Kết nối đam mê
Những cuộc giao lưu cổ cầm tại TPHCM thu hút chừng 80 người tới dự. Người ta đều khen âm thanh cổ cầm hay, “Chỉ cần gảy vài nốt cũng có thể khoái lỗ tai rồi, chưa cần phải biết chơi đàn giỏi cũng mê cây đàn. Vì âm thanh nó quyến rũ, ngân nga” – những người mê đàn thổ lộ. Cổ cầm chưa được giảng dạy ở các trường âm nhạc. Người mê đàn tự tìm hiểu trên internet, trong sách vở. “Người biết chỉ người không biết. Người biết nhiều chỉ người biết ít”. Trung Quốc có 5 đại sư nổi tiếng còn tuyệt đại đa số người chơi cổ cầm Việt Nam còn rất trẻ, thậm chí ở tuổi đôi mươi.
Trong cộng đồng những người chơi cổ cầm tại Việt Nam có những người đã sang tận Trung Quốc để học hỏi, tìm hiểu và thậm chí sản xuất cổ cầm bán cho người Trung Quốc. Một cây cổ cầm tốt, giá từ 2.000 USD trở lên, bộ dây tốt cũng khoảng 100 USD. Các “cao thủ” của Việt Nam thường thích “Thập đại danh khúc” như khúc Vu Lan được cho là Khổng Tử sáng tác, Quảng Lăng Tán, khúc Hồ Già Thập bát phách của Thái Văn Cơ nhớ cố hương, khúc Bình sa lạc nhạn, khúc Tiêu tương thủy vân. Bài Quy Khứ Lai Từ - của Đào Tiềm làm khi ở ẩn. Bản Tửu cuồng của Nguyễn Tịch (Thất lâm trúc hiền) cũng rất được yêu thích.
Cộng đồng chơi cổ cầm thế giới không kể quốc tịch. Mới đây, một anh bạn châu Âu học cổ cầm mấy năm đã tới TPHCM và Hà Nội, tìm gặp những người cùng chơi đàn để giao lưu, học hỏi, mỗi người chơi một vài bản cùng nhau thưởng thức vì thường mỗi người chỉ chơi được vài chục bản khó. Nghe nói ai đó chơi được bản mà mình chưa chơi, họ tìm tới nghe. Anh Hà Vũ Trọng kể: “Tôi biết đến cổ cầm không phải từ người Trung Hoa mà do đọc sách viết về Cầm Đạo của một nhà nghiên cứu Hà Lan”. Thầy Thích Huệ Niệm cũng có tiếng chơi cổ cầm hay, có khi giao lưu cùng cộng đồng cổ cầm, nhưng do công việc tu tập nên đã lâu thầy đi tu ở núi nào không ai biết nữa.
Người học cổ cầm thường mời thầy giỏi tới tận nhà dạy. Sách vở đặt mua từ Trung Quốc và các nước. Họ cũng nhờ băng đĩa hướng dẫn để tự học. Tuyệt đại đa số cầm thủ Việt Nam trưởng thành nhờ tự học, do vậy họ không chỉ tự học nhà mà còn phải tự học chữ Hán để đọc sách nhạc.
Nhiều người cho rằng muốn đàn hay, cần phải có không gian riêng, có người biết thưởng thức. Một người học đàn 20 năm nói rằng: “Muốn chơi cổ cẩm hay, phải nhập được vào bản nhạc chơi sẽ hay hơn”. Ý anh là chơi đàn cổ cầm hay rất khó, phải có một điều gì đó đặc biệt mới có thể chơi đàn hay. Đàn cổ cầm không quá khó chơi, nhưng lại khó chơi hay. Có người nói phải ngồi trên núi cao, nơi vắng lặng mà đánh, có người lại nói rằng cần thiền định, quay trở về với bản ngã của mình. Khi chơi đàn phải mường tượng ra âm thanh tự nhiên mà chơi như đang dùng đàn vẽ ra những thác đổ, núi cao. Ít người có điều kiện đạt cảnh giới ấy.
Mai Chí Cường hơn 20 tuổi, chơi rất nhiều bài nhạc khó và dạy cổ cầm kể: “Trước kia, vì áp lực học tập, em gần như bị trầm cảm, mệt mỏi không còn ham muốn gì. Chính cây cổ cầm đã giúp em tìm thấy niềm đam mê trong chính bản thân, kể từ đó, em thấy yêu cuộc sống hơn nhiều”. Cường mê nhạc tới mức trong giấc mơ cũng nghĩ về âm nhạc: “Mình mấy đêm không ngủ để tìm nguyên lý vận hành chỉ pháp và khí trong cầm pháp. Kiệt sức và ngất. Mơ thấy người râu tóc bạc phơ ngồi đàn ngọc cầm không nói chỉ diễn tả thủ pháp rất rõ. Gặp ông hai lần trong mộng như thế, không biết tên ông lão, nên đành gọi là “Mộng Cầm lão sư”.
Những người đam mê cổ cầm thường ít quan tâm tới việc biểu diễn trước đám đông mà đi tìm sự tĩnh lặng, nơi họ chơi đàn cho chính mình nghe và cho người bạn tri âm tri kỷ. Đang đầu hè mà Cường hẹn tôi và các bạn bè của anh ở TPHCM rằng: “Mùa thu em sẽ trở về”. Người chơi cổ cầm, với chiếc đàn cổ trên lưng, bôn ba đi tìm người tri kỷ vốn là một nét văn hóa của cổ cầm.
