Có một con phố Hồ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Các bậc đàn anh đàn chị của báo Tiền Phong, người còn người mất chắc đều có một quá vãng tày tặn về con phố Hồ Xuân Hương này. Lứa hậu sinh như tôi, dù gì 15 Hồ Xuân Hương cũng gần 50 năm một chốn đi, về…

*

* *

May mắn do công việc và quen biết mà những năm xa ấy, khi thì tất tả khi thì thong dong, nhung nhăng (chữ của nhà văn Tô Hoài) lúc thì nghiêm ngắn hầu chuyện lẫn hậu việc 2 bậc tiên chỉ Hà Thành. Nhà văn Tô Hoài và nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc.

Lần ấy, cụ Nguyễn Vinh Phúc đương còn mạnh sức, buổi mời cụ đến báo Tiền Phong làm việc, lúc tiễn cụ về, cụ bỗng rủ tôi sải một vòng quanh hồ Thiền Quang kế ngay mé trái Tòa soạn.

Có một con phố Hồ ảnh 1

Con phố Hồ Xuân Hương và Tòa soạn báo Tiền Phong

Có một con phố Hồ ảnh 2

Chuyện gần chuyện xa. Có cảm giác buổi ấy tôi như được song hành với một pho sử sống! Một cuốn tự vị độc đáo?

Cứ như chất giọng của cụ Vinh Phúc khi nhẩn nha khi gấp gáp thì con hồ Thiền Quang có tên chữ hẳn hòi. Thiền Quang là "đạo sáng". Là ánh sáng của thiền. Tên ấy vốn được đặt theo cái danh làng Thiền Quang.

Cứ như tài liệu của cụ Nguyễn Vinh Phúc cung cấp thì đại loại như này. Ngó bản đồ Hà Nội ấn hành năm 1831 thì hồ Thiền Quang có tên là Liên Thủy, rộng hơn hồ bây giờ nhiều! Mé Tây giáp phố Yết Kiêu ngày nay. Đằng đông ăn lấn cả vào vị trí phố Nguyễn Bỉnh Khiêm. Mạn bắc xoài tới phố Trần Quốc Toản và phía nam thì thông với hồ Bảy Mẫu.

Quanh hồ có làng Liên Thủy ở phía bắc và tây, làng Thiền Quang ở phía đông nam (đầu phố Nguyễn Đình Chiểu), làng Quang Hoa ở Tây Nam và Pháp Hoa ở phía nam.

Thời Pháp, hồ bị lấp dần để xây phố và có hình dạng ổn định từ năm 1930.

Phía phố Trần Bình Trọng, tên thời Pháp là Đơ-loóc-mơ (rue Delorme) có cụm ba ngôi chùa Thiền Quang, Quang Hoa và Pháp Hoa nằm cạnh nhau, ở số nhà 31-33. Chùa của làng Liên Thủy bị phá năm 1926, vốn nằm tại vị trí số nhà 62 phố Nguyễn Du.

Phố Nguyễn Du trước kia gồm ba phố: đoạn đầu từ phố Huế đến Quang Trung là phố Ri-ki-ê (rue Riquier) đoạn giữa dọc theo hồ là phố Ha-Le (nên con hồ Thiền Quang một thời có tên là Ha - Le) đoạn cuối từ Trần Bình Trọng đến Lê Duẩn là phố Đuy-phuốc (Rue Defourcq).

Phố Thiền Quang trước kia cũng là một phần của hồ, do Pháp lấp và lấn hồ năm 1920-1925, đặt tên là phố Cơ-rê-vốt (rue Crévost).

Phố Trần Nhân Tông chạy dọc phía bờ nam của hồ, vắt qua công viên Thống Nhất và rạp xiếc Trung ương, vốn là phố Công sứ Mi-ri-ben (rue Résident Miribel) đổi tên sau 1945.

Phố Quang Trung bên bờ đông có tên thời Pháp là đại lộ Jauréguiberry.

Phố Hồ Xuân Hương đâm từ đoạn cuối Quang Trung ra phố Bà Triệu, vốn cũng là phần của hồ được lấn ra năm 1920, với tên phố là Gia-bui (Rue Jabouille)

So vào bản đồ Hà Nội 1831 thì phố Hồ Xuân Hương là một phần của hồ Thiền Quang. Cho tới tận đầu thế kỷ XX thì chỗ phố Hồ Xuân Hương vẫn còn là hồ. Đến khoảng 1920 mới được lấp để lập phố.

