Công nhận phẫu thuật chuyển giới ở Việt Nam: Nên hay không?

Jessica Nguyễn Hữu Toàn chia sẻ về câu chuyện cuộc đời.
Jessica Nguyễn Hữu Toàn chia sẻ về câu chuyện cuộc đời.
Pháp luật Việt Nam không cho phép thực hiện chuyển đổi giới tính, nhưng thực tế, có hàng nghìn người đã từng ra nước ngoài thực hiện chuyển đổi giới tính và hiện vẫn đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam.

Trong khi trình độ kỹ thuật trong nước đủ yêu cầu đáp ứng phẫu thuật chuyển giới, vậy tại sao ta không công nhận nó, vừa tạo điều kiện cho người đồng tính có cơ hội tìm lại chính mình, vừa ngăn được tình trạng nguồn ngoại tệ chảy ra nước ngoài khi hằng ngày, vẫn có rất nhiều người chịu chi một khoản tiền lớn để thực hiện phẫu thuật. Quan tâm mật thiết tới vấn đề này, Bộ Y tế cũng đang hoàn thiện bản góp ý cho dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi, trong đó có đề cập nội dung thực hiện chuyển đổi giới tính.

1. 
Cách đây vài năm, dư luận trong nước xôn xao với câu chuyện thầy giáo Phạm Văn Hiệp, quê Bình Phước đã ra nước ngoài phẫu thuật chuyển giới để trở thành nữ giáo viên Phạm Lê Quỳnh Trâm xinh đẹp.

Nhưng rắc rối nào đã hết, quyết định trên bị nhiều luồng quan điểm cho rằng trái pháp luật nên sau 4 năm được công nhận là giới tính nữ và tên mới là Phạm Lê Quỳnh Trâm, tờ quyết định trên đã bị thu hồi, hủy bỏ do còn có những vướng mắc về mặt pháp lý.

Hay như câu chuyện của Jessica- Nguyễn Hữu Toàn, trong Hội thảo Góp ý các nội dung liên quan đến y tế trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) ngày 14/4/2015 vừa rồi cũng khiến nhiều người phải suy ngẫm. Chị tâm sự rằng, mình đã từng phẫu thuật chuyển giới từ nam sang nữ ở Thái Lan cách đây 5 năm. Nỗi đau của chị cũng là nỗi đau của hàng nghìn người chuyển giới khác, khi đang sống một cuộc đời "hồn Trương Ba, da hàng thịt". Chị đã chịu rất nhiều đau đớn về thể xác để thực hiện ca phẫu thuật chuyển giới đắt đỏ này.

Giờ đây, Jessica dù cảm thấy rất tự tin, thoải mái vì được sống thật với giới tính của mình nhưng việc tìm lại chính mình khiến chị gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại trong cuộc sống, như khi đi máy bay, khi giao dịch ngân hàng, khám nghĩa vụ quân sự… Vì giấy tờ giới tính là nam, bề ngoài là nữ, nên đi đâu chị cũng phải giải thích rất nhiều mới được công nhận. Chị nghẹn ngào: "Tôi xin được những người trong xã hội chấp nhận, có một Luật, một lối mở cho những người như chúng tôi".

Trường hợp của cô giáo Quỳnh Trâm hay chị Jessica chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp chuyển đổi giới tính ở Việt Nam nhưng không được công nhận. Theo nghiên cứu của viện sức khỏe Môi trường y tế (Bộ Y tế), trên cả nước hiện có gần 500.000 người có giới tính không trùng với giới tính hiện có, tức là giới tính nam nhưng trong suy nghĩ của họ là nữ và ngược lại.

Dù công nhận hay không công nhận chuyển giới thì hiện đã có khoảng từ 500 - 1.000 người đã ra nước ngoài chuyển đổi giới tính và đang sinh sống tại Việt Nam. Không ai mong muốn mình sinh ra với tâm hồn của một người phụ nữ nhưng lại trong hình hài của đàn ông, nhưng số phận trớ trêu khiến họ rơi vào những tình cảnh éo le như vậy.

Việc chấp nhận phẫu thuật chuyển đổi giới tính để được sống đúng với giới tính thật của mình là những người đồng giới chấp nhận đau đớn, chấp nhận tự tước đi 20 năm được sống. Trong khi đó, chi phí phẫu thuật chuyển giới ở các bệnh viện uy tín trên thế giới lại rất cao.

Để phẫu thuật chuyển giới từ nữ sang nam tốn khoảng 30.000 USD, từ nam sang nữ khoảng 35.000 USD, chưa kể các dịch vụ khác như liệu pháp hoóc-môn, thay đổi giọng nói, phẫu thuật thẩm mỹ... Nhiều người có tiền thì đến những cơ sở uy tín, nhưng cũng không ít người ít tiền phải thực hiện phẫu thuật ở những cơ sở chui, không được cấp phép nên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, thậm chí đe dọa cả tính mạng.

Chưa kể những khó khăn sau hậu phẫu mới là điều họ trăn trở. Nhiều người chưa kịp hồi phục đã phải về Việt Nam vì không có tiền nằm lâu ở nước ngoài. Nếu có biến chứng, họ lại phải ra nước ngoài kiểm tra, điều trị. Ai không có tiền thì sẽ phải gánh hậu quả nghiêm trọng. Bên cạnh đó, do các cơ sở y tế ở Việt Nam không cung cấp dịch vụ tư vấn về việc chuyển giới, nên đa số người chuyển giới tự sử dụng hoóc môn, tiêm silicon dẫn đến những biến chứng khôn lường, thậm chí mất mạng do sốc thuốc.

