Cố tình mở hàng quán giữa dịch Covid 19 bị xử lý thế nào?

Cán bộ phường Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm) gửi thông báo yêu cầu đóng cửa cho 1 quán trà sữa trên địa bàn
Cán bộ phường Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm) gửi thông báo yêu cầu đóng cửa cho 1 quán trà sữa trên địa bàn
TPO - Với một số cơ sở không chấp hành yêu cầu đóng cửa vì dịch bệnh có thể chịu mức phạt lên đến 10 triệu đồng.

Ngay sau lệnh yêu cầu đóng cửa nhà hàng, quán ăn, quán café để phòng chống dịch COVID-19, cơ quan công an các phường, xã ở Hà Nội đã ra quân, đưa thông báo yêu cầu chủ các cơ sở đóng cửa phòng dịch.

Đa số các cơ sở sau khi ký cam kết đã tự nguyện đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh hoặc chuyển hẳn sang kinh doanh online, chỉ bán giao hàng đến 5/4.

Cố tình mở hàng quán giữa dịch Covid 19 bị xử lý thế nào? ảnh 1 Một cửa hàng điện máy lớn trên phố Tràng Thi treo thông báo nghỉ bán hàng.
Cố tình mở hàng quán giữa dịch Covid 19 bị xử lý thế nào? ảnh 2 Một quán cafe chuyển sang chỉ giao hàng.
Cố tình mở hàng quán giữa dịch Covid 19 bị xử lý thế nào? ảnh 3 Cơ quan chức năng yêu cầu các chủ cơ sở ký cam kết.

Tuy nhiên, cũng có 1 số nhà hàng, quán café vẫn mở cửa đón khách. Ghi nhận của PV tại phố Phan Đình Phùng (quận Ba Đình), Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng) vẫn mở cửa trong buổi sáng 26/3.

Cố tình mở hàng quán giữa dịch Covid 19 bị xử lý thế nào? ảnh 4

Một quán bia vỉa hè vẫn mở cửa, đông khách.

Về hành vi phớt lờ chỉ đạo của chính quyền địa phương, cố tình không đóng cửa nhà hàng, quán ăn, phòng hát để phòng dịch Covid-19, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Văn phòng luật sư Kết nối cho biết, Covid-19 là dịch bệnh hô hấp thuộc nhóm A. Chính quyền các địa phương có đủ cơ sở để ban hành biện pháp đóng cửa nhà hàng, dịch vụ công cộng nhằm ngăn dịch bệnh lây lan.

Quyết định về việc tạm đình chỉ các cơ sở trên của UBND Thành phố Hà Nội là hoàn toàn đúng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 52 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

Cố tình mở hàng quán giữa dịch Covid 19 bị xử lý thế nào? ảnh 5 Lực lượng công an Hà Nội đã rà soát yêu cầu đóng cửa nhiều cơ sở kinh doanh không cần thiết ngay từ đêm 25/3.

Việc các các cơ sở trên không chấp hành Quyết định của UBND Thành phố Hà Nội là hành vi: Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, vi phạm vào một trong hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 7 Điều 8 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

Hành vi trên có thể bị xử lý theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Cụ thể, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng.

Tuy nhiên Nghị định này không quy định về việc các cơ sở đã bị xử phạt hành chính mà vẫn tiếp tục vi phạm sẽ bị xử lý như thế nào. Đây có thể là kẽ hở mà các cơ sở trên cố tình vi phạm, cố tình hoạt động dù đã bị xử phạt hành chính.

MỚI - NÓNG