Nghịch lý thiếu nước ăn, thừa nước tắm

Người dân chắt chiu từng xô nước sạch để đối phó với nắng nóng (ảnh lớn), nước sạch vẫn xả vô tư tại một điểm tắm tráng khi không có khách tắm (ảnh nhỏ)
Người dân chắt chiu từng xô nước sạch để đối phó với nắng nóng (ảnh lớn), nước sạch vẫn xả vô tư tại một điểm tắm tráng khi không có khách tắm (ảnh nhỏ)
TP - Trong khi người dân ở nhiều khu vực đang phải “ăn đong” nước sạch từng ngày, do việc cấp nước sạch nhỏ giọt hoặc bị mất nước kéo dài thì tại các bể bơi, các điểm rửa xe việc kinh doanh không bị ảnh hưởng. Thậm chí, nhiều điểm kinh doanh vẫn “thừa” nước sạch. 

Nước ăn “nhỏ giọt”, nước tắm tràn lan


Dù đã được cải thiện, nhưng trên địa bàn các quận như Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy.., người dân nhiều nơi vẫn phải chắt chiu, thậm chí phải “ăn đong” nước sạch từng ngày, từng bữa. “Họ bảo nước sạch đã được cấp đủ nhưng khu vực chúng tôi vẫn khát khô. Mấy ngày qua, chúng tôi vẫn phải mua nước để dùng”, chị Thùy Linh ở quận Thanh Xuân cho biết. 

Điều mà chị Linh và nhiều hộ dân ở đây thắc mắc, tại sao cùng một địa bàn, cùng khu vực trong khi người dân luôn trong tình trạng khát nước thì nước sạch dành cho các điểm kinh doanh như bể bơi, nhà hàng, các điểm rửa xe vẫn không bị tác động “Việc nhà dân thì thiếu nước mà các điểm kinh doanh vẫn tràn ngập nước đã khiến dư luận phải đặt câu hỏi. Có hay không việc ưu tiên nước kinh doanh hơn nước sinh hoạt?”, chị Linh nói. 

“Chủ trương của chúng tôi là hạn chế cung cấp nước sạch cho việc kinh doanh bể bơi. Riêng các bể bơi của các tổ chức mang tính xã hội thì trong hệ thống vẫn cung cấp. Công ty cũng có quy định và khuyến cáo các Xí nghiệp về sử dụng nước sạch và yêu cầu quản lý khắt khe đối với các doanh nghiệp kinh doanh các loại hình dịch vụ này”. 

ông Trịnh Kim Giang

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại một số bể bơi trên địa bàn các quận xảy ra tình trạng thiếu nước, mất nước như bể bơi Định Công, bể Không quân thuộc địa bàn quận Thanh Xuân; bể bơi Quan Hoa, bể Trung tâm thể dục thể thao Cầu Giấy, bể bơi làng Quốc tế Thăng Long thuộc địa bàn quận Cầu Giấy luôn ăm ắp nước sạch. Hiện các bể bơi này đang hoạt động tấp nập, hết công suất với hai ca sáng và tối.

“Trung tâm gồm có 1 bể trẻ em thể tích 400 mét khối và 1 bể người lớn với dung tích trên 1.800 mét khối. Bể chúng tôi vừa khai trương mùa hè. Các bể ở đây sử dụng nước sạch nên riêng kinh phí để tháo nước cho hai bể lớn, nhỏ đã mất hơn 25 triệu đồng”, ông Trần Quang Long- Phó Giám đốc Trung tâm bơi lội Thái Hà cho biết. 

Tại một bể bơi nằm trong khách sạn Asean thuộc địa bàn quận Đống Đa, lượng nước sạch tiêu thụ ở đây được một nhân viên phụ trách kỹ thuật cho biết là hơn 500 khối nước/tháng. Riêng trong tháng 5, vì là đầu vụ nên bể bơi phải thay khoảng 1.000 khối nước, ngoài ra hàng ngày bể phải bơm bổ sung, bơm bù một lượng nước khá lớn để phục vụ nhu cầu bơi lội của khách trong dịp nắng nóng.

Nếu họ dùng nước sạch cũng không cấm được

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ riêng trên địa bàn khu vực nội thành Hà Nội, hiện có khoảng 50 bể bơi trong nhà và ngoài trời, song vào thời điểm này hầu như bể nào cũng quá tải. Trung bình mỗi ngày, một bể bơi ở Hà Nội có khoảng 200 đến 400 khách, thường tập trung vào thời gian cao điểm, cá biệt có bể bơi phục vụ hơn 600 người/ngày. 

Nguồn nước của các bể bơi có nơi dùng nguồn nước sạch sinh hoạt theo đơn giá kinh doanh dịch vụ. Có bể dùng nguồn nước giếng khoan kết hợp với nước sinh hoạt và sử dụng hệ thống nước tự động lọc tuần hoàn. “Thông thường các bể bơi chỉ thay nước đầu mùa, chứ không phải thay liên tục nhưng nếu bể sử dụng nguồn nước sạch sinh hoạt thì chi phí hàng tháng rất lớn vì hàng ngày vẫn phải bơm bổ sung, bơm bù một lượng nước thất thoát khá lớn”, một nhân viên quản lý bể bơi ở quận Cầu Giấy cho biết.   

Theo ông Nguyễn Anh Việt- Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kinh doanh nước sạch sông Đà (VIWACO), dù đã có chủ trương hạn chế, không khuyến khích các khách hàng kinh doanh dịch vụ trong đó kinh doanh việc rửa xe, bể bơi sử dụng nước sạch sinh hoạt nhưng để cấm là rất khó. 

“Những ngày nắng nóng dân mất nước, nhiều người gọi điện đến cũng thắc mắc sao nhà tôi mất mà cửa hàng rửa xe cạnh vẫn có nước. Có thể, ở đấy họ đang dùng nước giếng khoan, nhưng kỳ thực nếu họ có dùng nước sạch thì cũng không thể xử lý được. Vì thực tế các đơn vị kinh doanh nước sạch không có chức năng xử lý đối với các hộ kinh doanh này”, ông Việt nói. 

Trao đổi với Tiền Phong, ông Trịnh Kim Giang- Phó Tổng giám đốc Công ty nước sạch Hà Nội cho biết, trước tình trạng “căng thẳng” nước sạch trong dịp hè, công ty đã yêu cầu các đơn vị, các Xí nghiệp kinh doanh nước sạch trực thuộc tổ chức tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân sử dụng tiết kiệm nước sạch. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng nước sạch để làm dịch vụ rửa xe hay đục phá đường ống cấp nước, làm thất thoát nước sạch.


MỚI - NÓNG