Nuôi dưỡng tâm hồn trẻ: Khoảng trống

TP - Văn học nghệ thuật và vui chơi giải trí dành cho trẻ em đang ở đâu - đó là câu hỏi cứ đến mùa hè, Tết thiếu nhi, Tết Trung Thu lại được xới xáo, nhưng hình như chẳng đi đến đâu. Không đi đến đâu cũng phải bàn, chừng nào chúng ta vẫn còn canh cánh nỗi niềm đó: làm sao để con trẻ lớn lên trong hạnh phúc, có một hành trang tinh thần phong phú để vào đời.

Bài 1:  Thiếu vắng những Tô Hoài hiện đại

“Không thể nuôi đứa trẻ lớn chỉ bằng tinh thần và đời sống của Doraemon hay những tác phẩm tương tự”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều nêu quan điểm. Lời cảnh tỉnh điểm huyệt được thực trạng văn học nghệ thuật nước nhà, đặc biệt là văn học ngoại có phần lấn lướt tác phẩm nội.

Lấn át?

Lướt qua bảng xếp hạng Top 10 đầu sách cho thiếu nhi bán chạy nhất hiện nay, thấy sách nội khó có cửa đấu lại những bộ sách đồ sộ như Doraemon, Thám tử lừng danh Conan của Nhật Bản. Những Dế mèn phiêu lưu ký, Búp sen xanh, Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Tuổi thơ dữ dội, Quê nội, Đất rừng phương Nam vẫn bám trụ trong hàng ngũ tác phẩm kinh điển được lựa chọn, nhưng chưa đủ. Thế hệ của những đứa trẻ thời 4.0 cần thêm tác phẩm hấp dẫn lại mang hơi thở thời đại. Sách dịch hiện nay rõ ràng lấn lướt sách nội là vì thế.

Nuôi dưỡng tâm hồn trẻ: Khoảng trống ảnh 1 “Dế mèn phiêu lưu ký” vẫn trụ vững vị trí đầu bảng sách Việt ăn khách mấy chục năm nay

Không chỉ làm thơ cho người trưởng thành, Nguyễn Phong Việt dịch sách cho thiếu nhi, sản xuất phim, phê bình phim nên anh có cái nhìn khá toàn diện về xuất bản phẩm cho trẻ. “Sách ngoại trình bày đẹp, minh họa cuốn hút, câu chuyện có bối cảnh và sự tưởng tượng cực kỳ đa dạng, phong phú… Tất cả đều là lực hút khó cưỡng với những phụ huynh như tôi khi chọn sách cho con. Phải nói thêm là tác phẩm nước ngoài khi được mua bản quyền phần lớn đều đã được chọn mặt đặt tên nên chất lượng nội dung yên tâm, hiếm khi nhầm”, Nguyễn Phong Việt nói.

Nhiều phụ huynh có lẽ đồng cảm với anh Việt, bởi với mảng sách thiếu nhi Việt Nam, các tác giả nổi tiếng ở các thế hệ trước không quá đông, đọc một thời gian là hết, còn tác giả mới toanh thì không tránh khỏi bị nghi ngại. “Sách thiếu nhi trong nước một số cuốn còn gặp các vấn đề về trình bày, hay minh họa yếu- không hẳn xấu nhưng là quá chân phương, mộc mạc, không bắt kịp xu hướng mà trẻ con thời nay yêu thích”, Phong Việt nhận xét.

Bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Kim Đồng- đơn vị hàng đầu về sách thiếu nhi- nêu thực trạng: nếu chỉ tính riêng sách văn học do Kim Đồng xuất bản hẳn 70-80% là sách Việt (tính cả sách khảo cứu văn học). Tuy nhiên ở mảng truyện tranh, 90% là ấn phẩm Nhật Bản, Hàn Quốc. Tỷ lệ sách nội ở mảng kiến thức, khoa học cũng chỉ chiếm 20%.

“Chúng tôi khẳng định mảng sáng tác trong nước luôn được quan tâm và đầu tư. Phần lớn tác giả cộng tác với Kim Đồng đều hài lòng vì sách được biên tập kỹ lưỡng, đầu tư bìa đẹp, minh họa ngày càng bắt mắt hơn. Trong khi người mua chưa có thời gian tìm hiểu sâu về nội dung thì bìa đẹp cũng được độc giả quan tâm”, bà Quỳnh Liên nói. Biên tập viên lâu năm này cũng nhận thấy khâu truyền thông của “nhà” mình chưa đến nơi đến chốn, sách tốt chưa thể tới tay đông đảo độc giả.

Thất thế vì đâu?

