Cô gái 23 tuổi lập kỳ tích tại giải thổi sáo quốc tế
> Quá khứ nghèo khó của nữ DJ gợi cảm
> Hot girl bí mật trong clip thầy Khắc Hiếu
Giữa tháng 10-2013, cuộc thi sáo flute quốc tế diễn ra tại Nam Ninh Trung Quốc đã xướng lên cái tên Nguyễn Ly Hương ở ngôi vị cao nhất, vượt qua 78 đối thủ Trung Quốc là các tay sáo giàu kinh nghiệm của các dàn nhạc lớn, có người còn đang là giảng viên đại học.
Nữ sinh viên 23 tuổi này cũng là người đầu tiên đã mang giải quốc tế về cho bộ khí gõ của âm nhạc cổ điển Việt Nam.
Nguyễn Ly Hương. |
Để đạt được thành tích này, Ly Hương đã trải qua những ngày luyện tập cật lực. Vẫn còn e dè khi nhắc lại, nhưng cô cũng đã chia sẻ khá chi tiết về 3 tuần gian khổ chuẩn bị cho cuộc thi và những ngày thi đầy hồi hộp tại Nam Ninh, Trung Quốc.
3 tuần tập luyện, đánh bại 78 thí sinh Trung Quốc
Chỉ có 3 tuần để tập luyện với 5 bài thi, bao gồm cả sonata và concerto rất khó. Làm thế nào mà em có thể tập xong?
- Nói chung đó là cả một quá trình gian nan, bây giờ nghĩ lại em vẫn sợ (cười). Thông thường, một cuộc thi quốc tế sẽ được báo về trước khoảng nửa năm đến 1 năm. Lần này không hiểu sao BTC Trung Quốc báo về gấp quá, em đã phân vân không biết có nên thi hay không. Nhưng các cuộc thi về flute rất hiếm, không phải lúc nào cũng có để mình tham gia thử sức. Bố mẹ và thầy cô cũng động viên, nên rốt cục em nghĩ mình phải lao vào, không cần biết là được giải hay không được giải.
Ngày 17-9 em nhận lời thi, ngày 10-10 đã thi rồi, nên trong 3 tuần đó chỉ biết tập thôi. Lúc đó mỗi ngày em tập 10 đến 12 tiếng, thậm chí còn hơn. Sau tuần tập đầu tiên, ngón tay sưng lên vì đau, không cầm được sáo nữa. Ban ngày tập, ban đêm em ngâm tay vào thuốc bắc, uống thêm thuốc tăng lực... cứ thế cho đến ngày đi thi. Đến lúc về lại Việt Nam là vừa tròn một tháng.
Nhưng số lượng bài thi lên tới 5 bài, có cả concerto và sonata, chơi cả 3 chương... thì thực sự là quá đồ sộ so với thời lượng 3 tuần. Em đã phân bổ thời gian tập luyện như thế nào?
- Có 3 bài là mới hoàn toàn, còn 1 sonata và một bài nhỏ thì em đã từng đánh cách đây 4-5 năm, rất lâu rồi.
Cái khó nhất mình phải lao vào tập trước. Trong 2 tuần đầu em tập bài mới - concerto bắt buộc của Mozart. Đây cũng là bài khó nhất và nặng nhất, chỉ học một chương thôi cũng mất một học kỳ rồi huống hồ em phải chơi tới 3 chương. Trong 2 tuần đầu gần như em chỉ tập mỗi bài đó, các bài kia có tập nhưng không tập nhiều. Đến tuần cuối cùng (tuần thứ 3 trước khi thi), em mới xoay lại những bài kia và ôn lại tất cả. Em học đến nỗi có một bài thi ở vòng 1 em đánh thuộc lòng không cần bản nhạc.
Sáo hạng trung đấu với sáo hạng vàng
Những ngày thi ở Nam Ninh đã diễn ra như thế nào?