Cách ghi nhạc độc đáo
Một cây đàn có từ thời thượng cổ mà đến nay vẫn còn lưu giữ được hàng ngàn bài bản là trường hợp rất hiếm và có lẽ chỉ có ở cây cổ cầm. Các loại đàn dân gian khá nhiều, nhưng bài bản hạn chế, chứ không có những bản nhạc riêng biệt như cổ cầm. Bí quyết của việc lưu giữ bài bản trong cổ cầm, theo nhà nghiên cứu Hà Vũ Trọng đó là “Người chơi cổ cầm hàng ngàn năm đã công phu ghi lại tổng phổ của các bài bản dành cho cổ cầm. Cách ghi âm vừa đơn giản lại rất khoa học chi tiết, đó là ghi nốt nhạc theo vị trí trên dây cổ cầm cùng với đó là kỹ thuật để chơi nốt nhạc đó. Hai kỹ thuật cơ bản là khiêu (gảy) và câu (móc)”. Ngón gảy chuyển từ thế “mắt rồng” qua “mắt phượng”…
Sự khác biệt giữa cổ cầm với các nhạc cụ phương Tây là giữa hai nốt của quãng 2 trưởng không chỉ chia làm đôi (bán cung) như đàn ghi ta hay piano mà một quãng hai trưởng được chia ra 10 phần bằng nhau, tức là mười quãng nhỏ hơn. Vị trí nốt nhạc được chơi ở đâu trong 10 quãng nhỏ ấy đều được ghi chép bằng chữ số trong bản nhạc. Anh Hà Vũ Trọng kể: “Khi tôi còn sinh sống bên Canada tôi đã cố tìm mua cho được một cây cổ cầm để nghiên cứu. Tôi cũng gặp ở Canada những người gốc Hoa mê cổ cầm. Họ nói rằng người Trung Hoa hiện đại rất quan tâm cổ cầm nhất là sau năm 2003 khi Nghệ thuật âm nhạc Cổ cầm của Trung Quốc đã được tổ chức UNESCO tôn vinh là Kiệt tác văn hóa truyền khẩu phi vật thể của nhân loại. Cây đàn cổ cầm lưu giữ trong nó lịch sử của nền văn minh Trung Hoa”.
Người Việt Nam biết cổ cầm chủ yếu qua phim cổ trang. Việc anh Duy một người bán đàn cho biết trong 3 năm qua tiêu thụ trên 100 cây cổ cầm tại Việt Nam có thể nói là một con số gây bất ngờ. Đa số khách mua không phải là người gốc Hoa hay du khách mà chính là các bạn trẻ Việt Nam muốn mày mò tìm hiểu về cây đàn cổ đại. Giá một cây cổ cầm không rẻ, từ khoảng 4-5 triệu đồng tới một vài ngàn USD.
Cây đàn của Khổng Tử
Cổ cầm là một cây đàn lâu đời của Trung Hoa, những người chơi nhạc ở Việt Nam thường nói với nhau rằng đây là cây đàn mà Khổng Tử thường chơi. Khổng Tử nói:“Hưng vượng là nhờ thi thư, đứng vững được là nhờ lễ giáo, thành là nhờ nhạc”. Người ta cũng thường nói cây đàn mà Khổng Minh chơi trên thành đẩy lui được quân địch chính là cổ cầm.
Trên một diễn đàn cổ cầm khá uy tín của Việt Nam ghi nguồn gốc cổ cầm: “Trong “Tân luận – Cầm đạo thiên” của Hoàn Đàm (23 – 56 TrCN) ghi: “Xưa Thần Nông kế tục Bào Hy làm vua thiên hạ, trên theo phép trời, dưới theo phép đất, gần lấy thân, xa lấy vật, vót cây ngô đồng làm cầm, lấy thừng làm dây, lấy đức thần linh hòa cùng trời đất”. “Kinh Thi” chép: “Vũ đàn ngũ huyền chi cầm, Ca Nam Quốc chi thi, Nhi thiên hạ trị” (Tạm dịch: Vua Thuấn gảy đàn ngũ huyền cầm, hát lên bài ca Nam Phương mà trị vì thiên hạ).
Anh Hà Vũ Trọng, một người nghiên cứu về cổ cầm nói: “Giới trẻ ngày nay quan tâm nhiều đến cổ cầm, bởi cổ cầm không đơn thuần là một cây đàn mà nó còn chứa đựng văn hóa”. Theo anh Trọng, mỗi tác phẩm nhạc cổ cầm lại gắn với một sự tích, khiến cho nó thêm sức nặng, cuốn hút người chơi người học. Khúc “Cao Sơn Lưu Thủy” gắn với sự tích Bá Nha, Tử Kỳ; Khúc “Ly Tao” xuất phát từ sự tích Khuất Nguyên trò chuyện cùng Ngư Phủ về thế sự, Khúc “Quảng Lăng” kể chuyện Kê Khang. Cổ cầm đi vào họa với rất nhiều bức tranh xưa vẽ người chơi cổ cầm. Nguyễn Du trong truyện Kiều cũng viết: Kê Khang này khúc Quảng Lăng / Một rằng Lưu Thuỷ hai rằng Hành Vân.