Không phải binh sĩ Afghanistan hay quân đội NATO mà là nhóm phiến quân khét tiếng một thời Taliban đã giải cứu Yousuf. 10 ngày sau khi được tự do, đôi mắt anh vẫn hõm sâu và chùng xuống, không dám nhìn thẳng vào bất kỳ ai.
"Tôi từng hỏi chúng tội của tôi là gì", Yousuf, 23 tuổi, kể với AFP tại nhà họ hàng ở thủ đô Kabul, Afghanistan. Người chú ngồi bên cạnh, lặng lẽ. "Tôi nói với chúng tôi là người Sunni. Chúng bảo tôi rằng tôi đã chấp nhận chính phủ này và tôi đáng bị chặt đầu".
Abdul Fatah, một nhân viên chính phủ, là một trong ba con tin bị IS chặt đầu ngay trước mặt Yousuf.
"Chúng nói với anh ấy rằng 'ngươi chống lại Chúa' ", nam sinh viên kỹ thuật người dân tộc Tajik kể. "Chính tôi đã chôn đầu của anh ấy".
'Kẻ thù của nhân loại'
Câu chuyện của Yousuf cho thấy rõ ràng cho sự tàn bạo của IS. Nhóm cực đoan đã đạt được những bước tiến đáng kể ở Afghanistan, phần lớn là nhờ có các cựu phiến quân của Taliban và các phiến quân nước ngoài. Vụ thảm sát tại Paris tuần trước là minh chứng cho sự tàn sát bừa bãi và đã đạt đến quy mô toàn cầu của IS, mà Yousuf mô tả là giết người bất kể tôn giáo, sắc tộc hay quốc tịch nào.
Yousuf bị bắt cóc ở tỉnh phía nam Ghazni hồi tháng hai. Những kẻ cầm AK đã chặn chiếc buýt anh đang đi từ thành phố Herat ở phía tây, nơi anh sống, đến Kabul.
Theo Yousuf, những kẻ bắt cóc đến từ Uzbekistan, một quốc gia từ lâu đã xuất khẩu phiến quân ra nước ngoài. Chúng nói với các con tin rằng chúng muốn đổi họ lấy những đồng bọn đang bị chính phủ giam giữ.
Cùng khoảng 30 người khác, Yousuf bị đưa lên xe đi 6-7 giờ đến một căn cứ hẻo lánh của IS. Tại đây, màn tra tấn bắt đầu.
"Chúng đá chúng tôi, đấm chúng tôi, đánh chúng tôi bằng gậy và roi", anh nhớ lại. "Chúng bắt chúng tôi giơ tay lên và giữ nguyên như thế trong 5-6 giờ".
Các con tin bị cùm tay, bịt mắt và gần như bị bỏ đói.
"Có rất ít đồ ăn", Yousuf kể. "Một cốc trà vào buổi sáng và một mẩu bánh mỳ, hai mâm cơm khiêm tốn vào buổi tối cho 15 người. Chúng nói với chúng tôi rằng 'nếu chính phủ không trao đổi con tin, bọn tao sẽ chặt đầu các ngươi. Bất kể các người là người Sunni hay người Shiite. Bọn tao muốn đạt được mục đích' ".
Yousuf đã nghe về những gì xảy ra vào ngày thứ sáu tuần trước ở Paris, nơi các tay súng nã đạn và đánh bom làm 129 người chết, gây chấn động toàn châu Âu. Sự tàn bạo của vụ thảm sát không có gì đáng ngạc nhiên với Yousuf.
Với anh, phiến quân IS không thể là gì ngoài "kẻ thù của nhân loại".
Yousuf chưa thể bình tâm sau 9 tháng bị IS giam giữ. Ảnh: AFP.
Cuộc giải cứu của Taliban
Bất chấp việc chính phủ Afghanistan tuyên bố đứng sau chiến dịch giải cứu Yousuf và 7 con tin khác hôm 10/11, anh cho hay Taliban mới chính là những ân nhân của anh.
"Cuộc chiến kéo dài ba ngày ba đêm", anh kể, mô tả cuộc đối đầu giữa các phần tử nổi dậy Taliban với các phiến quân Uzbekistan tự xưng là thuộc IS. "Khi Taliban đến và nói rằng chúng tôi được giải thoát rồi, chúng tôi vẫn không tin vào điều đó".
"Taliban đưa chúng tôi đến một ngôi nhà và tháo cùm cho chúng tôi. Các con tin kêu đói, họ liền mua thức ăn, sữa chua, thịt hầm, cơm, rất nhiều đồ ăn cho chúng tôi. Các phiến quân sau đó bàn giao chúng tôi cho các già làng địa phương", anh kể thêm.
Các nhà quan sát nhận định rằng Taliban đang thực hiện một "cuộc tấn công quyến rũ" trong những tháng gần đây khi nhóm phiến quân tìm cách gỡ gạc lại hình ảnh của mình.
Theo Michael Kugelman, một nhà phân tích tại viện tư tưởng Woodrow Wilson, hành động này giúp chúng tự tạo ra hình ảnh "không đến nỗi tệ" thay thế chính phủ Afghanistan.
"Vâng, tôi biết ơn Taliban. Họ đối xử với chúng tôi rất tốt", anh nói.
10 ngày sau khi được cứu, Yousuf vẫn chưa bình tâm trở lại được.
Sau khi được đưa đến bệnh viện, Yousuf bị tê liệt trước cửa phòng tắm khoảng nửa giờ, nghĩ rằng nó đã bị đóng và có ai đó đang trốn đằng sau.
"Khi tôi trở lại, thực sự là nó đang mở. Thần kinh của tôi bây giờ không được ổn", anh nói.
Anh không biết mình sẽ làm gì tiếp theo. Nhưng dù sao anh vẫn mơ ước tương lai trở thành một kỹ sư. Anh hy vọng được đi học trở lại, có thể là vào mùa xuân tới.
Nhưng ở Herat anh không đủ tiền để mua vé máy bay và có rất ít cơ hội để đi bằng đường bộ. "Tôi sợ lắm rồi", anh nói.