Chống ngập úng mùa mưa 2015:

Cống xây xong nằm đó chờ mương!

Đường Lò Đức thi công bụi bẩn, ảnh hưởng cuộc sống người dân. Ảnh: Trần Hoàng
Đường Lò Đức thi công bụi bẩn, ảnh hưởng cuộc sống người dân. Ảnh: Trần Hoàng
TP - Theo các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội, với việc tồn tại hàng loạt điểm “đen” úng ngập thì tình trạng xảy ra úng ngập trong năm 2015 vẫn rất phức tạp.

Phát sinh nhiều điểm ngập úng       

Theo Công ty Thoát nước Hà Nội, nếu mưa với cường độ lớn hơn từ 50mm đến 100mm, dự kiến có 23 điểm ngập, trong đó quận Hoàng Mai úng ngập nặng nhất với 7 điểm ngập sâu tại trước Bến xe phía Nam (đường Giải Phóng), phố Vĩnh Hưng, Hoàng Mai (từ ngõ 169 đến đường vào UBND phường Hoàng Văn Thụ), phố Nguyễn Chính, Thanh Đàm, Mai Động, Định Công.

“Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng.

 Nhiều tuyến cống dù đã thi công xong nhưng vẫn đang phải chờ mương”.

            Đại diện Ban quản lý dự án thoát nước 

cho hay

Trong trường hợp lượng mưa lớn trên 150mm, kéo dài khoảng 4 giờ, toàn thành phố có thể có tới 46 điểm bị ngập. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những điểm có nguy cơ ngập trên địa bàn do Công ty này phụ trách (gồm 12 quận và huyện thuộc phạm vi lưu vực sông Tô Lịch), còn nếu tính cả lưu vực Sông Nhuệ và lưu vực Hà Đông thì con số sẽ còn nhiều. “Năm 2014 địa bàn do Công ty quản lý thống kê có 12 điểm ngập úng thì năm nay dự kiến sẽ có 23 điểm. Số điểm úng ngập dự báo tăng lên là do đơn vị tiếp quản các địa bàn quận, huyện mới như quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, huyện Thanh Trì…, nên số điểm ngập úng tăng lên”, đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội lý giải.

Điều đáng nói theo Công ty Thoát nước Hà Nội, một số điểm “đen” úng ngập lâu nay vẫn chưa thể giải quyết triệt để. Đơn cử như tuyến đường Phạm Văn Đồng kéo dài hàng cây số đi qua nhiều quận, huyện nhưng đến nay vẫn chưa có hệ thống thoát nước.

“Khu vực đường Phạm Văn Đồng đang có khoảng vài điểm ngập úng, hiện có thể đưa ra phương án khắc phục bằng việc đặt các máy bơm khi xảy ra úng ngập chứ không chưa thể giải quyết triệt để được vì không có hệ thống thoát nước chung”, một cán bộ cho biết.

Một điểm “đen” về úng ngập khác là khu vực đường Nguyễn Xiển (đường vành đai 3) cũng có khả năng tái ngập. Khu vực này tuy được bàn giao về cho Cty Thoát nước Hà Nội từ năm 2014 nhưng hệ thống thoát nước đang chia đôi 2 khu vực.

Khu vực đầu đường Nguyễn Xiển - Nguyễn Trãi chưa hoàn thành hệ thống cống thoát nước. Tiếp nối đường Nguyễn Xiển là đường gom vành đai 3 cũng đang rập rình tình trạng ngập úng do chưa triển khai hoàn thiện hệ thống thoát nước tại Yên Sở (hiện còn khoảng 64m chưa được thi công do vướng mặt bằng).

Cống xong vẫn chờ mương!

Thống kê của Sở Xây dựng cho thấy, nếu phạm vi lưu vực sông Tô Lịch được đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước tương đối đồng bộ trong những năm qua thì phạm vi lưu vực Sông Nhuệ và khu vực quận Hà Đông việc tiêu thoát nước vẫn phụ thuộc vào hệ thống kênh mương cũ.

Mặt khác, trong 113 km kênh mương, mới có hơn 40km thoát nước khu vực nội thành được đầu tư cải tạo theo dự án thoát nước giai đoạn I. Còn lại đang bị lấn, thu hẹp dần dòng chảy, cao độ đáy nhiều đoạn không bảo đảm khả năng tự chảy, tiêu thoát. Trong khi, các tuyến kênh mương thuộc dự án thoát nước giai đoạn thi công dở dang, nhiều hạng mục chưa phát huy hiệu quả trong mùa mưa 2015, thậm chí có thể gây cản trở cho việc tiêu thoát.

“Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng. Nhiều tuyến cống dù đã thi công xong nhưng vẫn đang phải chờ mương”, đại diện Ban quản lý dự án thoát nước cho hay.

Hiện nay dự án đã hoàn thành thi công cống thoát nước với 44/46 tuyến phố. Tuy nhiên, các gói thầu cải tạo kênh, mương thì đang còn dở dang như: hồ Đầm Chuối (85% khối lượng); các hồ như Phương Liệt, Tân Mai, Khương Trung 1… đều chỉ đang đạt 50% khối lượng.

“Dự án thoát nước giai đoạn II dù khối lượng thi công đã hoàn thành trên 90% nhưng nhiều hạng mục vẫn chưa thể phát huy tác dụng hoặc chưa thể đưa vào sử dụng do một số hạng mục vẫn chưa xong” - vị này nói.

Thực tế, có khá nhiều tuyến cống đã hoàn thiện, nhưng hệ thống kênh, mương, hồ chưa hoàn thiện nên chưa thể thực hiện đấu nối thoát nước cho toàn khu vực. Đơn cử, gói thầu xây dựng tuyến cống phố Lò Đúc qua đường Trần Khát Chân để đấu nối với sông Kim Ngưu theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội đưa vào vận hành trước ngày 30/4 xem ra bất khả thi bởi mấy ngày qua hầu như không có công nhân thi công trên tuyến phố này.

Trong khi con đường đang bị đào xới, chắp vá, bụi bặm khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn. Không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân khu vực, tuyến cống Lò Đúc ra sông Kim Ngưu nếu không hoàn thành sớm, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc thoát nước cho 2 quận trung tâm Hai Bà Trưng và Hoàn Kiếm.

MỚI - NÓNG