Năm 1945 ông Trần Văn Lai, Thị trưởng thành Hà Nội dưới trào Trần Trọng Kim đổi tên Tây Rue Jabouille ra tên phố Hồ Xuân Hương. Đã nhiều những đổi thay xáo trộn của việc đổi tên đường phố sau này, nhưng cái tên Hồ Xuân Hương vẫn vẹn nguyên lành lặn đến ngày nay!

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương, con một ông đồ người làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông này ra Bắc dạy học, lấy vợ người Hải Dương, sinh Hồ Xuân Hương tại phường Khán Xuân, thành Thăng Long (tương ứng với khu vực vườn Bách Thảo ngày nay). Bà sống vào khoảng đời hậu Lê (cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX) không rõ năm sinh năm mất. Bà được mệnh danh là Bà Chúa Thơ Nôm nổi tiếng văn chương trào lộng, châm biếm. Thơ bà được truyền tụng rộng rãi trong dân gian.

Năm 1954, từ chiến khu Việt Bắc về tiếp quản Thủ Đô, bộ sậu 6 người của Tiền Phong do Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Lam phụ trách gồm những cán bộ phóng viên như Tôn Đức Lượng, Mai Nam, có thêm anh cán bộ Đoàn trẻ Đỗ Cao Đáng mới ở tỉnh Đoàn Phú Thọ chuyển về (sau này là Phó TBT báo Tiền Phong). Tất cả tá túc tạm ở Nhà thương Đồn Thủy (Bệnh viện 108) ít ngày. Sau chuyển về 64 Bà Triệu. Lại rời tiếp về nhà số 3 phố Hồ Xuân Hương. Lại rinh tiếp về phố Phùng Hưng. Tiếp nữa, Báo lại chuyển cư đến 45 Hàm Long. Mãi đầu năm 1960 mới chính thức về 15- Hồ Xuân Hương!

Nhớ một thời trao đổi địa chỉ biên thư với bạn bè cứ làu thuộc cụm từ “ Báo Tiền Phong 15- Hồ Xuân Hương Hà Nội. Thư không phải dán tem”

*

* *

Mà lạ, hàng xóm của nhà 15- Hồ Xuân Hương trú ngụ, tinh những người tài?

Bên trái đầu Hồ Xuân Hương áp phố Quang Trung mé hồ Thiền Quang tọa lạc cơ ngơi nhà sưu tập tranh danh giá Đức Minh. Phòng làm việc tôi ngồi trên gác gần như thông thống ngó xuống cái sân nhà Đức Minh. Hình ảnh quen thuộc ông chủ Đức Minh thân hình đẫy đà có bộ ria đậm thư thả sải bộ mỗi chiều. Và anh con trai của cụ (hay chị chả biết?) là liền ông nhưng để tóc rõ dài. Mỗi khi ra ngoài phấn son rất điệu!

Bây giờ ngôi biệt thự cùng ông chủ Đức Minh đã biến mất. Thay thế một tổ hợp sáng choang nhôm kính của cơ quan ngân hàng. Và đang ở đâu những bộ sưu tập tranh danh giá nổi tiếng ở Hà Thành một thuở một thời?

Đối diện là nhà tướng Chu Văn Tấn và ông Ủy Ban thường vụ Quốc hội Trần Đình Tri.

Nhà tướng Chu Văn Tấn với đám PV trẻ chúng tôi những năm xa thời bao cấp và sau này nữa, có lắm chuyện vui buồn. Con trai tướng Tấn là Chu Thành chơi thân với đám chúng tôi. Mà những chuyện ấy, tôi đã viết trên nhiều báo. Khỏi nhắc lại ở đây!

Mé bên phải, nhà số 13 áp tường với Tòa soạn, ngôi nhà đã gây cho tôi một chuyện bẽ bàng. Chuyện nhớ đời.

Nhà ấy nguyên ủy là nhà khách Trung ương. Rồi nghe nói đã thay tên đổi chủ. Việc đổi chủ ấy tuy là hàng xóm nhưng tôi đâu có quan tâm!

Lần ấy gặp cụ nhà văn Kim Lân. Cụ bảo vừa tới thăm nhà bà quả phụ Tố Hữu ở Phan Đình Phùng. Trong câu chuyện, tôi như lây cái nỗi buồn khi cụ thuật lại lời phàn nàn của cụ bà, rằng, gia đình bà đã trả lại ngôi biệt thự 76 Phan Đình Phùng cho Nhà nước rồi. Vậy nên chỗ thờ cúng nhà thơ Tố Hữu phải chuyển về nhà con gái rất chật hẹp bất tiện. Giá mà trên cấp cho gia đình bà một ngôi nhà khác có chỗ thờ cúng?

