Chị Nguyễn Thị Lành (SN 1988) hiện là Giám đốc công ty. Chị đã nghỉ công việc ổn định trong ngành Bưu chính viễn thông sau gần chục năm gắn bó, để thực hiện ước mơ khởi nghiệp bằng mô hình sản xuất trà thảo mộc từ các giống cây quen thuộc trong vườn các gia đình.
Chị Lành cho biết, nhiều loại cây quen thuộc trong vườn các hộ gia đình giúp ích cho sức khỏe như cây đinh lăng, tim sen giúp trị mất ngủ; cà gai leo, bí đao có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mát gan; khổ qua và dây thìa canh dành cho người ăn kiêng và bị bệnh đái tháo đường... Tuy nhiên, việc sử dụng chưa tận dụng hết giá trị hay lãng phí nhiều bộ phận của cây. Chẳng hạn, cây đinh lăng thường được dùng phần rễ, còn lá và thân cây có nhiều dưỡng chất tốt lại bị bỏ đi.
"Tôi đã luôn trăn trở, mong muốn sử dụng tối đa các cây có tính dược liệu thành những sản phẩm thảo mộc vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng, vừa nâng cao sức khỏe cho người dùng", chị nói. Bên cạnh đó, ý tưởng khởi nghiệp của chị có thêm điểm tựa từ chồng với kiến thức, kinh nghiệm 3 năm học tập, nghiên cứu tại Nhật về cách làm nông nghiệp và chế biến nông sản sạch.
Chị Nguyễn Thị Lành (bên trái ảnh) bên gian hàng tại hội chợ thanh niên. Ảnh: NVCC |
Chị đã kết nối, hỗ trợ người dân xây dựng vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời đầu tư xây dựng hệ thống dây chuyền sản xuất. Tháng 5/2020, chị thành lập công ty, giới thiệu ra thị trường 6 sản phẩm trà thảo mộc gồm trà tim sen, trà đinh lăng, trà khổ qua, trà dây thìa canh, trà cà gai leo, trà bí đao, trà bưởi.
Để đưa sản phẩm và thương hiệu ra thị trường, chị đã kết nối với Sở Công Thương, Hiệp hội các doanh nghiệp của tỉnh Ninh Bình, cùng tham gia các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên khắp các tỉnh thành. Đồng thời, liên kết với hệ thống các siêu thị, các điểm phát lương hưu, điểm thu tiền điện của Bưu chính viễn thông, Đoàn thanh niên các xã, thị trấn để kí kết hợp đồng bán và giới thiệu sản phẩm.
Đến nay, các sản phẩm của công ty đã tiếp cận thị trường 42 tỉnh, thành trên cả nước với 180 đại lý, điểm kinh doanh; được công nhận là sản phẩm OCOP của huyện Kim Sơn và của tỉnh. Hiện, chị Lành tiếp tục mở rộng quy mô, cũng như phát triển thêm nhiều sản phẩm thảo mộc khác như mật ong sú vẹt.
Chị Lành cho biết, bình quân mỗi năm, công ty liên kết sản xuất, tiêu thụ từ 25.000 - 30.000 sản phẩm. Công ty đang tạo việc làm ổn định 15 nhân công là người địa phương và nhiều công việc thời vụ.
Bên cạnh thực hiện ước mơ khởi nghiệp, chị Lành còn tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ, truyền cảm hứng đến nhiều người trẻ khác khởi nghiệp, lập nghiệp; hỗ trợ những người trẻ từng lầm lỡ vững bước trên con đường hoàn lương. Trong vai trò Chủ nhiệm CLB Đầu tư và khởi nghiệp huyện Kim Sơn, chị Lành đã phối hợp với các tổ chức Đoàn, Hội tổ chức nhiều hoạt động chia sẻ, tư vấn; tham quan trải nghiệm nông nghiệp...
Với thành công phát triển mô hình sản xuất trà thảo mộc, chị Lành là một trong những gương thanh niên tiêu biểu của Ninh Bình làm giàu trên quê hương. Cùng với nhiều sản phẩm, mô hình thanh niên khởi nghiệp, sáng tạo khác, mô hình của chị Lành được giới thiệu tại Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Ninh Bình lần thứ XIV nhiệm kỳ 2022 - 2027. Ban Tổ chức Đại hội cũng lựa chọn hai sản phẩm trà đinh lăng và trà tim sen từ công ty chị Lành làm quà tặng tại Đại hội.
Anh Trịnh Như Lâm (ngoài cùng bên trái) nghe giới thiệu sản phẩm mô hình khởi nghiệp của chị Lành được trưng bày ở gian hàng thanh niên phát triển kinh tế trong khuôn khổ Đại hội Đoàn huyện Kim Sơn lần thứ XIII nhiệm kỳ 2022 - 2027. Ảnh: TĐNB |
Anh Trịnh Như Lâm - Bí thư Tỉnh Đoàn Ninh Bình cho biết: Trong nhiệm kỳ 2017 - 2022, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Ninh Bình đã phối hợp với các sở, ban, ngành tập trung chỉ đạo, triển khai các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn, giống cây trồng, con nuôi cho thanh niên phát triển kinh tế.
Đặc biệt, đã giải ngân 30 tỷ đồng theo tinh thần Nghị quyết số 43 của HĐND tỉnh cho 617 mô hình, dự án của đoàn viên thanh niên để khởi nghiệp, mở rộng sản xuất kinh doanh. Từ đó xuất hiện nhiều mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã đạt hiệu quả kinh tế cao, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương như: Trang trại Trồng Nấm Đông trùng hạ thảo, mô hình HTX Sinh Dược; mô hình nuôi trồng tảo xoắn Ninh Bình, dược liệu Yên Sơn, HTX cây công trình Tam Điệp..