Cùng đồng bào Mông đón tết sớm

Cùng đồng bào Mông đón tết sớm
TPO - Ngay từ ngày mồng 1 tháng chạp, đồng bào người Mông ở huyện Mộc Châu (Sơn La) đã tổ chức đón tết. Sau một năm vất vả, nhiều bản làng người Mông lại đắm chìm trong không gian huyền thoại của mùa lễ hội.

Theo cách tính của người Mông thì mỗi tháng có đủ 30 ngày, bởi vậy do tháng một âm lịch năm nay có 29 ngày nên năm nay, ngày đầu năm của người Mông ở Mộc Châu là ngày 05 tháng 01 năm 2011.

Nói đến người Mông ở Mộc Châu, người ta thường nghĩ ngay đến xã Lóng Luông - một xã nằm dọc theo quốc lộ 6, trung tâm xã cách Hà Nội khoảng 160km. 10 giờ sáng ngày 30 tết, chúng tôi có mặt tại nhà anh Giàng Anh Sếnh (36 tuổi), trưởng bản bản Lóng Luông - xã Lóng Luông, vừa kịp lúc gia đình anh đang chuẩn bị làm các nghi lễ đưa tiễn năm cũ và mời ông bà tổ tiên về ăn tết.

 
Cùng đồng bào Mông đón tết sớm ảnh 1

Chị Hờ Thị Sớ - vợ anh Giàng A Sếnh - đang ngồi trước sân nhà làm chiếc chổi làm bằng lá giang chuẩn bị cho lễ tiễn năm cũ.

Cùng đồng bào Mông đón tết sớm ảnh 2

Anh Giàng A Sếnh đang cắt giấy trang trí cho bàn thờ. Anh cho biết, đây là loại giấy do gia đình tự làm. Người Mông làm giấy bằng cách chẻ mỏng cây giang, ninh kĩ rồi giã và lọc qua miếng vải màn, sau đó giát mỏng, phơi khô là xong.

 
Cùng đồng bào Mông đón tết sớm ảnh 3

Giàng A Chứ (14 tuổi), con trai lớn của anh Giàng A Sếnh đang giúp bố dán tờ vàng mã lên các cửa chính trong nhà. Theo phong tục của người Mông, chỉ có đàn ông, con trai trong nhà mới được phép trang trí nhà cửa để đón tổ tiên về ăn tết.

 
Cùng đồng bào Mông đón tết sớm ảnh 4

 Dán giấy lên nông cụ và đặt cạnh bàn thờ cũng là một nghi lễ bắt buộc, bày tỏ sự biết ơn các dụng cụ này đã giúp con người lao động trong năm qua.

Cùng đồng bào Mông đón tết sớm ảnh 5

5. Nơi thờ cúng của các gia đình người Mông ở Mộc Châu thường ngày chỉ là một tờ giấy dán lông gà. Đến ngày tết, các gia đình lại kê một chiếc bàn phía dưới bày bánh kẹo, hoa quả và không thể thiếu một cành đào bên cạnh.

 
Cùng đồng bào Mông đón tết sớm ảnh 6

 Sau khi đã bày biện xong, anh Giàng A Sếnh dùng chiếc chổi làm bằng là và cây giang quét khắp ba gian nhà và một gian bếp để xua đuổi bệnh tật, rủi ro và những điều không mong muốn trong năm cũ, đồng thời mời những điều tốt đẹp sẽ đến với gia đình mình vào năm mới.

 
Cùng đồng bào Mông đón tết sớm ảnh 7

Theo truyền thuyết của người Mông, gà trống là vật tượng trưng cho thần mặt trời, ban phát ánh sáng và sự sống cho con người. Bởi vậy, gà trống là vật không thể thiếu trong lễ cúng cuối năm.

Cùng đồng bào Mông đón tết sớm ảnh 8

 Sau khi lễ khấn, vợ chồng chủ nhà cắt tiết con gà trống ngay trước bàn thờ. Chủ hộ sẽ vặt lông gà và dùng tiết gà để dính lên tờ giấy thờ.

 
Cùng đồng bào Mông đón tết sớm ảnh 9

Tờ giấy thờ mới của nhà anh Giàng A Sếnh sau khi đã được dán lông gà. Theo phong tục, người duy nhất được chạm vào tờ giấy này là chủ gia đình. Mỗi năm, vào ngày 30 tết, người Mông lại thay một tờ giấy mới, tờ giấy cũ không được đốt mà sẽ được đem ra ngã ba trước nhà.