Tôi như cũng lây cái bức xúc của cụ Kim Lân. Tức tốc đến gặp bà quả phụ Tố Hữu thì quả đúng như cụ Kim Lân đã nghe.

Về nhà có ngay một bài báo trên Tiền Phong Chủ nhật.

Báo vừa ra buổi sáng thì buổi trưa chất giọng Huế trầm cố hữu của ông Nguyễn Khoa Điềm khi ấy là Trưởng Ban Văn hóa tư tưởng vang lên trong tổ hợp điện thoại của Tổng Biên tập Dương Xuân Nam tựa hồ như tiếng sét.

“Các ông lộn (nhầm) rồi! Bị lừa rồi!”

Nhầm. Lừa?

Sau hỏi ra mới biết ngôi biệt thự áp vườn với Tòa soạn, Nhà nước đã cấp cho gia đình nhà thơ Tố Hữu. Cũng đã cấp sổ đỏ, nhưng gia đình lại đem cho một cơ quan nước ngoài thuê ít lâu nay!

Câu chuyện bẽ bàng này tôi cũng đã viết. Lại khỏi nhắc lại. Những kiểm điểm, nhận lỗi, tất nhiên. May mà việc cũng qua.

Bây chừ, mỗi khi ngó sang nhà hàng xóm. Ngôi biệt thự ấy nay cũng đã lại sang tên đổi chủ. Người ta đã đập đi ngôi nhà nguyên đã cấp cho nhà thơ Tố Hữu. Một tổ hợp hoành tráng của ông chủ AVG đã sừng sững mọc lên.

Phố Hồ Xuân Hương phía gần phố Bà Triệu có một vị “Nam quốc kỳ nhân” cư ngụ.

Đó là gia đình GS Phạm Huy Thông.

GS Sử học Phan Huy Lê thì tóm tắt về GS Phạm Huy Thông như này.

Bên cạnh sự thông tuệ của một nhà khoa học với những kiến thức liên ngành thấu đáo, bên cạnh tầm nhìn xa của một nhà quản lý, Phạm Huy Thông còn là hiện thân của chất nhân văn, sự lịch lãm được kết tinh giữa Hà Nội với Paris hoa lệ.

Một ngày nóng nực năm 1988. Tôi đi công tác Quảng Ninh hơn tuần về thì cái con phố hiền lành yên tĩnh Hồ Xuân Hương vẫn còn váng vất những xầm xì về vụ án mạng khủng khiếp. Thủ phạm đã lẻn vào nhà GS Phạm Huy Thông thừa lúc ông sơ ý đã ra tay thủ ác giết chết GS.

Cái chết đã mang GS đi ở tuổi 72 với bao nhiêu bí mật của một vụ án bí ẩn!

Hồ Xuân Hương!

Gần thì thường thôi! Nhưng xa thì… nhớ.

Con phố Hồ Xuân Hương chỉ dài 210m, rộng 8m hơi cong một chút. Thi sĩ Xuân Diệu lần ấy đến báo Tiền Phong nói chuyện. Cuộc tụ mãn, thi sĩ dùng dằng trước cửa 15 - Hồ Xuân Hương cầm tay nhà thơ trẻ Phan Cung Việt, khoát tay về phía cong của phố, cười “cái eo này lượn điệu lắm nhá. Điệu đà ngoa ngoắt sắc nước hương trời. Khéo ai đặt tên cho phố” Câu nói vui ấy đâm ấn tượng với nhà thơ trẻ. Sau này mỗi khi hoàn thành một bài viết và cả thơ nữa, Phan Cung Việt thường hào hứng ghi phía chót bài cụm từ, Phố Hồ chót thu hay đầu xuân hoặc giữa đông… chi chi đó!

MỚI - NÓNG
Bạn trẻ miền Tây xuyên nghỉ lễ hỗ trợ nước ngọt giúp người dân mùa hạn mặn
Bạn trẻ miền Tây xuyên nghỉ lễ hỗ trợ nước ngọt giúp người dân mùa hạn mặn
TPO - Không quản nắng nóng, ngày nghỉ lễ, các bạn trẻ, thanh niên tình nguyện ở Đồng bằng sông Cửu Long miệt mài tiếp nước giúp người dân vượt qua khó khăn trong mùa hạn mặn. Người già neo đơn được các bạn mang nước đến tận nhà. Hình ảnh màu áo xanh có mặt khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn đã tạo ấn tượng đẹp trong lòng người dân.