Cơ quan chức năng 'bó tay' việc chuyển nhượng đất 'ăn theo' đặc khu?

Một dự án phân lô bán nền trên đất nông nghiệp tại xã Cửa Cạn, Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh: P.V.
Một dự án phân lô bán nền trên đất nông nghiệp tại xã Cửa Cạn, Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh: P.V.
TP - Giá đất đền bù chênh lệch lớn so với giá thị trường, tình trạng giao dịch ngầm, sốt đất tại các vùng triển khai dự án, đặc biệt tại ba địa phương chuẩn bị trở thành đặc khu kinh tế là những vấn đề đáng chú ý tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, chiều 4/6.

Loay hoay quản đất đặc khu

Nêu chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đại biểu (ĐB) Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) lo ngại khi giá đất đang sốt nóng tại ba nơi sắp trở thành đặc khu là Vân Đồn, Phú Quốc và Bắc Vân Phong. ĐB Trí chất vấn bộ trưởng có giải pháp gì về việc này? Trả lời câu hỏi của ĐB Trí, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà nói, điều này liên quan đến vấn đề “tầm nhìn”, bởi khi đầu tư vào đó thì kỳ vọng sự phát triển trong tương lai.

Đặc biệt khi có đầu tư hạ tầng, đương nhiên người đầu tư sẽ đổ xô vào đó, khiến thị trường đất đai và các thị trường khác thay đổi. Theo ông Hà, đó là quy luật và chúng ta cũng biết, nhưng trên thực tế lại chưa làm sao để phòng ngừa, đưa ra những biện pháp chuẩn bằng các chỉ thị hành chính. “Tôi biết như dự án Sân bay Long Thành (Đồng Nai), ban hành chỉ thị cách đây 5 năm, nhưng thực tế người dân vẫn bằng nhiều cách giao dịch ngầm”, ông Hà nói.

Với 3 đặc khu, theo bộ trưởng, việc đưa ra những nội dung trong chỉ thị là đúng đắn. Tuy nhiên hình thức ra chỉ thị không phù hợp với luật hiện nay. Theo ông, nếu Quốc hội ban hành nghị quyết, có quy định mang tính đặc thù để quản lý đất đai khu vực này thì cần thiết và hiệu quả.

Cũng theo Bộ trưởng TN&MT, chuyện sốt đất là vấn đề tự nhiên, nhưng chủ yếu vấn đề nghiêm trọng là chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp trái phép với các giao dịch ngầm. Tuy nhiên, việc kiểm tra, xử lý lại chưa kịp thời. Ông Hà cho rằng, những giao dịch trái pháp luật, khi quy hoạch, đền bù sẽ phải áp dụng biện pháp như thế nào đó, để đảm bảo công bằng, để nhà đầu cơ không vào gom đất. Muốn như vậy, các địa phương phải xem lại hồ sơ đất đai để quản lý cho chặt chẽ.

“Giá đất có vấn đề”

Liên quan đến ý kiến ĐB nêu về tranh chấp, khiếu kiện đất đai xảy ra nhiều trong thời gian qua, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận 70% khiếu kiện liên quan đến lĩnh vực này. Ông Hà cũng khẳng định “giá đất có vấn đề” khi giá đền bù thường thấp hơn giá thị trường. Cùng với đó, khâu giải phóng mặt bằng, tái định cư cũng chưa thực sự đồng bộ. Thậm chí có trường hợp người dân được đền bù, nhưng tiền đó không mua nổi căn nhà ở khu tái định cư.

Trước thực trạng trên, ông Hà cho rằng, phải xem lại cách xác định giá, phát triển quỹ đất để chuẩn bị đất sạch. Đồng thời có sự trao đổi dân chủ với người dân để đạt sự đồng thuận trong giải quyết tranh chấp liên quan đất đai. Ông Hà cũng khẳng định, giá đất hiện nay là giá ảo, cần nghiên cứu đưa vào sửa Luật Đất đai sắp tới.

Cũng theo Bộ trưởng TN&MT, do năng lực đội ngũ cán bộ tại địa phương còn yếu, rồi cơ chế quản lý về thu thuế, phí lệ phí hiện nay dẫn đến thông tin giá đất thị trường không chính xác. Cùng với đó, quy trình xác định giá đất cụ thể trong một số trường hợp còn chậm, chưa đáp ứng kịp thời về tiến độ thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tính bồi thường khi nhà nước thu hồi đất.

“Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng đất chưa nghiêm. Có không ít những quy định của pháp luật đất đai và những quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến đất đai thực thi còn hình thức, chế tài xử lý vi phạm pháp luật về đất đai còn thiếu và chưa đủ mạnh để răn đe, ngăn chặn”, ông Hà nhấn mạnh.

Về giải pháp, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, quản lý về đất đai trên phạm vi cả nước. Đồng thời đẩy mạnh tổ chức giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đất đai; xử lý trách nhiệm người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý đất đai, để xảy ra tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép.

