Con đường gốm sứ lập kỷ lục Guinness bị phá dỡ: Đẹp hay chưa đẹp?

Con đường gốm sứ lập kỷ lục Guinness bị phá dỡ: Đẹp hay chưa đẹp?
TP - Việc “Con đường gốm sứ” bị phá dỡ hơn 600 m lại khiến dư luận sôi nổi luận bàn:  Con đường này đẹp hay không đẹp?

 Người khen đẹp không đưa ra được những tiêu chuẩn chứng minh nó đẹp, ngoài việc khẳng định đây là công trình văn hóa cần được bảo tồn. Họ cho rằng “nên cắt từng lớp bức tường chuyển nguyên trạng sang những nơi như công viên…”.

Có lẽ đây là một điều bất khả thi song ngay cả tháo dỡ được thì liệu có đáng làm khi chi phí tốn kém? “Chỉ xứng đáng làm vậy với những công trình có giá trị lịch sử được chọn lọc mà thôi. Còn con đường gốm sứ chỉ là “một tác phẩm mosaic (ghép mảnh, khảm) đương đại, giá trị vẫn còn phải tranh cãi”, một ý kiến đáng nghĩ.

Tranh luận về giá trị thẩm mỹ của “con đường gốm sứ” chưa bao giờ nguội. Cách đây 3 năm có một người con Hà Nội, một nghệ sỹ sống xa quê có dịp trở về nơi chôn rau cắt rốn đã viết những dòng tâm huyết. Người này miêu tả “bức tường ghép gốm như một trang trí công cộng tầm thường gần gũi với dạng tranh vẽ bên ngoài tường rào của các nhà trẻ hay các trường mầm non hiện nay”.

Ngay trong bài viết nghệ sỹ cũng đã dự báo, sớm muộn bức tường ghép gốm sứ cũng bị “dỡ bỏ hồn nhiên”, vì “sai lầm tổng thể của kiểu thức tường rào ngớ ngẩn phi thẩm mỹ của nó đã xâm hại sinh hoạt của cư dân hai bên đê”. Dự đoán của nghệ sỹ này có phần đúng. Nay “con đường gốm sứ” bị phá dỡ 600 m không phải do xâm phạm sinh hoạt của cư dân hai bên đê, mà để mở rộng đường đến cầu Nhật Tân. 

Đừng nghĩ chỉ nghệ sỹ có “gu” thẩm mỹ cao mới chê “con đường gốm sứ”. Nhân chuyện nó bị phá dỡ, nhiều người dân bình thường mới lên tiếng bày tỏ thái độ: “Sau bao năm, tôi vẫn chưa thấy nó đẹp ở chỗ nào”; “Không thấy nó đẹp gì cả.

Thà trồng cây leo bám vào tường để có không gian xanh còn đẹp và có ích hơn. Gốm sứ mùa nóng thêm nực lại lòe loẹt…”; “Con đường gốm sứ không đẹp, các đoạn liên kết rời rạc, tạo hình ngô nghê”…

Tác giả của “Con đường gốm sứ” nói gì khi khi  “con cưng” của mình bị đụng đến? Đương nhiên chị thấy tiếc vì nhiều lẽ, nhất là sự phá dỡ ảnh hưởng đến chứng nhận kỷ lục Guinness trao cho công trình.

(“Con đường gốm sứ” được Tổ chức Guinness thế giới công nhận là bức tranh gốm dài nhất thế giới). Nhưng công nhận “dài nhất thế giới” có quan trọng đến thế không? Có khác sự công nhận cái bánh to nhất hay bộ móng tay, bộ râu… dài nhất thế giới?

Cũng nhân dịp này, tác giả “Con đường gốm sứ” mong muốn được cấp kinh phí để phục dựng đoạn tranh đã đành, chị còn mong tiếp tục mở rộng con đường gốm sứ. Một công trình còn có những băn khoăn không dứt về mặt thẩm mỹ, nhân lúc này, có nên làm cuộc “định giá” lại một cách nghiêm túc thay vì tính toán mở rộng?

MỚI - NÓNG