Cùng đồng bào Mông đón tết sớm ảnh 10
 

 Ngoài việc thờ cúng trong nhà, người Mông còn cúng gà thờ tổ tiên của mình trong vườn.

Cùng đồng bào Mông đón tết sớm ảnh 11

Toàn cảnh gian chính - nơi đặt bàn thờ - của nhà anh Giàng A Sếnh sau khi đã hoàn tất các thủ tục cúng lễ, mời ông bà tổ tiên về ăn tết. Sau 4 giờ đồng hồ, từ 10h30' đến 14h30', gia đình trưởng bản Lóng Luông đã hoàn tất các nghi lễ quan trọng của ngày cuối năm.

Bên cạnh các nghi lễ thờ cúng trong ngày cuối năm thì giã bánh dày cũng là một hoạt động đặc sắc trước ngày tết cổ truyền của người Mông ở Mộc Châu.

Cùng đồng bào Mông đón tết sớm ảnh 12

Trong khi các gia đình khác đã làm xong bánh dày từ chiều hôm trước thì 3 giờ chiều ngày 30 tết gia đình ông Sồng A Páo (46 tuổi, bản Pa Kha - xã Lóng Luông) mới giã bánh.

 
Cùng đồng bào Mông đón tết sớm ảnh 13

Bánh dày của người Mông được làm bằng gạo nếp nương. Gạo nếp ngâm trong một ngày đêm rồi được đem ra đồ chín thành xôi (trong khoảng 2 tiếng). Khi xôi vừa chín thì cho vào cối giã thật dẻo. Cả cối lẫn đôi chày đều làm bằng gỗ trắc. Chiếc cối mà nhà ông Sồng A Páo dùng cũng là chiếc cối được cả bản dùng chung đã 20 năm nay.

 
Cùng đồng bào Mông đón tết sớm ảnh 14

Sau hơn 10 phút, xôi nếp đã được giã xong, phụ nữ trong nhà xoa một ít lòng đỏ trứng gà đã luộc chín lên lòng bàn tay rồi nặn bánh thành hình tròn và bọc trong lá chuối. Thường thì mỗi cân gạo sẽ làm được 4 chiếc bánh cỡ vừa. Năm nay, nhà ông Sồng A Páo nấu liền 3 nồi xôi, tổng cộng hết 23 cân gạo. Trong bản, trung bình mỗi nhà chỉ nấu bằng khoảng 6 đến 7 cân gạo. Nhà nào càng đông người, nhiều khách thì nấu càng nhiều.

 
Cùng đồng bào Mông đón tết sớm ảnh 15

16h40', trời đã chuẩn bị tối dần, con trai út của anh Hờ A Khúa (trưởng bản Pa Kha) cũng dán xong tờ giấy cuối cùng vào các nông cụ và công trình xung quanh nhà để chuẩn bị đón năm mới.

Cùng đồng bào Mông đón tết sớm ảnh 16

Phía ngoài cửa hàng tạp hoá nằm ven quốc lộ 6, cạnh bản Pa Kha, một đôi vợ chồng người Mông cũng đang tranh thủ mua sắm quần áo, bánh kẹo để đón tết. Theo phong tục, ngày mùng 1 đầu năm, người Mông ở Mộc Châu chỉ đi chúc tết, uống rượu và đặc biệt kiêng kị việc tiêu tiền.

 
Cùng đồng bào Mông đón tết sớm ảnh 17

Sáng mùng 1 tết của người Mông ở Mộc Châu, trong khi người lớn ở nhà tiếp khách hoặc đi chúc tết thì thanh niên phóng xe máy đi chơi, trẻ con mặc quần áo mới tập trung ở sân bóng của bản, con trai chơi đánh cù, con gái thì ném pao.

Tết của người Mông ở đây kéo dài cả nửa tháng, vui nhất là từ mùng 3 tết trở ra. Năm nay, người Mông ở bản Lóng Luông cũng sẽ tổ chức lễ hội Nào Xồng - một lễ hội hoành tráng, nhiều năm mới tổ chức một lần.

Thành Long

Theo Viết
MỚI - NÓNG