Cồn cát biến nước biển thành nước ngọt

TS Bùi Du Dương cùng cộng sự giành giải nhất chương trình Sáng tạo Việt. Ảnh nhân vật cung cấp.
TS Bùi Du Dương cùng cộng sự giành giải nhất chương trình Sáng tạo Việt. Ảnh nhân vật cung cấp.
TP - Sử dụng cồn cát tự nhiên để tạo ra nước ngọt từ nước biển, các nhà khoa học của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước hy vọng sẽ góp phần giải cơn khát ở vùng ven biển trong bối cảnh hạn hán và sa mạc hóa ngày càng gia tăng ở Việt Nam.

Là người chuyên về lĩnh vực tài nguyên nước, TS Bùi Du Dương, Phó ban Quan trắc tài nguyên nước của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia, cùng cộng sự có dịp đi nhiều nơi ở Việt Nam. Thấy hạn hán gia tăng, nhất là ở vùng ven biển, TS Dương cùng cộng sự bắt tay vào nghiên cứu giải pháp tạo nước ngọt từ nguồn nước biển dồi dào.

Cũng từ những chuyến đi TS Dương nhận thấy ở nhiều nơi, giữa cồn cát rộng lớn, khô hạn, ngay sát biển vẫn tồn tại những hồ nước ngọt ăm ắp, quanh năm không cạn như hồ Bầu Trắng ở Bình Thuận, hồ nước ở bãi biển San Luiz and Rio của Brazil. “Nếu là nước mặt ở các hồ ao thông thường, trong điều kiện thời tiết nắng nóng sẽ bay hơi hết nhưng những  hồ nước này quanh năm không cạn, chứng tỏ ở đây có nguồn cung nước ngọt ổn định”, TS Dương nói.

Tìm hiểu thì thấy, sở dĩ có hồ nước ngọt đó là bởi ở giữa các lớp cát xuất hiện một lớp đất có đặc tính giống như các màng ngăn. Lớp đất này có tác dụng ngưng tụ hơi nước và hạn chế bốc hơi, giữ nước ngọt ở trong lòng cồn cát, tạo ra mạch nước không ngừng, cung cấp nước ngọt cho hồ. Chính vì lý do đó, TS Dương cùng cộng sự nảy ra ý tưởng “Thiết kế hệ thống chưng cất nước ngọt từ nước biển sử dụng các cồn cát tự nhiên”.

Phương pháp đặt thêm một lớp vải địa kỹ thuật (giống như lớp đất) vào sát bề mặt bãi cát, dưới tác động của bức xạ mặt trời, nước biển sẽ bốc hơi và ngưng tụ tại lớp vải địa kỹ thuật, kết hợp với nước mưa thấm từ trên bề mặt sẽ hình thành lớp nước ngọt trong lòng bãi cát. Khi lớp nước ngọt đủ dày, người dân có thể bơm khai thác trực tiếp hoặc sử dụng nước ngọt thông qua các mạch lộ hoặc bầu nước ở khu vực địa hình thấp.

Chi phí thấp, dễ vận hành

Nghiên cứu ngọt hóa nước biển trên thế giới và ở Việt Nam đã có nhưng chưa có công trình nào được phổ biến rộng rãi do chi phí tốn kém. Ưu điểm của phương pháp mà TS Dương đề xuất là ít tốn kém (chỉ nằm ở việc tạo lớp vải địa kỹ thuật giữa cồn cát), dễ vận hành (nguồn nước ngọt sau khi được hình thành trong lòng cồn cát sẽ sử dụng quanh năm). 

Tuy nhiên, phương pháp này chỉ dùng được ở những vùng ven biển có nhiều cồn cát như Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Bình, Quảng Trị... Theo tính toán sơ bộ, với cồn cát rộng 1 km2, với lượng mưa và nước biển bốc hơi là 1.000 mm/năm khi áp dụng phương pháp này thu được khoảng một triệu m3/năm. Để có thể ứng dụng rộng rãi trong thời gian tới, phương pháp này đang được thử nghiệm trong thực tế để đánh giá chính xác hiệu quả.

Tìm kiếm nước ngầm ở 44 tỉnh, thành

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chương trình điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước. Chương trình thực hiện từ 2015-2020 tại 44 tỉnh, thành (Bắc bộ có 16 tỉnh, Bắc Trung bộ bốn tỉnh, Nam Trung bộ và Tây Nguyên có 12 tỉnh/thành phố, Nam bộ có 12 tỉnh). 

Sẽ có ba dự án thành phần gồm điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước; nghiên cứu ứng dụng công nghệ xử lý và cấp nước sạch thích ứng với điều kiện vùng núi cao, vùng khan hiếm nước; xây dựng thí điểm hệ thống cấp nước tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước đặc trưng.

Theo báo cáo đặc biệt của Việt Nam về “Quản lý rủi ro thiên tai và các hiện tượng cực đoan nhằm thúc đẩy thích ứng với biến đổi khí hậu, dự báo xu thế thời tiết cực đoan ở Việt Nam”, hạn hán sẽ gia tăng ở hầu khắp cả nước. Trên thực tế các đợt hạn nặng đã và đang xuất hiện nhiều hơn, đặc biệt là hạn cực khắc nghiệt.

MỚI - NÓNG