Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 10/12 cho biết, vẫn tồn tại bất đồng về danh sách các phần tử khủng bố và phe đối lập Syria trong liên minh do Mỹ đứng đầu, Sputnik đưa tin. Hội nghị các nhóm đối lập Syria diễn ra ngày 10/12 tại Ảrập Xêút ra tuyên bố cuối cùng kêu gọi đưa Syria trở thành một quốc gia dân chủ, đa đại diện, đồng thời nhấn mạnh, Tổng thống Syria Bashar al-Assad cần từ chức vào lúc bắt đầu tiến trình chuyển tiếp. Các nguồn tin đối lập nói rằng, các nhóm đối lập chính trị và vũ trang của Syria tham gia hội nghị đã nhất trí về một khuôn khổ đàm phán với Tổng thống Assad.
Theo chương trình, ngày 11/12, Nga, Mỹ và Liên Hợp Quốc hội đàm 3 bên về tình hình Syria. Nga và phương Tây vẫn bất đồng sâu sắc về cách thức giải quyết cuộc nội chiến Syria, đặc biệt là số phận Tổng thống Assad. Hơn hai tháng qua, quân đội Syria đã chặn được đà tiến của các nhóm phiến quân, đảo ngược cục diện chiến trường theo hướng có lợi cho chính quyền nhờ chiến dịch quân sự của Nga.
Theo hãng thông tấn nhà nước Syria SANA, quân đội Syria đang mở rộng phản công ở Latakia, Aleppo, một vài khu vực ở tỉnh Homs và đã giành được một số thắng lợi ban đầu, thậm chí chiếm lại được thành phố Homs. Đây là thành phố lớn thứ ba ở Syria và là một trong những trung tâm khởi nguồn biểu tình chống ông Assad. Tuy nhiên, quân đội Syria đã bị suy kiệt nghiêm trọng sau 4 năm nội chiến đẫm máu và gần như không thể giành một chiến thắng quyết định mang tính chiến lược để kết thúc cuộc chiến.
Chuyên gia quân sự Nga Dmitry Litovkin cho rằng, quân đội Syria hiện không thể giành thắng lợi đáng kể trên chiến trường, nếu không có sự hỗ trợ của lực lượng không quân Nga. Trong khi đó, các tổ chức khủng bố dường như có nguồn binh lực, vũ khí hầu như không hạn chế.
New York Times ước tính, có tới hơn 700 nhóm phiến quân lớn nhỏ đang cát cứ ở Syria; họ được nước ngoài hậu thuẫn, nhưng không thống nhất, thậm chí thường xuyên đánh giết lẫn nhau. Tất cả đều rất rắc rối và hỗn loạn, nhưng nguy hiểm hơn là thành viên các tổ chức khủng bố hầu hết đều là những chiến binh cuồng tín, không sợ chết, không đầu hàng và vô cùng tàn bạo. Chính Mỹ cũng bối rối trong việc lựa chọn được các nhóm “đối lập ôn hòa” theo cách gọi của Mỹ để vũ trang, huấn luyện và hỗ trợ tài chính trong cuộc chiến chống IS và cả lật đổ chính quyền Syria.
Spectator dẫn lời Thủ tướng Anh David Cameron phát biểu trước quốc hội nước này rằng, cơ quan tình báo Anh ước tính có khoảng 70.000 chiến binh “ôn hòa” tại Syria. Tuy nhiên, ước tính này bị nhiều chính khách Anh phản đối vì họ cho rằng chẳng có gì xác thực.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, xung đột ở Syria phải giải quyết bằng các giải pháp chính trị và ngoại giao. Mục tiêu đầu tiên của chính quyền Syria nói riêng và các bên ủng hộ nói chung là sử dụng lực lượng mặt đất, trước mắt là quân đội Syria để tiêu diệt hoàn toàn IS. Mặc dù tuyên bố chung của thế giới là phải tiêu diệt IS, nhưng hành động của các bên liên quan lại xung đột nhau, nên cuộc chiến chống IS vẫn chưa có tiến triển đột phá.