Có một thời như thế…

Đội Họa Mi cùng Giám đốc Cung Thiếu nhi Hà Nội Lê Khanh đón Bí thư Thứ nhất TƯ Đoàn thời đó- Đặng Quốc Bảo đến thăm. (Ông Đặng Quốc Bảo đứng giữa, ông Lê Khanh bên trái). Ảnh: Tư liệu
Đội Họa Mi cùng Giám đốc Cung Thiếu nhi Hà Nội Lê Khanh đón Bí thư Thứ nhất TƯ Đoàn thời đó- Đặng Quốc Bảo đến thăm. (Ông Đặng Quốc Bảo đứng giữa, ông Lê Khanh bên trái). Ảnh: Tư liệu
TP - Nếu không có những ngày tháng huy hoàng ở Cung Thiếu nhi Hà Nội thì tuổi thơ của chúng tôi chắc nghèo nàn, xám hẳn đi. Thậm chí còn là “tuổi thơ dữ dội”…

THUỞ BAN ÐẦU LƯU LUYẾN…

8 đến 13 tuổi, bọn trẻ ở phố có gì? Không nhiều lắm. Nhất là những đứa đã dát chết lại bị bố mẹ o ép kìm kẹp, suốt ngày ru rú trong nhà.

Cuộc đời rồi cũng mở ra trang mới: Ngày nọ, Câu lạc bộ Thiếu nhi Hà Nội về trường tuyển sinh. Tôi và mấy đứa bạn được vào Đội Ca, còn gọi là Đội Họa Mi. Hồi đó, Top 3 của miền Bắc gồm: Họa Mi của Câu lạc bộ Thiếu nhi Hà Nội, Sơn Ca của Đài Tiếng nói Việt Nam và Vàng Anh của thành phố Nam Định. Ba loài chim ríu rít, tên hay hót hay.

Có một thời như thế… ảnh 1 Cây đơn ca Hồng Loan ra cảng Hải Phòng đón tàu Hải quân Liên xô

Từ đây chúng tôi được học hát, học xướng âm tuần vài buổi, được đi biểu diễn các nơi. Thu thanh thu hình ở Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam. Xúng xính váy áo ở Hội trường Ba Đình hát mừng các sự kiện lớn. Dịp 27/7, thì đến Bệnh viện 108 hát cho các cô chú thương bệnh binh, vô cùng xúc động.

Mấy chục năm sau gặp ôn lại, đứa nào cũng nhớ nhất kỷ niệm này: Ngày đó, mỗi buổi học mỗi đứa đều có suất “bồi dưỡng” hai que kem ngon lành. Đội Ca chia mấy lớp, đứa lớp trưởng lớp tôi tên là Đồng Bích Hường cực nhanh nhẹn láu cá, chuyên khai tăng sĩ số, thế là dôi ra ối kem, chúng tôi bèn ra hàng quà đổi lấy ô mai, bánh kẹo… Quá vui. Nào hát hò, uống ăn, ngó nghển các đội khác.

Có một thời như thế… ảnh 2 Một tiết mục tốp ca của Đội Họa Mi thập kỉ 70 thế kỉ trước

Cả nước đói kém, thế mà chúng tôi “diện ngất”. Váy đồng phục được Câu lạc bộ đặt may ở Đức Hạnh- cửa hiệu nổi tiếng trên phố Hàng Trống. Sơ-mi trắng mặc với váy kẻ ca-rô xanh và đỏ, váy vàng nhạt, cá vàng hoặc váy si (vải si-mi-li màu xanh đen có thêu hoa)... Oách lắm.

Thành lập năm 1955, ban đầu biệt thự tọa lạc bên Bờ Hồ, số 36 Lý Thái Tổ này có tên Ấu Trĩ Viên, là khu vui chơi dành cho con em các gia đình giàu có, sau thành Câu lạc bộ Thiếu nhi Hà Nội. Đến năm 1974, Tiệp Khắc giúp dựng tòa nhà 6 tầng hiện đại gồm 100 phòng học trên diện tích 10.000 m2 với tên mới là Nhà Văn hoá Thiếu nhi Hà Nội. Chúng tôi quen gọi “đi sinh hoạt câu lạc bộ” mà không gọi “Nhà văn hóa”. Sau đổi thành “Cung Thiếu nhi” (Cung) nghe thích.

Có một thời như thế… ảnh 3 Ngôi sao nhỏ Trần Phan Chung Thủy lớn lên làm bác sĩ, Viện trưởng Viện Tai Mũi Họng Thành phố Hồ Chí Minh

Gần đây gặp lại một số gương mặt cũ Họa Mi, tôi vanh vách tả ngày xưa từng đứa hay hát bài gì với điệu bộ thế nào. Như Tuyết Hằng có bài đinh Em đi giữa biển vàng cạnh tranh với Hải Vân bên Đội Sơn Ca- cũng nổi tiếng với bài này. Xinh đẹp hát hay, Hằng là nhân vật trong ký sự Nhan sắc phố phường của tôi 15 năm trước.

