Các đơn vị thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam có đơn hàng đến hết quý I, ngành than xuất khẩu hơn 25 nghìn tấn sang Nhật Bản. Tổng cục Hải quan công bố có 19 địa phương đạt kim ngạch xuất khẩu vượt ngưỡng 1 tỷ USD trở lên...
Những tín hiệu tốt lành trên cùng với dự báo của Ngân hàng HSBC rằng, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 20% (thay vì 10% như mục tiêu đề ra) là dấu ấn của nền kinh tế trong năm 2014.
Điểm lại thị trường xuất khẩu của Việt Nam trong năm qua, EU vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 24,4 tỷ USD, tăng 20,4% (tương đương 4,1 tỷ USD) so với năm 2012. Hoa Kỳ xếp thứ 2 với kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 23,7 tỷ USD, tăng 20,3% (4 tỷ USD).
Rõ ràng EU và Mỹ vẫn là hai thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam. Tại một hội nghị với các tham tán thương mại mới đây, người đứng đầu ngành Công Thương - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói rằng, vai trò của các tham tán rất quan trọng trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam.
“Nhiều khi thông qua các tham tán, doanh nghiệp Việt Nam ký kết được những đơn hàng vô cùng quý giá”, ông Hoàng nói.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, việc xuất khẩu hàng hóa đạt kim ngạch hơn 132 tỷ USD và thu hút được 11 tỷ USD kiều hối trong năm 2013 là hai điểm sáng quan trọng của nền kinh tế. Nếu không có hai khoản tiền này, GDP Việt Nam khó đạt 5,4% và đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn.
Theo Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, năm 2014 sẽ đánh dấu một loạt các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, đặc biệt là Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Vì thế, doanh nghiệp nào biết chớp thời cơ, tận dụng tối đa các hỗ trợ về thuế quan cũng như kỹ thuật, lúc đó hàng hóa xuất khẩu sẽ dồi dào, thị trường xuất khẩu được rộng mở và xuất khẩu sẽ tiếp tục là cửa sáng của nền kinh tế Việt Nam.