Cửa hàng nhỏ này nằm trên phố Liễu Giai (Hà Nội) chuyên bán nước uống, kem và chocolate tươi. Khách hàng đến đây, chỉ việc bấm chuông, mở cửa và tự ý lựa chọn mặt hàng. Sau đó, khách mang sản phẩm đến bàn thanh toán, tự dùng máy check giá và in hóa đơn. Số tiền sẽ được người mua thả vào một chiếc thùng gỗ trong cửa hàng. Tất cả quy trình mua và bán này đều dựa hoàn toàn vào sự trung thực của khách hàng.
Anh Đào Khánh Hiệp (SN 1981, Hà Nội) chính là chủ nhân của mô hình kinh doanh độc đáo này. Dù không có người bán, giám sát nhưng suốt 3 tháng hoạt động việc mua - bán này diễn ra khá suôn sẻ.
Mỗi buổi sáng, anh Hiệp chỉ việc mang hàng hóa đến, cuối ngày trở lại thu tiền và dọn dẹp cửa hàng. Với giá thuê mặt bằng là 5 triệu/tháng, anh chỉ phải mất thêm khoảng 1,5 triệu chi trả tiền điện nước mà không phải tốn thêm chi phí thuê nhân công, bảo vệ. Chính vì thế, doanh thu của quán cũng tăng lên đáng kể.
Chia sẻ về ý tưởng của mình, anh Hiệp cho biết, năm 2015 anh tình cờ đọc được một bài báo nói về mô hình Mini Shop ở Nhật Bản. Theo đó, những cửa hàng dạng này không có người bán, khách mua tự lựa đồ, trả tiền theo giá niêm yết sẵn. Cách làm này này không chỉ tiết kiệm được nhân lực, hạ giá thành sản phẩm mà còn mang lại cảm giác thoải mái cho người mua.
“Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản, nước ngoài làm được mình cũng sẽ làm được. Tôi muốn khách hàng được trải nghiệm cảm giác tự phục vụ 100% ở ngay tại Việt Nam mà không phải đến Nhật Bản hay bất cứ quốc gia nào khác”, anh Hiệp nói về ý tưởng kinh doanh của mình.
Lấy ý tưởng từ mô hình kinh doanh ở Nhật Bản, cửa hàng không có người bán mà người mua tự lựa đồ, rồi thanh toán dựa trên sự trung thực của mình.
Sau gần 1 năm nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, công nghệ, tháng 6 vừa qua, cửa hàng không người bán của anh Hiệp chính thức đi vào hoạt động. Mặc dù không có nhân viên, nhưng hoạt động của quán sẽ được ghi lại qua camera giám sát. Khách hàng vào mua sẽ được nhận dạng gương mặt và gửi ảnh về hệ thống. Đối với những khách mua lần đầu, có thể yêu cầu được hướng dẫn qua sự tương tác trên máy tính. Cửa ra vào sẽ đóng chặt nếu khách không thanh toán.
Ngoài ra, hệ thống đèn điện, điều hòa hoạt động theo cảm ứng sẽ tự ngắt khi không có người ở bên trong. Vốn xuất thân là dân IT nên tất cả các phần mềm này đều được anh Hiệp tự nghiên cứu, tích hợp để phục vụ cho mô hình kinh doanh của mình.
Khách tự dùng máy soi mã vạch các sản phẩm, sau đó hóa đơn sẽ tự động được in ra.
Theo anh Hiệp, điểm hạn chế của quầy hàng là không thể trả lại tiền thừa cho khách. Để giải quyết và thuận tiện cho người mua, anh Hiệp nghĩ ra cách tích điểm và lập tài khoản cho khách hàng.
Ví dụ, nếu người mua thừa 30.000 đồng, số tiền này sẽ được lưu lại trên máy tính. Lần sau, khi khách đến mua, điền đầy đủ thông tin hệ thống sẽ tự động thông báo khách vẫn dư tiền và hỏi có muốn trừ tiền ở lần trước không. Nếu không, máy tính sẽ tiếp tục lưu lại và cộng thêm 10% cho các lần thanh toán tiếp theo.
Dù có hệ thống giám sát của camera nhưng anh Hiệp cho biết, hệ thống chỉ có thể thông báo việc người mua đã thanh toán hay chưa, còn số tiền cụ thể có chính xác với giá thành sản phẩm hay không đều dựa hoàn toàn vào sự trung thực tuyệt đối của khách hàng. “Sau khi mua hàng, người mua sẽ để hóa đơn, tiền trả vào túi nilon và thả vào thùng thanh toán. Chúng tôi không thể biết khách có trả thiếu hoặc gian dối hay không”, anh Hiệp chia sẻ.
Mô hình kinh doanh này hoàn toàn dựa vào sự trung thực của khách hàng.
Tuy nhiên, theo chủ cửa hàng này, từ khi hoạt động đến nay cửa hàng anh chưa bao giờ bị thu thiếu tiền so với lượng hàng bán ra. “Tôi nhớ có một lần cửa hàng đang chạy chương trình khuyến mại nên giảm giá cho tất cả các sản phẩm. Dù nhiều người đã trả đủ tiền theo quy định nhưng đến cuối ngày họ vẫn băn khoăn đến gặp tôi xem mình liệu có trả thiếu tiền hay không. Một vài chi tiết nhỏ nhưng cũng khiến tôi cảm kích vô cùng, đó thực sự là những bài học về lòng trung thực”, anh Hiệp nói.
Với mô hình kinh doanh này, anh Hiệp cho biết không chỉ tiết kiệm được chi phí nhân lực mà còn mang đến một trải nghiệm mua hàng mới cho khách hàng.
Trước khi là chủ cửa hàng này, anh Hiệp từng có một công việc ổn định cho thu nhập khá. Vì thế, khi biết anh có ý định nghỉ việc, bố anh là người phản đối mạnh mẽ nhất.
“Gia đình không ai tin mô hình này sẽ hoạt động thành công ở Việt Nam. Họ nói với tôi, cửa hàng có người bán còn bị thua lỗ, gian dối nữa là không có ai quản lý. Trong khí đó bạn bè thì cho rằng tôi có ý tưởng điên rồ. Thậm chí nhiều người còn tỏ thái độ cười nhạo và coi thường tôi khi nghe tôi nói về mô hình hoạt động của cửa hàng”, anh Hiệp kể.
Anh Hiệp cũng cho biết, mô hình kinh doanh của anh không chỉ mang tính kinh tế mà anh còn muốn xây dựng văn hóa bán hàng văn minh, lịch sự và cả sự tử tế.
Dù mới đi vào hoạt động nhưng mô hình hoạt động theo phong cách tự phục vụ của anh Hiệp thu hút khá nhiều khách mua hàng, trong đó đa phần là các bạn trẻ. Chị Nguyễn Minh Anh (24 tuổi, Kim Mã, Hà Nội) thích thú cho biết, cảm giác tự lựa đồ, trả tiền mang đến cho chị một trải nghiệm rất thú vị. “Tôi nghĩ đây không chỉ đơn thuần là việc mua - bán một món đồ mà còn là cách giáo dục rất hay về sự trung thực”, chị Minh Anh nói.