- Em không nghĩ mình sẽ có giải bởi vì thí sinh của họ rất mạnh. Nhưng có lẽ lúc thi em đã xuất thần (cười), không cảm thấy run, không cảm thấy lo. Lúc bước lên sân khấu, các thầy cô trong đoàn nín thở vì chỉ sợ em đánh sai. Một cuộc thi quốc tế như thế này chỉ cần đánh sai một nốt thôi là hỏng hết
Em gây được ấn tượng ở vòng 1 qua bài của nhạc sĩ Debussy - thuộc thể loại ấn tượng. Giám kháo để ý đến em. Đến vòng 2 khi chơi một sonata khác ở trường phái ấn tượng em cũng được mọi người đánh giá là xử lý bài có chiều sâu.
Sự may mắn đã đến với em. Em nhận thấy, quan trọng nhất là mình bình tĩnh trên sân khấu, không bị phân tâm, không bị run. Khi thổi sáo mà bị run, bị phân tâm là sẽ ảnh hưởng đến tiếng, đến âm thanh, đến ngón tay... sẽ không thể làm tốt được. Thi xong cảm thấy rất thoải mái, em tự nhủ "có được hay không được thì cũng không quan tâm nữa, vì mình đã làm hết sức rồi. Trong lúc tập luyện cũng đã cố hết sức."
Em không nghĩ mình sẽ đạt được giải cao . Đến lúc nhận giải em còn ngỡ ngàng, hoang mang như là đang mơ, không hiểu có đúng mình được giải Nhất không. Anh phiên dịch nói đúng là em được giải Nhất rồi. Em còn phải hỏi lại, có đúng giải này là giải cao nhất không nữa (cười). Cả đoàn cũng hết sức bất ngờ.
Trong vòng 2 có một tác phẩm là bài Trung Quốc. Bài này em đã tập như thế nào? Bời vì chiến thắng được 78 thí sinh Trung Quốc bằng một tác phẩm Trung Quốc thì thực sự là một kỳ tích.
- Đúng là khi ở Việt Nam, bài Trung Quốc đó chỉ được dựng theo đúng logic âm nhạc, tốc độ, to nhỏ... Các thầy cô phân tích trên bản nhạc giấy chứ mình không hề có bản demo để biết ý đồ thực sự của tác giả trong từng câu, từng đoạn như thế nào. Trước lúc thi, em còn đứng trong cánh gà, ghé tai nghe thí sinh Trung Quốc họ chơi bài này để xem có đúng như bài mình đã dựng hay không. May mắn làm sao, bài mình dựng ở nhà đã đúng.
Em thường học một tác phẩm mới như thế nào? Vì các giám khảo Trung Quốc đánh giá em rất hiểu bài.
- Trong phần thi của em có 5 tác giả ở 5 trường phái khác nhau, 5 thời kỳ khác nhau: có thời tiền cổ điển, cổ điển, lãng mạn, ấn tượng, đương đại... Ở trường em có môn Lịch sử âm nhạc, học về các tác giả ở các thời kỳ khác nhau: thời kỳ lãng mạn, thời kỳ cổ điển, thời Baroque.... Những kiến thức đó em đã đều được học, chỉ phải vận dụng vào.
Thí dụ bài Fatasy của thời tiền cổ điển, em phải nghiên cứu cách rung, kỹ thuật rung của sáo thời kì này; hơi thở, cách xử lý rung nhấn ... Trong mỗi tác phẩm em đều nghiên cứu như thế, nắm tính cách của từng tác giả ấy và vận dụng vào sáo thôi. Điều này cũng như nhạc nhẹ thông thường ấy, hát hip-hop thì phải biết luyến láy như thế nào, hát rock thì phải như thế nào...
Tuổi còn trẻ mà em có cách xử lý công việc dựa trên nghiên cứu sâu như vậy?
