Công nghệ cao thúc đẩy nông nghiệp sạch

Mô hình sản xuất cây giống của anh Nguyễn Văn Đề.
Mô hình sản xuất cây giống của anh Nguyễn Văn Đề.
TP - Khi diện tích đất canh tác nông nghiệp ngày càng thu hẹp để nhường chỗ cho phát triển công nghiệp, đô thị, chủ trương chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp được tỉnh Vĩnh Phúc coi là một trong những yêu cầu cấp thiết. Tỉnh đã đề ra nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích nông dân thay đổi mô hình sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật hướng tới một nền nông nghiệp công nghệ hiện đại, phát triển bền vững.

Nhiều mô hình mang hiệu quả kinh tế cao

Anh Tạ Hồng Đức, xã Yên Đồng (huyện Yên Lạc) là một trong những hộ tham gia mô hình trồng hoa và rau sạch trong khu nhà kính được thiết kế bằng khung giàn thép, với diện tích hơn 500 m2. Nhà kính sử dụng công nghệ hiện đại với đầy đủ hệ thống điều hòa, dẫn nước tưới và ánh sáng. Mọi thao tác được thực hiện qua hệ thống máy tính, tính toán thời điểm tưới tiêu hợp lý. Anh Đức cho biết, nhờ nhà kính công nghệ cao, cây trồng sinh trưởng rất tốt, hạn chế được sâu bệnh, quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, giảm chi phí sản xuất, từ đó, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Năm 2017, Sở KH&CN sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, giúp người nông dân sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hướng tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa và bền vững.

Từ khi nhà kính được đưa sử dụng, với diện tích 500 m2 gia đình anh đã thu về lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng. Thời gian tới, gia đình sẽ đầu tư xây dựng thêm nhà kính công nghệ cao, mở rộng quy mô trồng rau quả. Gia đình anh Đức là một trong những hộ nhận sự hỗ trợ của dự án “Hỗ trợ xây dựng mô hình trồng rau, hoa trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao” của Sở KH&CN Vĩnh Phúc.

Mô hình sản xuất giống cà chua ghép của anh Nguyễn Văn Đề (xã Chấn Hưng, huyện Vĩnh Tường) được xây dựng trên diện tích 500m2, thiết kế bằng khung giàn thép, bên trong có hệ thống điều hòa không khí, giá đỡ và hệ thống chiếu sáng được lắp đặt trên các thanh xà gồ bằng bóng đèn neon, rất hiện đại. Anh Đề cho biết, gia đình làm nghề sản xuất cây giống từ năm 1985, nhưng để sản xuất được giống cà chua ghép, phải đi thuê đất trong Tam Đảo cho phù hợp khí hậu, rất tốn kém. Đầu năm 2014, được dự án hỗ trợ mô hình trồng rau, hoa trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao hỗ trợ 200 triệu đồng, gia đình đã quyết định xây dựng hệ thống nhà kính tại địa phương với tổng mức đầu tư 600 triệu đồng. Sau hai năm triển khai, mô hình đã đem lại những thành công bước đầu. Không chỉ đưa doanh thu tăng cao trên 20%, gia đình anh Đề còn tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 40 lao động ở địa phương với mức thu nhập bình quân từ 3 đến 6 triệu đồng/người/tháng.

Nông nghiệp bền vững trên nền tảng khoa học

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, Vĩnh Phúc có lợi thế rất lớn để phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cung cấp cho thị trường rộng lớn này. Tuy nhiên, giá trị sản xuất nông nghiệp của Vĩnh Phúc hiện chiếm tỷ trọng thấp, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chất lượng thấp. Chính sách, cơ chế khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp chưa đồng bộ. Việc sản xuất chủ yếu theo hình thức hộ gia đình, chưa có nhiều mô hình sản xuất quy mô theo hướng phát triển bền vững cũng là trở ngại không nhỏ. Diện tích đất dành cho sản xuất nông nghiệp tập trung ngày càng hạn hẹp. Ngoài ra, mối liên kết giữa sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và công nghiệp chế biến chưa được chú ý đúng mức…

Những hạn chế nêu trên đặt ra cho tỉnh Vĩnh Phúc cần phải có định hướng chiến lược về tái cơ cấu, phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững dựa trên nền tảng khoa học công nghệ cao. Từ năm 2014, Sở  KH&CN Vĩnh Phúc đã xây dựng đề án và triển khai thí điểm một số mô hình tại huyện Vĩnh Tường, Tam Đảo và thành phố Vĩnh Yên. Thực tế cho thấy, số mô hình thí điểm áp dụng khoa học công nghệ cao đã phát huy giá trị, mang lại hiệu quả rõ rệt khi so sánh với phương pháp sản xuất truyền thống.

Đại diện Sở KH&CN tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trong thời gian tới, Sở KH&CN sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng hơn tới người nông dân về vai trò của công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để từng bước thay đổi nhận thức của họ về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời trong năm 2017, Sở KH&CN sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, giúp người nông dân sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hướng tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa và bền vững.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.