Do pháp luật chưa công nhận phẫu thuật chuyển giới nên sau khi chuyển đổi giới tính, họ không được thừa nhận. Các giấy tờ tùy thân từ chứng minh thư, hộ chiếu, ngân hàng… không khớp với tình trạng cơ thể hiện có gây nhiều khó khăn trong quan hệ giao dịch dân sự cũng như trong cuộc sống hằng ngày của những người đã thực hiện chuyển đổi giới tính. Họ gặp nhiều định kiến, kì thị. Khó tìm được công ăn việc làm ổn định, những người chuyển giới càng dễ mắc vào các tệ nạn xã hội và phạm tội.

Công nhận phẫu thuật chuyển giới ở Việt Nam: Nên hay không? ảnh 1 Cô giáo Quỳnh Trâm, người chuyển giới từng được cấp chứng nhận xác định lại giới tính.

2. Bộ Y tế đang hoàn thiện bản góp ý cho dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi, trong đó có đề cập nội dung thực hiện chuyển đổi giới tính, gồm 2 phương án. Thứ nhất không cho phép, không thừa nhận chuyển đối giới tính tại Việt Nam như lâu nay vẫn đang thực hiện. Thứ hai là trong một số trường hợp đặc biệt thì có thể thực hiện việc chuyển đổi giới tính, được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật. Phương án 1 có thể ngầm hiểu rằng không cấm nhưng cũng không thừa nhận việc chuyển giới. Mặc dù vậy, nếu không thừa nhận việc chuyển giới thì các vấn đề mà người chuyển giới ở Việt Nam đang gặp phải sẽ không được giải quyết.

Phương án 2 cởi mở hơn nhưng vẫn khiến nhiều người băn khoăn. Trường hợp như thế nào mới được coi là "trường hợp đặc biệt" thì lại không được làm rõ và đối tượng như thế nào mới được gọi là đặc biệt để được phép chuyển đổi giới tính? Nhiều người cho rằng, nên chuyển thành "Xác định giới tính" thay vì "chuyển đổi giới tính". Vì bản chất, những người có nhu cầu phẫu thuật đang tìm về với giới tính thật của họ chứ không phải thay đổi giới tính.

Tại Hội thảo góp ý các nội dung liên quan đến y tế trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) ngày 14/4/2015, PGS.TS Trần Ngọc Bích, Phó Chủ tịch Hội Phẫu thuật Nhi Việt Nam cho biết, về mặt y học và kỹ thuật hiện nay, nước ta hoàn toàn có thể thực hiện tốt việc chuyển giới, tuy nhiên về mặt pháp luật thì chưa cho phép.

Công nhận phẫu thuật chuyển giới ở Việt Nam: Nên hay không? ảnh 2

Một câu lạc bộ người mẫu chuyển giới.

"Đã có rất nhiều người đến hỏi tôi để phẫu thuật, nhưng tôi từ chối không dám mổ, vì nếu thực hiện là sai quy định của pháp luật. Kể cả có nhiều tiền đến mấy cũng không ai dám làm, vì làm là bị phạm luật ngay", ông Bích chia sẻ. Theo ông Bích, đã đến lúc cần phải quy định vấn đề này trong luật và cần nhìn nhận lại tại sao nước ngoài họ làm và nếu chúng ta làm thì làm đến đâu cho đúng mực.

Hiện nay trên thế giới đã có khoảng  20 quốc gia thừa nhận chuyển đổi giới tính. Riêng khu vực châu Á có 5 nước gồm: Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Nepal và Thái Lan. Thực tế, Việt Nam đã đủ điều kiện thực hiện phẫu thuật chuyển giới và hiện có rất nhiều người đang khát khao được tìm lại giới tính thật của chính mình, vậy tại sao chúng ta không tạo điều kiện cho họ hoàn thành ước mơ của mình. Họ cũng là một con người, cũng có quyền được mưu cầu hạnh phúc, quyền được sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật.

Nếu không công nhận phẫu thuật chuyển giới, họ vẫn âm thầm ra nước ngoài phẫu thuật, càng tạo điều kiện cho các cơ sở chui hành nghề, lúc đó hiểm họa sẽ càng khôn lường. Và vô tình, chúng ta đẩy họ thành con người vô hình, khi họ không được công nhận về mặt luật pháp, không có hộ tịch, không giấy chứng minh nhân dân…

Nhiều người cho rằng nếu cho phép chuyển giới thì họ sẽ tổn thọ. Nhưng thực chất nguyên nhân chính không phải do phẫu thuật, mà do việc chăm sóc sức khỏe tiền phẫu và hậu phẫu không tốt, tỉ lệ tự tử cao, hoặc việc sử dụng hoóc môn không đúng quy định. Tất nhiên, việc cho phép phẫu thuật chuyển giới ở Việt Nam vẫn cần có những quy định rõ ràng, chặt chẽ, để tránh tình trạng giới trẻ đua nhau chuyển giới theo tâm lý đám đông.

Theo Theo Cảnh Sát Toàn Cầu
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.