Muốn “lót tay” công an để làm lại chứng minh thư?
Nguyễn Thiện Trí Phong (Aki Trần - SN 1991, TP.HCM) vốn sinh ra là một cô gái bụ bẫm, rất xinh đẹp, với cái tên mỹ miều: Nguyễn Thị Trúc Phương. Thế nhưng, khi bước vào tuổi trưởng thành, Phong bắt đầu nhận ra, cơ thể mình có gì đó… sai sai, không giống các bạn gái khác cùng trang lứa: Thân hình vạm vỡ, cá tính mạnh mẽ, thích mặc đồ con trai, thích hoạt động độc lập…
Cuối cùng, sau những tháng ngày vùng vẫy tìm hiểu, Phong cũng khám phá ra cơ thể thật sự của mình phải là nam giới. Và rồi, gạt bỏ 18 năm sống trong hình hài của một người con gái, Phong quyết tâm “chuyển giới” để được sống là chính mình.
Phong có người yêu chưa?
Phong có người yêu ba năm rồi. Người yêu Phong cũng là người chuyển giới từ nữ sang nam như Phong.
Hai bạn có ý định tiến xa hơn? Như kết hôn chẳng hạn?
Hiện nay, luật pháp Việt Nam vẫn chưa chấp nhận hôn nhân đồng giới. Hơn nữa, Phong rất hạnh phúc với cuộc sống, tình yêu hiện tại. Phong chỉ cần, hai đứa luôn yêu thương nhau là đủ, kết hôn dù sao cũng chỉ là thủ tục, hình thức.
Vậy, Phong quan niệm như thế nào về việc phẫu thuật chuyển giới?
Nhiều người cho rằng, chuyển giới là phải phẫu thuật. Nếu vậy, chắc mình không được coi là người chuyển giới vì mình không phẫu thuật, không đụng chạm dao kéo. Trong suốt ba năm qua, mình đang sử dụng thuốc và tiêm hormone để kìm chế sự phát triển các nội tiết tố nữ và giúp cơ thể dần thích ứng với các hormone nam giới. Bên cạnh đó, mình chăm tập thể thao để cơ thể mạnh mẽ hơn. Hiện tại, cơ thể mình khỏe hơn lúc trước rất nhiều.
Tại sao Phong lựa chọn hình thức tiêm hormone mà không phải là phẫu thuật?
Đây là quan điểm riêng của từng người. Mình nghĩ rằng, giới tính thật sự không phụ thuộc vào hình thức bên ngoài, quan trọng là tự mình phải suy nghĩ, ý thức được giới tính thật sự của bản thân. Hơn nữa, mình cũng không muốn hướng đến hình ảnh quá nam tính. Mình mong rằng, từ bản thân mình sẽ tuyên truyền rộng hơn khái niệm về chuẩn nam giới, nữ giới để những người trong giới mình không cảm thấy tự ti, mặc cảm về hình hài bên ngoài.
Hiện nay, khi đã được là chính mình, cuộc sống của Phong có những khó khăn gì?
Không chỉ riêng Phong, cả cộng đồng người chuyển giới Việt Nam hiện nay đang rất bế tắc trên con đường đấu tranh để được pháp luật thừa nhận. Những năm trước đây, có những lúc vì quá mệt mỏi, Phong đã tìm đến con đường tự tử. Sau đó, Phong còn có suy nghĩ sẽ đút tiền cho công an để họ đồng ý làm lại chứng minh thư và xác định lại giới tính cho mình. Hiện nay, Phong thậm chí không có bất kỳ giấy tờ nào hợp pháp trong hình hài một người con trai.