Cơ quan chức năng 'bó tay' việc chuyển nhượng đất 'ăn theo' đặc khu? ảnh 1 Bộ trưởng Trần Hồng Hà.

“Nắm rất rõ” điện hạt nhân của Trung Quốc

Nêu câu hỏi chất vấn, ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) đề cập tới việc Trung Quốc xây dựng 3 nhà máy điện hạt nhân khá gần biên giới Việt Nam với khoảng cách chỉ từ 50 – 200 km. ĐB cho rằng, trong trường hợp các nhà máy này “có vấn đề” thì nguy cơ ô nhiễm phóng xạ với Việt Nam rất lớn. Vậy bộ trưởng có giải pháp gì để ứng phó với nguy cơ đó?

Về việc này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, những vấn đề liên quan đến các nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc “chúng tôi nắm rất rõ”. Theo ông Hà, Chính phủ đã giao Bộ KH&CN xây dựng các trạm quan sát hoạt động thường xuyên; đồng thời làm việc với cơ quan hạt nhân quốc tế để có các đoàn thanh tra, kiểm soát an toàn tại khu vực này. Ngoài Bộ KH&CN, thành phố Hà Nội đã đưa vấn đề này vào dự báo, lên kịch bản đối phó.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, năm 2016, ba nhà máy điện hạt nhân ở phía nam Trung Quốc vận hành, gồm: Nhà máy Phòng Thành (Quảng Tây) công suất 1000 MW, Trường Giang (Quảng Đông) 600 MW và tổ máy 650 MW của Sương Giang (đảo Hải Nam). Các nhà máy này đều nằm gần biên giới phía bắc Việt Nam, trong đó gần nhất là nhà máy Phòng Thành, cách Móng Cái (Quảng Ninh) chỉ 50 km, cách Hà Nội dưới 500 km. Ông Hà cũng nhấn mạnh, cần chuẩn bị kỹ các phương án phòng ngừa sự cố nếu xảy ra.

Trước đó vào cuối tháng 5/2018, Hà Nội đã phê duyệt đề án quản lý và giảm thiểu các rủi ro có thể trở thành thảm họa đối với thành phố Hà Nội. Thành phố dự báo một trong 10 rủi ro có thể trở thành thảm hoạ là rò rỉ phóng xạ nếu có sự cố từ ba nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc. Thành phố giao Sở KH&CN chủ trì xây dựng kịch bản chi tiết phòng chống khi có thảm họa rò rỉ chất phóng xạ, sự cố hạt nhân.

Thủ tướng nói về quy định cho thuê đất 99 năm trong dự thảo Luật Đặc khu

Sáng 4/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc trao đổi nhanh với báo giới bên hành lang Quốc hội về một số quy định tại dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc; trong đó có vấn đề thời hạn tối đa cho thuê đất lên tới 99 năm. Thủ tướng cho biết, trong những ngày gần đây ông nhận được nhiều thư, tin nhắn, cuộc gọi của các chuyên gia, cán bộ lão thành cách mạng, nhân dân và cũng nắm được thông tin từ dư luận liên quan đến quy định của dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.

“Tôi lắng nghe các ý kiến khác nhau. Hiện nay dự thảo luật đang trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp này. Chắn chắn là Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phân tích các ý kiến góp ý, và cuối cùng Quốc hội sẽ xem xét, cân nhắc nhiều mặt trước khi thông qua. Thẩm quyền cuối cùng thuộc về Quốc hội”, Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, “việc thành lập các đặc khu kinh tế thế giới đã làm từ lâu và nhiều nơi họ làm thành công”. “Việt Nam chúng ta bây giờ làm đặc khu kinh tế là chậm hơn so với nhiều nước. Chúng ta thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, của Ban Chấp hành Trung ương và các chỉ đạo của Bộ Chính trị đối với chủ trương xây dựng đặc khu kinh tế. Theo đó, dự án luật xây dựng các quy định về chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư để chúng ta có thể thực hiện thành công”, Thủ tướng nói.

Với quy định thời hạn tối đa có thể giao đất 99 năm, Thủ tướng nói: “Dự án luật đã quy định là trong những trường hợp đặc biệt thì Thủ tướng quyết định việc này. Đương nhiên, trong những trường hợp đặc biệt đó, trước khi quyết định thì Thủ tướng phải xem xét, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền”. Thủ tướng cũng cho rằng, quy định về thời hạn cho thuê đất, giao đất không phải là vấn đề quyết định, mấu chốt của dự án luật.

Luân Dũng

“Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng đất chưa nghiêm. Có không ít những quy định của pháp luật đất đai và những quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến đất đai thực thi còn hình thức, chế tài xử lý vi phạm pháp luật về đất đai còn thiếu và chưa đủ mạnh để răn đe, ngăn chặn”.

            Bộ trưởng Trần Hồng Hà

MỚI - NÓNG