- Trong âm nhạc, có hơn nhau thì chỉ hơn ở sự tinh tế trong xử lý tác phẩm thôi, chứ nếu chỉ đánh Đồ rê mi pha son thì ai cũng đánh được. Mình phải làm sao để có cách xử lý khác hẳn. Đó mới là cái quan trọng, là cái quyết định cuối cùng, chứ nếu em chỉ đánh sạch sẽ từ đầu đến cuối thì chưa chắc em đã lại với các thí sinh ở bên đó.
Thí sinh bên đó họ rất giỏi, nghe họ đánh mình nghĩ chắc đoàn Việt Nam lần này trắng tay. Kỹ thuật của họ quá tốt, chạy nốt như một cái máy. Mặc dù tốc độ bài rất cao nhưng họ chạy không có một lỗi nào, sạch sẽ, không vấp. Nhưng cũng liến láu chỉ chạy từ đầu đến cuối thôi chứ không có sự sâu lắng hay truyền cảm xúc.
Trong cuộc thi này cũng thế, có thể nói các thí sinh Trung Quốc có thể còn giỏi hơn em nhiều lắm, nhưng Ban giám khảo nói, em để lại được ấn tượng riêng biệt, bởi vì bài của em đã miêu tả được đúng thời kỳ, cái tính chất của bài, làm chủ được sân khấu và gây được cảm xúc của người ta khi nghe bài của mình. Họ cảm thấy nó lôi cuốn, không bị buồn chán. Nhiều tác phẩm khác của Debussy chẳng hạn, nhiều thí sinh cũng chơi bài đó như em, nhưng nghe rất buồn tẻ, chẳng ai quan tâm họ đánh cái gì bởi vì nó cứ đều đều như nhau. Còn bài của em, mọi người nói rằng nghe đúng là nhạc Pháp, rồi đúng của thời kỳ đó, tác giả đó.
Làm nghệ thuật như bọn em, ngoài lý thuyết phải có thực hành nữa. Em cũng may mắn tham dự nhiều buổi biểu diễn, nó tạo cho em thói quen, phong thái đứng trước sân khấu. Em muốn mình không chỉ đứng trên sân khấu và chăm chú vào giá nhạc mà gần như còn phải diễn trong bài. Khán giả còn có cả phần nhìn nữa chứ không chỉ phần nghe. Em muốn tạo một sự hoàn hảo ở trên sân khấu. Em có cách diễn về hơi thở, hay tay mình cầm sáo, hất sáo... Những chi tiết nhỏ nhất đều nghiên cứu để làm.
10 tuổi, một mình từ Quảng Ninh lên Hà Nội học
Em đã đến với flute như thế nào?
- Bố mẹ trước đây đi theo âm nhạc (bố chơi trống trong ban nhạc của Đoàn Thanh niên, mẹ là diễn viên cải lương), nhưng sau khi sinh ra em thì bố mẹ nghỉ và chuyển sang ngành ngân hàng làm kinh tế.
Bố mẹ không bắt, cũng không hướng em theo nhạc, nhưng từ nhỏ em đã thích và có năng khiếu âm nhạc rồi. Năm lớp 4 em tự đi thi vào trường Văn hóa Nghệ thuật Quảng Ninh và đỗ, học organ. Học chưa đầy 1 năm thì Nhạc viện về Quảng Ninh tuyển học sinh, em cũng lại tự đi thi tuyển, và lại đỗ. Em về bảo bố mẹ là con lại đỗ Nhạc viện rồi, bố mẹ hỏi "Con có thật sự thích không, nếu thật sự thích và đam mê thì cho đi". 10 tuổi, em lên Hà Nội học, đi một mình, ở ký túc xá.
Bố mẹ cứ để cho em tự mọi thứ như vậy thôi. Em nghĩ mình có thích thì mới theo lâu dài được, chứ không thích mà bố mẹ bắt ép thì không phát triển được. Khi em học lớp 12 thì bố mẹ quyêt định chuyển lên đây. Gia đình em đã ở Hà Nội được mấy năm nay rồi.