Phong cũng chia sẻ rằng, chứng minh thư của Phong vẫn là hình ảnh cô bé Trúc Phương với mái tóc dài đen nháy, khác xa với hình ảnh nam tính hiện tại. Bởi vậy, mới xảy ra nhiều chuyện bi hài. Lần đó, Phong bị cảnh sát giao thông xử phạt. Họ cứ chăm chăm nhìn Phong từ đầu đến cuối rồi đưa ra hàng loạt những thắc mắc: Rốt cuộc là nam hay nữ? Nếu là nam, tại sao giới tính ghi trong chứng minh thư lại là nữ? Tại sao hình dáng lại quá kỳ cục so với tên thật? Hay là chứng minh thư giả?... Cuối cùng, Phong phải nói dối rằng, vì hồi nhỏ, cha mẹ đặt tên khai sinh… nhầm. Bởi vậy, cho đến bây giờ, Phong rất ít khi dùng đến chứng minh thư, thậm chí đi đâu xa Phong cũng không dám đi một mình.
Bên cạnh đó, với công việc hiện tại là giáo viên tiếng Anh tại một cơ sở tư nhân, Phong cũng không ít lần mệt mỏi vì những vấn đề liên quan đến giấy tờ tùy thân. Bản thân là một người rất có năng lực nên trong các giấy tờ ở trường, Phong được ưu ái lấy tên con trai, nhưng giới tính là phải giữ nguyên. “Phong sợ nhất là mỗi lần có đoàn thanh tra. Khi đó, Phong lại phải mang toàn bộ các giấy tờ cá nhân ra, giải thích rất kỹ càng để chứng minh Trí Phong và Trúc Phương, thực chất là một”, Phong nói.
Trước đây, đi khám sức khỏe định kỳ với Phong là một nỗi kinh hoàng. Phong thường không dám đi một mình mà phải rủ một bạn nữ khác đi cùng. Hiện nay, Phong chủ yếu đi khám định kỳ ba tháng/lần tại các bệnh viện quốc tế, tuy chi phí có tốn kém hơn nhưng đỡ rắc rối hơn bệnh viện công rất nhiều.
Luật đang “giết” dần người chuyển giới?!
Nhiều người cho rằng, nếu công nhận người chuyển giới thì xã hội sẽ loạn?
Chính việc không thừa nhận người chuyển giới mới khiến xã hội phát triển lệch lạc, không công bằng. Nếu luật pháp Việt Nam cứ trì hoãn việc công nhận người chuyển giới sẽ dẫn đến rất nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Theo Phong, những hậu quả đó là gì?
Trước mắt, sẽ gây thiệt thòi cho người chuyển giới bởi họ không có công ăn việc làm ổn định, bắt buộc họ phải làm những việc có thể hợp pháp hoặc không hợp pháp để mưu sinh, để tồn tại. Tiếp đó, ở Việt Nam không có bất kỳ cơ sở y tế nào hỗ trợ người chuyển giới, không có bất kỳ bác sỹ chuyên môn thực sự nào tư vấn tâm lý, sức khỏe cho người chuyển giới. 80% người chuyển giới Việt Nam hiện nay tự ý mua thuốc tự tiêm, không có sự theo dõi, kê đơn hay khám định kỳ của bác sỹ. Từ đó, việc sử dụng hormone cũng rất bừa bãi (từ nguồn gốc, chất lượng thuốc đến cách tiêm hay liều lượng tiêm cần thiết) và sẽ dẫn đến những ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Bởi vậy, việc không được công nhận, không khác nào đang ngầm giết chết đi mạng sống của một con người. Chính sự kỳ thị của xã hội sẽ biến mọi thứ trở thành bi kịch.
Vậy, liệu công nhận người chuyển giới có bớt đi các vấn nạn liên quan đến người chuyển giới hiện nay?
Nếu chúng ta thừa nhận người chuyển giới, chắc chắn sẽ có những bác sỹ chuyên môn giỏi để tư vấn tâm lý cho những người đang mơ hồ về giới tính của mình, xác định rõ họ là người chuyển giới hay chỉ do tác động của bên ngoài. Việc sử dụng thuốc hay phẫu thuật cũng sẽ được công khai, việc tiêm hormone cũng sẽ có những dịch vụ với trình độ chuyên môn cao... Và rất nhiều lợi ích khác, như vậy chắc chắn mọi chuyện sẽ đơn giản hơn rất nhiều.