Rồi Hồng Loan, cây đơn ca với bài tủ Dắt chú thương binh qua đườngTiếng chim trong vườn Bác, đất nước vừa thống nhất đã có tên trong đội hình vào Sài Gòn biểu diễn giao lưu với các bạn trong ấy. Cặp sinh đôi Việt Hùng- Việt Cường thì cùng Khắc Tâm làm thành tam ca nam hát Khăn quàng thắm mãi vai em giọng trong vắt, phong cách điệu đà.

Có một thời như thế… ảnh 4 Ngôi sao nhỏ Hồng Loan cùng Đoàn Nghệ thuật Măng Non của Hà Nội có kỷ niệm giao lưu khó quên với các bạn ở Nhà Văn hóa Thiếu nhi TPHCM năm 1980

Một người cũng có phong độ ngôi sao từ bé là Trần Phan Chung Thủy, hiện là PGS.TS, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM, Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam. Còn Mai Thu Thủy nổi như cồn với bài hát tiếng Nga Nâng cốc, sau làm Trưởng Khoa Piano Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Chính là “tập 1” của diễn viên Trần Lực.

Quỳnh Anh, đóng Thùy Dương em gái Ngọc Hà phim Em bé Hà Nội, tôi đọc Facebook thấy vẫn nghịch như ngày nào. Một đứa cũng nghịch như giặc là Hà Thanh, con gái vợ chồng nghệ sĩ Bích Lân- Huỳnh Điệp ở Đoàn cải lương Chuông Vàng. Nghe đâu cả gia đình vượt biên từ lâu…

Có một thời như thế… ảnh 5 Top 4 ấn tượng của Đội Họa Mi: Tuyết Hằng, Mai Lan, Chung Thủy, Hồng Loan (từ trái qua)

Rồi vì cùng sinh hoạt câu lạc bộ với Xuân Hoa, cháu ruột nhà chính trị- Bộ trưởng Xuân Thủy nên tôi mới có dịp khám phá khu vườn rộng đẹp của ông, cạnh trường Trưng Vương. Hà Nguyệt Thu nhà cũng ở Lý Thường Kiệt thì là đứa vẫn lanh lảnh trên đài “Đây là buổi phát thanh Nhi đồng Hồ Chí Minh” mà tôi trêu là “chua như cứt mèo”, cũng đọng lại trong ký ức tuổi thơ suốt ngày nghe đài của mình. Và ảnh của mình thì chả nhớ đâu nhưng lại nhớ bức ảnh con bé Trà Ly ngồi bên Anh hùng Phi công Liên xô Gherman Titov tại cuộc mà chúng tôi hát chào mừng ông đến thăm Cung.

Vân vân. Những gương mặt bé nhỏ ấn tượng nên nhớ dai hay vì hồi đó ít trò quá? Hoặc mỗi gương mặt đều phản chiếu tuổi thơ của chính mình và hành trình thơ ấu của bọn trẻ Hà thành một thuở nói chung, nên không nhớ mới lạ.

TUỔI THƠ BỚT DỮ DỘI

Đó là cái thời cả Hà Nội giống cuốn phim đen trắng pha màu cỏ úa (màu bộ đội). Bố mẹ mải lo áo cơm nên không quá quan tâm con cái. Hàng xóm của ai không biết chứ của tôi, ác mộng! Cho nên những tháng ngày được học hát học nhạc, biểu diễn, giao lưu bạn bè khắp Hà Nội, mặc đẹp ăn ngon (sau các cuộc biểu diễn đều có chiêu đãi phở, bánh mì pa-tê…) khiến tuổi thơ của chúng tôi có những chặng phong lưu hẳn. Bớt đi độ “dữ dội”. Suýt nữa thì là “tuổi thơ dữ dội”.

Có một thời như thế… ảnh 6 Kỷ niêm tuổi thơ của Trà Ly- ngồi bên Anh hùng Phi công Vũ trụ Liên xô Gherman Titov trong chuyến ông đến thăm Cung Thiếu nhi Hà Nộ

Ấn tượng khó phai nữa là về những người thầy tuyệt vời, tiếng tăm: Anh Đặng Hùng người đẹp và duyên bên Đài Tiếng nói Việt Nam TNVN, được Cung mời dạy Hợp xướng Lớn, nhạc sĩ Vũ Tự Lân dạy Hợp xướng Bé còn chị Minh Cầm bắt nhịp. Minh Cầm mũi cao như Tây phong cách cũng Tây, là nữ Chỉ huy Giao hưởng hiếm hoi của Việt Nam nên sau này có dịp là tôi hỏi thăm nhạc sĩ Phú Quang- cũng xuất thân Chỉ huy Giao hưởng- về người đẹp tuổi thơ của mình. Phú Quang cho biết, Minh Cầm cũng vào Sài Gòn lập nghiệp rất sớm. Hoàng Ly- người đẹp trong mộng khác của tuổi thơ tôi, vợ đầu của nhạc sĩ Hồng Đăng thì đệm piano rất hay cho các buổi học của chúng tôi.

