Nghiên cứu được công bố tại Tọa đàm tác động của ô nhiễm không khí đến kinh tế và các chính sách giảm thiểu diễn ra sáng nay (14/1).
Theo PGS.TS Đinh Đức Trường, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, kết quả nghiên cứu này trên cơ sở kết nối giữa mức ô nhiễm với mức độ phơi nhiễm với rủi ro bệnh tật hoặc tử vong. Thiệt hại do ô nhiễm không khí được tính trên cơ sở đo lường tổng thu nhập bị mất do chết trước tuổi kỳ vọng vì ô nhiễm không khí và đo lường mức độ chi trả của xã hội cho giảm rủi ro tử vong từ ô nhiễm không khí.
Tỷ lệ tử vong ở Việt Nam năm 2018 do ô nhiễm môi trường là 71.000 người, trong đó 50.000 chết do ô nhiễm không khí, theo một nghiên cứu do quỹ Mirinda and Bill Gate tài trợ.
Căn cứ trên những số liệu và phương pháp, các nhà khoa học của Đại học Kinh tế Quốc dân đã ước tính thiệt hại của ô nhiễm không khí ở Việt Nam năm 2018 là từ 10,82-13,63 tỷ USD (tương đương từ 240.000 tỷ đồng) trở lên, tương đương 4,45%-5,64% GDP năm 2018.
Ô nhiễm không khí là vấn đề nghiêm trọng của Việt Nam từ nhiều năm qua, đặc biệt trong thời gian gần đây. Năm 2019, xu hướng ô nhiễm không khí gia tăng với tần suất ô nhiễm tăng đáng kể.
Ô nhiễm không khí diễn ra liên tục ở Hà Nội suốt từ cuối tháng 8 đến nay với nhiều đợt ô nhiễm dài ngày, có thời điểm lên ngưỡng nguy hại-ngưỡng nguy hiểm nhất trong ô nhiễm với khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà.
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội được xác định bởi nhiều nhóm nguyên nhân như giao thông, xây dựng, công nghiệp và hoạt động dân sinh như đốt than tổ ong, đốt rơm rạ. Tuy nhiên, đến nay thành phố chưa thực hiện kiểm kê khí thải để xác định chính xác vai trò của từng nguồn ô nhiễm.
Một số giải pháp cấp bách đã được thành phố đề ra như rửa đường trong những ngày ô nhiễm, ban hành lộ trình cấm đốt than tổ ong hay cho phép học sinh nghỉ học trong những ngày ô nhiễm lên ngưỡng nguy hại.
Từ hôm qua, ô nhiễm không khí Hà Nội lại tái xuất khi chất lượng không khí Hà Nội lên ngưỡng xấu (có hại cho sức khỏe tất cả mọi người), có điểm lên ngưỡng rất xấu (rất có hại cho sức khỏe mọi người). Trước đó, Bộ Y tế có khuyến cáo, khi chất lượng không khí từ ngưỡng xấu trở lên (Chỉ số AQI từ 150), người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, đi tập thể dục, làm việc ngoài trời.
Vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý, nhất là sau khi ra đường. Tra, rửa mắt bằng nước muối sinh lý trước khi đi ngủ. Người hút thuốc nên hạn chế hút thuốc lá, người không hút thuốc nên tránh xa khỏi thuốc lá.
Hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào ở những thời điểm chất lượng không khí xấu, nhất là những gia đình ở gần đường giao thông và khu vực ô nhiễm. Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí. Hạn chế sử dụng và thay thế bếp than tổ ong bằng bếp điện, bếp từ.
Người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mãn tính, người già, người suy dinh dưỡng, người bệnh tim mạch cần thực hiện các biện pháp dự phòng kể trên nghiêm ngặt hơn. Nếu có bất thường cần đến cơ sở y tế kịp thời.
Ô nhiễm không khí tại Hà Nội được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới khi dân số tăng lên, phương tiện giao thông gia tăng, các hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển. Do đặc điểm của yếu tố khí tượng, ô nhiễm tại Hà Nội tập trung nhiều trong mùa đông, khi hiện tượng nghịch nhiệt diễn ra thường xuyên.