Nếu như Phong nói, tức là chúng ta sẽ phải thiết lập thêm bộ máy y tế mới. Phong có nghĩ, điều đó quá xa vời?
Bản thân mình cũng hiểu, để người chuyển giới được thừa nhận, chắc chắn sẽ rất phức tạp, mất nhiều thời gian và tốn kém tiền của. Tuy nhiên, mình nghĩ có vấn đề này chắc chắn có thể thực hiện được ngay, đó là việc định hình rõ ràng tâm lý của những người chuyển giới, tức là giúp họ xác minh và ý thức được giới tính thực sự của mình là gì.
Với kinh nghiệm của người từng trải, liệu pháp tâm lý ấy có thực sự hiệu quả?
Thực tế, các nhà làm luật đang bị cuốn vào vấn đề, chuyển giới là bắt buộc phải phẫu thuật. Nhưng, đối với người chuyển giới, chỉ cần bản thân họ nhận thức được giới tính của mình là đủ. Hơn nữa, việc xác định rõ tâm lý mình là ai, nam hay nữ chính là bước đầu tiên cho quá tình chuyển giới của một cá nhân. Sử dụng biện pháp tâm lý này, tưởng là mơ hồ, đơn giản nhưng thực chất lại rất chắc chắn. Phương pháp này yêu cầu bạn phải có ít nhất hai năm sống dưới vai trò, giới tính mà mình mong muốn. Đây cũng là giải pháp để ngăn chặn trào lưu phẫu thuật chuyển đổi giới tính của thế hệ trẻ mà mọi người đang lo ngại. Việc làm này không quá tốn kém so với việc phẫu thuật nhưng lại rất thiết thực và hiệu quả, phù hợp với tình hình nước ta hiện nay.
Trong khi luật Dân sự vẫn còn đang lấy ý kiến đóng góp để sửa đổi, Phong có mong muốn gì cho bản thân và cho cộng đồng người chuyển giới?
Hiện tại, mình đang cố gắng học tập để lấy học bổng đi du học nước ngoài. Mình hy vọng, sự thành công của bản thân sẽ là động lực cho các bạn chuyển giới khác, đồng thời là sự khẳng định vị trí của người chuyển giới trong xã hội. Sau đó, mình cũng muốn thay đổi các giấy tờ cá nhân để giúp mọi việc đơn giản, dễ dàng hơn. Mình cũng mong rằng, mọi người hãy nhìn nhận cộng đồng người chuyển giới một cách nhân văn nhất vì đơn giản chúng tôi chỉ muốn sống là chính mình.
Ông Lương Thế Huy - Cán bộ pháp lý của ISEE.
Thừa nhận người chuyển giới là việc làm nhân văn sâu sắc
Nhiều chuyên gia y tế, xã hội đã khẳng định như vậy trước những băn khoăn về việc có nên thừa nhận người chuyển giới ở Việt Nam hay không.
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Lương Thế Huy (cán bộ pháp lý của viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường- ISEE) cho biết: “Đối với những người chuyển giới, có hai vấn đề quan trọng nhất, đó là quyền thay đổi thông tin tùy thân của người chuyển giới (thay đổi tên cho phù hợp với giới tính mong muốn; thừa nhận giới tính mới trong các giấy tờ sau khi phẫu thuật) và chấp thuận cho phép thực hiện chuyển giới trong y tế Việt Nam”.