Mỗi năm, Kim Đồng tái bản nhiều lần và bán khoảng 25 nghìn bản Dế mèn phiêu lưu ký cho các phiên bản từ sách chữ, truyện tranh, song ngữ, hoạt hình. Nhiều cuốn sách mới bán chừng 2.000-3.000 bản/năm. Sách kinh điển như Dế mèn phiêu lưu ký vẫn bán tốt, dẫu vậy đơn vị này luôn trăn trở tìm thêm tác phẩm mới. Một số tín hiệu vui bắt đầu le lói, chẳng hạn Xóm bờ giậu của Trần Đức Tiến viết đã lâu, nay có bổ sung, hình thức thể hiện mới, NXB đầu tư minh họa đẹp hơn nên bắt đầu được tái bản hằng năm. Cúc dại và tia nắng của Dy Duyên cũng có nội dung tốt, trình bày đẹp. Ấy là người trong nghề nắm rõ, còn độc giả bình thường nhìn vào thấy sách nội chất lượng còn thưa thớt.

Nuôi dưỡng tâm hồn trẻ: Khoảng trống ảnh 2 Thiếu vắng những Tô Hoài thời hiện đại - Ảnh: KỲ SƠN 

“Sách kinh điển bán chạy vì có sự định hướng của thế hệ đi trước. Tác phẩm mới thì họ chưa đọc nên thường họ chọn an toàn. Chúng tôi ngồi với nhiều đơn vị trong đó có NXB Trẻ, đặt vấn đề nghiêm túc: Trẻ con giờ quan tâm tới 4.0, trí tuệ nhân tạo, vì thế tác phẩm văn học cũng phải mang hơi thở đương đại, thay vì câu chuyện về vùng quê, chiến đấu hay chuyện sinh hoạt đời thường. Việt Nam thiếu hẳn mảng khoa học, văn học giả tưởng. Nhiều tác giả Việt vẫn đang bám vào thế mạnh viết chuyện sinh hoạt thay vì dấn thân vào mảng hóc búa hơn”, bà Vũ Quỳnh Liên phân tích.

Lực lượng viết sách cho thiếu nhi thiếu hụt thấy rõ. Hiếm cây viết nào đều đặn ra sách, được đón nhận như Nguyễn Nhật Ánh. Tuy thế, tác giả Kính vạn hoa vẫn đứng trong vùng an toàn, lựa chọn đề tài nghiêng về sinh hoạt hay những câu chuyện đồng quê xa lạ với lớp trẻ thành thị. 

Chưa bao giờ văn học lại trở nên cần thiết như lúc này - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều nhận định trong dịp ký kết hợp tác về văn học giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Cục Nghệ thuật Biểu diễn mới đây. Xã hội chứng kiến bao câu chuyện đau lòng về suy đồi đạo đức. Trẻ em ngày một xa rời những điều tốt đẹp, người lớn cũng vậy. Nguyễn Quang Thiều cho rằng, một trong những nguyên nhân sâu xa là sự thiếu vắng tác phẩm văn chương phản ánh đúng, sâu sát về thế hệ ngày nay. 

Chiến lược dài hạn

“Văn chương là con đường cô độc, tuy nhiên tôi nghĩ nếu các tác giả biết cộng đồng đang chờ họ, biết đâu các trang viết sẽ khác hơn, lớn lao hơn. Tôi từng lên tiếng về hiện tượng “siêu thị cho trẻ con”- nghĩa là người lớn dỗ trẻ con: ngoan sẽ được cho đi siêu thị. Điều đó chứng tỏ đời sống tinh thần nghèo nàn, thiếu không gian văn hóa, không gian thiên nhiên và giáo dục thẩm mỹ cho trẻ. Chính điều này làm nên sự thiếu hụt về tinh thần, sự chia sẻ và cảm thông trong xã hội. Tôi nghĩ chúng ta nên bắt đầu từ bây giờ để 10, 20 năm hay thậm chí trăm năm sau có được những công dân tốt đảm bảo giữ gìn giá trị chúng ta để lại”, Nguyễn Quang Thiều nói.

Cục Nghệ thuật Biểu diễn và Hội Nhà văn Việt Nam hướng tới chiến lược dài hạn về sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, trong đó có xây dựng đề án “Nâng cao năng lực về sáng tác và lý luận phê bình văn học nghệ thuật giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn 2030”, đề án “Trao Giải quốc gia về văn học nghệ thuật dành cho trẻ em”.

“Viết cho thiếu nhi rất khó, đòi hỏi trải nghiệm nhiều, trí tưởng tượng phong phú. Ngoài ra người viết cho trẻ con không được chú ý, không nổi tiếng bằng viết cho người lớn. Đó là những lý do tôi nghĩ lực lượng tác giả viết cho thiếu nhi ở Việt Nam thiếu hụt đáng kể”

Nhà thơ NGUYỄN PHONG VIỆT 

MỚI - NÓNG