Có một thời như thế… ảnh 7 Đội Nghi Thức chào mừng 21 năm Quốc khánh Tiệp Khắc. Cầm đũa chỉ huy là Trung tá Đinh Ngọc Liên, Đoàn trưởng Đoàn Quân nhạc (E781, nay gọi là Đoàn Nghi lễ Quân đội). Đinh Ngọc Liên là NSND, Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT năm 2017. Ông được Cung Thiếu Nhi Hà Nội mời xây dựng Đội Nghi Thức và các bài Nghi Thức mà thiếu nhi hay sử dụng

Nhờ có ngày tháng đó mà tôi có những tình bạn “chơi lay lắt” đến giờ với Kim Anh, Kim Ngọc, Tường Vy, Thu Trà... Hoặc Thảo “Mốc” một dạo sống trong khuôn viên Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật 51 Trần Hưng Đạo, tôi hay ám quẻ nhà nó nên hơn một lần thấy Lưu Quang Vũ- Xuân Quỳnh và bé Mí đèo nhau đến chơi. (Chả là bố mẹ Thảo công tác tại Hội cùng mẹ Lưu Quang Vũ). Khi tin dữ ập đến với họ, nhói lòng.

Có một thời như thế… ảnh 8 Kỷ niệm biểu diễn ở rạp Khăn Quàng Đỏ của Tốp ca Đội Họa Mi thập kỉ 70 thế kỉ trước, từ phải qua: Chung Thủy, Mai Lan, Tuyết Hằng, Mai Thu Thủy, Dương Thanh Hương, Lệ, Huệ

Tại lễ kỷ niệm 60 năm Nhà hát Kịch Việt Nam, 2012, gặp NSƯT Thành Lộc tôi đề nghị anh so sánh kịch nghệ miền Bắc với thời đỉnh cao. Thành Lộc muốn nhưng ngại đụng chạm. Tôi bèn ghi điểm bằng cách tả lại hình ảnh niên thiếu của Thành Lộc, ra Hà Nội nhập với các đại biểu nhi đồng “thối tai” ở đây để lên đường dự trại hè quốc tế Artek (Liên Xô), mới tí tuổi đã vô cùng nghệ sĩ, nhảy múa như một vũ công xứ Bạch Dương. Trung niên Thành Lộc trố mắt không nghĩ có đứa còn nhớ ra mình hồi bé, không đề phòng nữa khiến tôi có được bài phỏng vấn gần như ý.

Hơn chục năm trước cho con ghi danh vào lớp Múa, tôi lần hồi thăm lại chốn cũ - này đây là phòng Gương lớn của Đội Múa, rồi những phòng nhỏ có đàn dương cầm của Đội Ca… Và cảm giác chung là thế nào ấy, có phần ái ngại cho bọn trẻ bây giờ, chắc không thể vui như mình ngày xưa dù chúng có thiếu gì đâu. Thế còn bạn có gì để kể, thời oanh liệt của bạn thế nào?

Nhờ có ngày tháng đó mà tôi sớm bộc lộ mối quan tâm đến nghệ thuật và người làm nghệ thuật, thuận lợi viết báo sau này. Sớm tận thấy các nghệ sĩ nổi tiếng trình diễn ở rạp Khăn Quàng Đỏ trong khuôn viên của Cung. Như lần đầu xem người đẹp và tài Đặng Dũng diễn kịch câm là tại đây chứ đâu. Người duyên dáng giới thiệu tiết mục của anh chính là ca sĩ Ái Vân- người yêu sau thành vợ anh. Nhiều gương mặt nổi bật khác nữa. Lớn thì xem Quốc Tuấn diễn Ông không phải bố tôi của Lưu Quang Vũ lần đầu cũng tại đây, diễn rất hay. Kỉ niệm được thưởng thức các phim Liên Xô hay ho tại rạp Khăn Quàng Đỏ cũng nhớ mãi. Tan học trên lớp mò vào rạp phim đang chiếu dở, tối om, dò dẫm lút cút, đành ngồi bệt ở bậc thang lên xuống…

MỚI - NÓNG