Hiện nay, các trở ngại trong cuộc sống của người chuyển giới như một vòng xoáy: Không được gia đình chấp nhận thể hiện giới từ nhỏ, bạn bè thầy cô xa lánh, nghỉ học sớm, dẫn đến khó có được một nghề nghiệp và thu nhập ổn định, trong khi các nhu cầu, nguy cơ về sức khỏe là rất cao. Tất cả dẫn đến một hình ảnh tiêu cực hay gắn với người chuyển giới: Nghèo, học thức thấp, thể hiện “lố lăng”, làm những công việc bị xã hội coi thường. Bên cạnh các yếu tố như sự định kiến, thiếu thông tin thì việc pháp luật không thừa nhận những quyền của người chuyển giới góp phần nhấn mạnh thêm các rào cản mà người chuyển giới phải đối mặt: Không có giấy tờ nhân thân, hoặc giấy tờ nhân thân không phù hợp thực tế, không thể thực hiện các giao dịch thông thường như mua bán, đăng ký, đi lại máy bay, hồ sơ việc làm…
Ông Huy cho rằng, trong khi chúng ta đang nỗ lực xóa bỏ những quan niệm thô cứng về lối sống cổ hủ tiêu cực thì việc thừa nhận người chuyển giới là việc làm cần thiết và đúng đắn. Hơn thế, việc làm này không hề gây tổn thất hay hậu quả tiêu cực nào cho đất nước. Trái lại, nó có vai trò và ý nghĩa thực tiễn lẫn nhân văn sâu sắc . Trước hết, nó làm nên một diện mạo mới cho xã hội Việt Nam, khẳng định sự nhân văn, nhân đạo trong việc thực hiện nhân quyền. Thứ hai, khi cho phép thực hiện chuyển giới trong nước, khẳng định sự phát triển mạnh mẽ, bước tiến mới của nền y học nước nhà.
Ông Huy cũng chia sẻ, nhiều người sau khi phẫu thuật ở nước ngoài, tốn kém và nguy hiểm, nhưng trở về Việt Nam thì không thể thay đổi giấy tờ, bỗng chốc trở thành "người vô hình" khi giấy tờ không khớp với tình trạng cơ thể. Đây là một nghịch lý lớn mà luật Dân sự đang được sửa đổi cần giải quyết ngay. Về mặt quản lý Nhà nước, chắc chắn cũng không ai muốn để xảy ra tình trạng này vì sẽ rất khó để quản lý dân số. Việc không cho phép phẫu thuật, trong khi trình độ y tế Việt Nam hoàn toàn có thể làm được, thậm chí còn rẻ hơn ở nước ngoài từ 8 - 10 lần, với quan điểm gây "rối loạn xã hội" là một lập luận sai lệch. Trái lại, việc tồn tại một bộ phận những người mà hình hài và giấy tờ tùy thân không "khớp" nhau mới gây nhiều rối loạn.
Căn cứ trên quyền bình đẳng, quyền được thừa nhận trước pháp luật, quyền tự do thể hiện cũng như quyền riêng tư, thì việc cho phép một người thay đổi giới tính cho phù hợp với nguyện vọng của họ cũng là một quyền chính đáng và cần được thừa nhận. Bản thân mỗi người sẽ biết điều gì là tốt nhất cho mình, không thể ép buộc một người phải sống theo cách mà họ không muốn, nếu việc đó không ảnh hưởng gì tới quyền, lợi ích của người khác.
“Tôi tin văn hóa Việt Nam luôn vận động và quan trọng nhất, là theo chiều hướng giúp con người tự do và hạnh phúc hơn từng ngày. Trong mục tiêu đó, pháp luật đương nhiên cần phải đi trước xã hội, không hẳn là định hướng, mà còn như một sứ mệnh phụng sự cho người dân”, ông Huy nói.
“Tôi thấy thương tâm, ám ảnh với người chuyển giới”
TS. Khuất Thu Hồng - Viện trưởng viện Nghiên cứu xã hội.
TS. Khuất Thu Hồng - Viện trưởng viện Nghiên cứu xã hội cho biết, những người chuyển giới ở Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, bị kỳ thị và cô lập. Trong suốt hơn 30 năm nghiên cứu về những người thuộc “thế giới thứ ba”, TS. Thu Hồng đã gặp rất nhiều những trường hợp thương tâm, ám ảnh.Trong đó, có trường hợp của một người con trai chuyển giới thành gái tại Đồng Nai. Sau khi sở hữu thân hình của một người phụ nữ, cô gái bắt đầu ăn diện cho thỏa nỗi niềm ước ao bấy lâu này. Tuy nhiên, cuộc sống của cô vô cùng khó khăn vì công việc cũng như việc chăm sóc cơ thể sau chuyển giới. Bởi vậy, cô phải đi bán thân để kiếm tiền. Thế nhưng, có những khách biết được cô là gái mại dâm chuyển giới họ đánh không thương tiếc, coi cô như rác rưởi. Đây chỉ là một trong số rất nhiều những nỗi tủi hổ của người chuyển giới khi họ không được thừa nhận.
