Ứng viên tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. (Ảnh: Reuters) |
Nhà máy hạt nhân Bataan trị giá 2,2 triệu USD trở thành “tượng đài” cho tình trạng tham nhũng và lãng phí trong kỷ nguyên Marcos, rồi bị bỏ trống sau khi nhà lãnh đạo này bị lật đổ vào năm 1986.
Đã có nhiều lo ngại về thiết kế và vị trí của nhà máy này trước khi xảy ra thảm họa hạt nhân Chernobyl, khiến số phận của nó khép lại.
Nhà máy Bataan nằm cách mặt nước biển 18m và gần nhiều núi lửa, nơi dễ có nguy cơ xảy ra các trận động đất.
Thế nhưng ứng viên Ferdinand Marcos (con) hứa sẽ tăng tốc quá trình sản xuất điện hạt nhân nếu ông đắc cử và để ngỏ khả năng hồi sinh dự án thất bại của cha ông.
“Chúng ta thực sự phải xem xét điện hạt nhân”, ông Marcos Jr phát biểu hồi tháng 3. Ông cho rằng Philippines cần ít nhất 1 nhà máy điện hạt nhân để giảm giá điện quá cao hiện nay.
Một nghiên cứu do các chuyên gia Hàn Quốc và Nga thực hiện kết luận rằng có thể hồi sinh nhà máy được thiết kế với công suất 620 megawatt này, Bộ trưởng Năng lượng Philippines Alfonso Cusi phát biểu trong phiên điều trần của Thượng viện vào năm 2020. Tuy nhiên, nâng cấp nhà máy cũ với công nghệ lạc hậu có thể tốn ít nhất 4 năm và 1 tỷ USD.
Nằm cách thủ đô Manila khoảng 80km về phía tây, nhà máy làm bằng bê tông và hàng rào an ninh xunh quanh tọa lạc trên bán đảo nhìn ra Biển Đông.
Philippines nằm ở khu vực dễ xảy ra động đất. Núi lửa Pinatubo nằm cách nhà máy 57km từng phun trào vào năm 1991, khiến 300 người thiệt mạng.
Các chuyên gia địa chấn cảnh báo 2 núi lửa Natib và Mariveles gần đó vẫn có thể hoạt động.