Tại sao từ học organ lại chuyển sang flute?
- Các cô ở Nhạc viện bảo con bé này có cái môi nhỏ nhỏ xinh xinh hay cho đi học flute. Các cô bảo thế thì em theo học thôi chứ thật sự lúc ấy em cũng chẳng biết flute là cái gì. (cười)
Thổi flute thường cần một làn hơi khỏe, thể chất khỏe. Vậy mà cô chỉ chọn em học vì môi xinh thôi à?
- Vâng (cười). Lúc đó em thi năng khiếu (đàn organ) nên đỗ thôi chứ có biết thổi sáo đâu. Em thấp bé lắm, cao 1m55, nặng 46kg thôi, nhưng em thổi rất khỏe (cười) . Như lúc thi ấy, em tập 10 đến 12 tiếng một ngày, cũng quên cả mệ. Bình thường em thì tập 4 - 5 tiếng một ngày.
Em có bị ấn tượng bởi phong cách một nghệ sĩ nào đó không?
- Có ạ, là anh thổi sáo bè 1 của dàn nhạc Berlin Philharmoniker. Đó là nghệ sĩ duy nhất em hay xem, nghe và học tập. Ngoài ra còn những người khác nữa, nhưng thích nhất thì là người này.
Em thích chơi trường phái nào?
- Thế mạnh của em là lãng mạn, đương đại và ấn tượng. Thời kỳ cổ điển và tiền cổ điển không thực sự hợp với em lắm.
Một cô gái có vẻ ngoài mâu thuẫn
Em định phát triển nghề nghiệp như thế nào? Nghe nói em cũng được bên Trung Quốc mời học.
- Từ vòng 1, em cũng đã được chủ tịch Hội đồng thi để ý. Lúc em tập trước vòng 2 ông có đến nghe. Em hỏi "Tôi đánh bài Trung Quốc có được không, cần phải sửa chữa những gì?", ông chỉ nói rất thích cách em đánh, thích phong thái của em khi luyện tập và biểu diễn. Ông ngỏ ý mời em sang Bắc Kinh học. Nhưng Nhạc viện Bắc Kinh không có cao học về flute, mà năm nay em tốt nghiệp đại học rồi nên muốn đi học master.
Cũng có giám khảo ở Thượng Hải muốn mời em sang học master, nhưng em phải suy nghĩ vì em muốn học ở Thụy Điển. Những nước như Mỹ hay Châu Âu thì tốt hơn cho flute.
Chị còn nhìn thấy hình em đi hát?
- Cái đó là vui chơi giải trí thôi ạ (cười). Em thích hát., thỉnh thoảng cũng đi hát Em từng dự định đến năm 18 tuổi thì chuyển sang học thanh nhạc, nhưng mà sáo càng ngày càng như là duyên nghiệp của em, không thể từ bỏ được. Em đã bỏ ra rất nhiều thời gian học sáo, nên bây giờ hát chỉ là cái để vui chơi.
Cám ơn Hương Ly, chúc em sẽ tiến xa trên con đường chinh phục những đỉnh cao âm nhạc !
Nguyễn Ly Hương sinh ngày 19-10-1990, hiện đang học Đại học 4 sáo Flute, lớp giảng viên Nguyễn Trung Thành – Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Cô tham gia cuộc thi sáo flute tại Trung Quốc với sự giúp đỡ của Thạc sĩ Nguyễn Trọng Bằng (Flute) và Thạc sĩ Phạm Quỳnh Trang (Đệm Piano) và đoạt giải Nhất phần thi độc tấu trước 78 thí sinh nước chủ nhà. Từ trước đến nay đây là lần đầu tiên Việt Nam đoạt được giải quốc tế về flute và cũng là lần đầu tiên Việt Nam có người được mời làm Ban giám khảo về sáo Flute.
Theo Hồ Hương Giang
Nhân Dân