Dư luận thời gian qua nói nhiều về hoạt động giám sát của HĐND, đặc biệt ở cấp tỉnh, thành phố. Nhiều ý kiến nói bây giờ đã có nhiều cải tiến, thay đổi, chẳng hạn như đã có những cuộc giám sát chuyên đề, được thực hiện trên cơ sở tham khảo việc giám sát chuyên đề của Quốc hội. Rồi các ban của HĐND cũng tổ chức những hoạt động giám sát, hiệu quả cũng có cải tiến và nhận được sự quan tâm.
Tuy nhiên dư luận cũng cho rằng, giá trị, hiệu quả giám sát ở HĐND không cao. Giám sát thì cứ thế thôi, còn việc thực hiện của các đối tượng giám sát rất hạn chế. Đặc biệt, đối với công tác giám sát giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân hiện đang rất yếu, vì lực lượng tham gia giám sát chưa đảm bảo, chất lượng của đại biểu nắm bắt về vấn đề này cũng không cao.
Theo ông vì sao việc giám sát ở địa phương còn hình thức, chất lượng không cao?
Việc giám sát của HĐND các tỉnh, thành phố còn hình thức, bởi vì đại biểu đi giám sát lại là cơ quan, đối tượng giám sát. Ví như trong lĩnh vực tư pháp, tòa án, kiểm sát, công an, thanh tra…là các đối tượng giám sát, nhưng anh lại là đại biểu HĐND. Có thể nói về mặt thể chế hiện nay còn rất chồng chéo, không phân biệt rõ chức năng, nhiệm vụ, anh nọ dẫm vào anh kia. Từ đó dẫn đến e dè, nể nang nhau. Tôi cho ông qua việc này, ông cho tôi qua việc khác, như một sự trao đổi âm thầm.
Chính vì thế, hiệu quả của giám sát không có là đúng thôi. Anh có thể ra một văn bản giám sát kiểu chung chung, rồi cũng chẳng quan tâm đến hậu giám sát ra sao. Điều này làm mất đi hiệu lực cũng như giá trị, vai trò của giám sát, làm cho giám sát bị chìm đi, không phục vụ được cho việc thực hiện các chức năng của cơ quan dân cử.
Trong khi đó, việc thực hiện giám sát của HĐND còn quan trọng hơn việc làm luật, vì đó mới là cơ quan giám sát việc thực hiện pháp luật tại cơ sở. Nếu anh yếu về giám sát thì làm sao thúc đẩy, kiểm soát được việc áp dụng các chính sách pháp luật vào trong đời sống? Làm sao anh có được những kiến nghị cụ thể lên cấp trên, lên Chính phủ rồi lên Quốc hội để thay đổi, hoặc sửa đổi bổ sung hoàn thiện hệ thống các chính sách pháp luật?
Cần chế tài đủ mạnh
Có thể vì thiếu đi chế tài đủ mạnh, hoặc có nhưng không áp dụng mới dẫn đến tình trạng nể nang, dẫn tới hiệu quả giám sát không cao. Vậy phải làm thế nào để khắc phục được tình trạng này?
Đúng là chẳng ai chịu trách nhiệm và cũng không có chế tài gì cả, người đứng đầu không bị sao cả dù kết quả giám sát và thực hiện kết luận giám sát ra sao. Bây giờ cần phải điều chỉnh, sửa đổi theo hướng đã là đại biểu dân cử, đã tham gia vào HĐND thì dứt khoát không có cơ quan hành pháp, tư pháp ở đấy.
Có thể số lượng đại biểu HĐND rút đi, nhưng tỷ lệ đại biểu chuyên trách phải được nâng lên, và giảm bớt số lượng đại biểu kiêm nhiệm đi. Bên cạnh đó, đại biểu HĐND tại sao cứ phải theo tuổi? Người ta phải được tín nhiệm do nhân dân bầu ra để thực hiện nhiệm vụ chứ?
Vấn đề quan trọng là Đảng phải làm sao lãnh đạo được công tác này. Cần để cán bộ, đảng viên, mặt trận nhân dân, rồi người có uy tín, hay cựu chiến binh, người về hưu…tham gia vào HĐND. Thế mới gọi là HĐND. Cứ cán bộ vào hội đồng thì gọi là hội đồng nhân dân, hay hội đồng cán bộ? Trường hợp quá nhiều cán bộ quản lý vào HĐND thì trở thành hội đồng cán bộ và hội đồng công chức, chứ có phải hội đồng nhân dân đâu? Điều đó hoàn toàn sai về bản chất của cơ quan dân cử.
Được biết việc sửa luật tới đây cũng được điều chỉnh theo hướng giảm tỷ lệ đại biểu kiêm nhiệm, tăng số lượng đại biểu chuyên trách HĐND. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi vào việc sửa luật, làm thế nào để nâng cao hơn nữa hiệu quả, vai trò của giám sát, thưa ông?
Để khắc phục hình thức, anh cứ giám sát một cách đàng hoàng đi, cứ nhìn thẳng vào sự thật đi. Nếu anh không làm được phải kiểm điểm ngay chính người đi thực hiện giám sát. Nếu không làm đến nơi đến chốn, phải có chế tài đủ mạnh với ngay cả người đi giám sát. Trong đó người đứng đầu phải chịu trách nhiệm đầu tiên.
Còn nếu có văn bản giám sát rồi mà không thực hiện thì xử lý người đứng đầu cơ quan bị giám sát. Chế tài đã có, vấn đề là thực hiện ra sao.
Cảm ơn ông!
“Cần để cán bộ, đảng viên, mặt trận nhân dân, rồi người có uy tín, hay cựu chiến binh, người về hưu…tham gia vào HÐND. Thế mới gọi là HÐND. Trường hợp quá nhiều cán bộ quản lý vào HÐND thì trở thành hội đồng cán bộ và hội đồng công chức, chứ có phải HÐND đâu? ” Ông Lưu Bình Nhưỡng