Chàng trai làm xà phòng từ cây dược liệu

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Sư phạm mỹ thuật nhưng Nguyễn Đào Quy Tân (31 tuổi, ngụ quận Ô Môn, TP Cần Thơ) lại quyết định về quê khởi nghiệp làm xà phòng từ những cây dược liệu xung quanh nhà.

Năm 2018, Nguyễn Đào Quy Tân cho ra những mẻ xà phòng đầu tiên, với 4 loại sản phẩm, gồm: nghệ, trà xanh, quế và chanh bạc hà dành cho người có làn da mẫn cảm.

Tân kể, ban đầu cậu làm xà phòng để bản thân sử dụng. Cậu hay bị dị ứng da, nổi mẩn đỏ, ngứa khi sử dụng các loại xà phòng, dầu gội, mỹ phẩm bán trên thị trường. Sau đó Tân chia sẻ sản phẩm cho một vài người bạn. Thấy bạn bè phản hồi tốt nên cậu quyết định làm thêm nhiều sản phẩm để cung cấp cho những ai có nhu cầu. Biệt danh Tân “xà phòng” được nhiều người gắn cho cũng ra đời từ đây.

Chàng trai làm xà phòng từ cây dược liệu ảnh 1

Anh Nguyễn Đào Quy Tân và những bánh xà phòng thảo dược tự tay làm Ảnh: Kim Hà

Để tối ưu hóa sản phẩm, Tân mất rất nhiều thời gian để dày công nghiên cứu các tài liệu về cây dược liệu. Cuốn “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của GS. Đỗ Tất Lợi được Tân coi là sách “gối đầu giường”. Ngoài ra, Tân tìm hiểu thông tin trên mạng và học hỏi kinh nghiệm, kiến thức từ những anh chị đi trước.

“Tôi phải mất nhiều tháng trời vừa làm, vừa học hỏi mới có được những bánh xà phòng như ngày hôm nay. Thời điểm phải bỏ nhiều tiền trả giá cho những thất bại ban đầu khiến tôi gặp nhiều khó khăn”, Tân chia sẻ.

Mới đây, Tân cho ra mắt sản phẩm xà phòng từ lá sen có công dụng ngừa rôm sẩy, mát da, ngừa mụn viêm,... được nhiều người yêu thích. Để thực hiện sản phẩm này, Tân đến những ao sen được trồng ở quê, thu mua lá. Lá sen được chọn là lá bánh tẻ, không già quá, cũng không non quá. Sau đó, đem phơi trong mát, để khô và đem sấy nghiền phối trộn thêm nguyên liệu để cho ra sản phẩm.

Trong khó khăn, Tân nhận thấy cách làm xà phòng theo kiểu truyền thống là đúng hướng. Cách làm xà phòng phổ biến là sử dụng phôi đem nung chảy rồi phối trộn nguyên liệu. Còn làm truyền thống mất nhiều công sức hơn, không sử dụng phôi, mà chỉ dùng dung dịch NaOH kết hợp dầu nền, thảo dược. Sau đó, phối trộn theo tỉ lệ, cô đặc sản phẩm, rồi để khô trong vòng 24 giờ mới cắt thành khuôn và tiếp tục để thêm khoảng 4 tuần mới có thể sử dụng.

Tuy nhiên, với cách làm truyền thống của Tân, xà phòng có thể sử dụng được đến 1 năm thay vì 6 tháng như loại thông thường. Hơn nữa, cách làm này dễ dàng phối hợp nhiều loại dược liệu với nhau, tạo ra nhiều mùi hương đa dạng. Đến nay, đã có hàng chục loại dược liệu như: Quế, hoa cúc, đinh hương, bạc hà, diếp cá, nghệ, dâu tằm, sả, chanh,... được Tân sử dụng để làm xà phòng.

Tân đã cho ra đời gần 20 loại xà phòng dược liệu. Mỗi tháng, có hơn 100 sản phẩm được làm ra, có giá dao động từ 75 - 85 ngàn đồng/bánh/115gram. Xà phòng dược liệu của chàng trai 9X đang được các cơ sở làm đẹp rất ưa chuộng. Ngoài ra, Tân còn phân phối qua kênh online với lượng khách hàng ổn định.

MỚI - NÓNG
Vì sao từ khóa phông bạt vào đề văn lớp 10?
Vì sao từ khóa phông bạt vào đề văn lớp 10?
TPO - Đề văn của một trường THPT tại TPHCM ra yêu cầu ngắn gọn: "Hãy viết bài văn nghị luận bàn về lối sống phông bạt của giới trẻ hiện nay". Một số phụ huynh nhận định đề thi thú vị, mang tính thời sự. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng từ "phông bạt" xuất hiện trong đề thi là không phù hợp.