Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, năm 2014, tổng nguồn vốn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo khoảng 34,7 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, do số lượng chính sách ban hành nhiều, khó kiểm soát, dẫn đến tình trạng trùng lắp, phân tán nguồn lực, chi phí cho các khâu trung gian tăng lên.
Bên cạnh đó, tính bao cấp trong nhiều chính sách giảm nghèo cũng tăng một cách không hợp lý. Nhiều chính sách hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc hiện vật, hỗ trợ không kèm theo điều kiện ràng buộc cụ thể, dẫn tới tình trạng sử dụng các nguồn hỗ trợ không đúng mục tiêu chính sách đã đề ra. Đặc biệt, xuất hiện tình trạng không muốn thoát nghèo của không ít hộ và địa phương.
Năm 2015, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, sẽ nghiên cứu sửa đổi cơ chế, chính sách pháp luật về giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều, nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu. Theo đó, hộ nghèo là hộ có thu nhập bình quân đầu người từ mức 1,3 triệu đồng/người/tháng (hiện là 500.000 đồng) khu vực thành thị và 1 triệu/người/tháng khu vực nông thôn (400.000 đồng), và thiếu hụt từ 1/3 nhu cầu xã hội cơ bản trở lên.