đã xây dựng một mạng lưới pháo đài đảo nhân tạo để áp đặt yêu sách rộng khắp trên toàn bộ Biển Đông và Hoa Đông. Trung Quốc gần đây thông qua luật hải cảnh mới cho phép lực lượng này nổ súng vào các tàu nước ngoài và phá các cấu trúc nước ngoài  trên vùng biển mà Trung Quốc cho là của mình.  

MỚI - NÓNG