“Bởi vậy, thay vì từ chối, hắt hủi người chuyển giới, đã đến lúc xã hội cũng như nền y học nước nhà nên giúp đỡ họ, để họ được trở thành công dân bình thường như bao người khác”, bà Hồng nhấn mạnh.
Nước ngoài quản lý người chuyển giới ra sao?
Ông Lương Thế Huy cũng cho biết, phần lớn các nước châu Âu, châu Mỹ và nhiều nước châu Á đều thừa nhận quyền thay đổi nhân thân sau khi phẫu thuật với những điều kiện khác nhau như: Có nơi yêu cầu về độ tuổi, tình trạng hôn nhân, có nơi yêu cầu phải triệt sản, hoặc chỉ cần phẫu thuật một phần, thậm chí không cần phẫu thuật vẫn có thể xin đổi danh xưng hoặc giới tính trên giấy tờ nhân thân hay giấy khai sinh. Tất nhiên, việc phẫu thuật chuyển đổi giới tính ở những nơi này đều là hợp pháp.
Thụy Điển là nước đầu tiên trên thế giới cho phép thay đổi giới tính trên các giấy tờ nhân thân sau khi phẫu thuật chuyển giới (1972), và không cần triệt sản (2013), với điều kiện là công dân Thụy Điển từ 18 tuổi trở lên, độc thân hoặc đã ly hôn, và có chứng nhận đã sống như giới tính mà họ tự nhận từ 2 năm trở lên.
Ba Lan: Cho phép đổi tên, giới tính trên giấy tờ từ năm 1964, việc đổi giới tính được thực hiện bằng phán quyết của tòa.
Đức: Cho phép đổi giới tính trên giấy tờ từ năm 2010, cho phép đổi đại từ danh xưng đi kèm với tên (ông/bà, anh/chị).
Ireland: Trước 2004 được phép đổi giới tính trên giấy tờ, nhưng không được thay đổi giấy khai sinh. Sau 2004 cho phép thay đổi giấy khai sinh vì quyền riêng tư.
Philippines: Cho phép đổi tên, giới tính trên giấy tờ từ năm 2008.
Hàn Quốc: Cho phép đổi tên từ những năm 1990, cho phép thay đổi giới tính trên giấy tờ từ năm 2006.
Hát đám ma để kiếm sống
Hoàng Kim Cát Thy, 23 tuổi, tên thật là Nguyễn Chí Hùng (người chuyển giới từ nam sang nữ) cho biết: Vì mong muốn trở thành phụ nữ, Cát Thy đã phải mua trả góp, mua chui “hooc môn” để da dẻ mịn hơn và teo bớt phần cơ bắp của người đàn ông. Sau đó, cô phải đi bán vé số để trả nợ. Tuy nhiên, khi đã trở thành phụ nữ, cô gần như trở thành người vô hình trong xã hội. Mọi giấy tờ tùy thân đều không khớp với hình dạng bên ngoài nên cô gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống: Không được học hành đầy đủ, không có công việc ổn định, muốn mua một chiếc xe máy để đi làm cũng không thể,…
Thy chia sẻ: “Hiện tại, Thy phải làm đủ mọi công việc để mưu sinh, từ việc diễn xiếc đến việc hát hò, nhảy múa tại các đám cưới, tiệc sinh nhật, thậm chí là hát cả đám ma. Dù rất muốn có công việc ổn định hơn nhưng Thy đi đâu cũng bị ghẻ lạnh, xua đuổi. Giờ Thy chỉ hy vọng, những người chuyển giới như Thy sẽ được xã hội công nhận để Thy có thể thay đổi giấy tờ và có cuộc sống tốt đẹp hơn”.