Chuyện trớ trêu của bác sĩ Trung Quốc đầu tiên hé lộ dịch virus corona

Bác sĩ Li Wenliang trong phòng chăm sóc tích cực. (Ảnh: CNN)
Bác sĩ Li Wenliang trong phòng chăm sóc tích cực. (Ảnh: CNN)
TPO - Ngày 30/12, bác sĩ Li Wenlieng thả một quả bom tấn vào nhóm cựu sinh viên trường y của anh trên mạng xã hội WeChat: 7 bệnh nhân từ một chợ hải sản địa phương vừa được chẩn đoán nhiễm loại virus giống Sars và đang được cách ly tại bệnh viện nơi anh đang làm việc. 

Li giải thích rằng theo xét nghiệm mà anh thấy, các bệnh nhân này bị nhiễm virus corona – một nhóm virus gồm cả loại gây ra hội chứng viêm đường hô hấp cấp (Sars). 

Ký ức về đại dịch Sars vẫn hằn sâu ở Trung Quốc, nơi đại dịch nổ ra năm 2003 đã giết chết vài trăm người do chính phủ giấu thông tin. “Tôi chỉ muốn nhắc bác bạn học của tôi cẩn thận”, Li nói. 

Vị bác sĩ 34 tuổi này đang làm việc ở Vũ Hán, trung tâm của đại dịch do virus corona mới gây ra lần này. Li nói với các bạn rằng hay nhắc nhở riêng người thân của họ. Nhưng chỉ sau vài giờ đồng hồ, ảnh chụp màn hình tin nhắn của anh gây sốt trên mạng xã hội và tên của anh không được làm mờ. “Khi thấy ảnh đó trên mạng, tôi nhận ra rằng tình hình đã vượt khả năng kiểm soát của tôi và tôi có thể sẽ bị phạt”, Li kể.

Anh đã nghĩ đúng. 

Không lâu sau khi anh gửi tin nhắn, Li bị cảnh sát Vũ Hán cáo buộc lan truyền tin đồn. Anh là một trong nhiều y bác sĩ bị cảnh sát điều tra vì tiết lộ thông tin về virus chết người ngay trong những tuần đầu dịch bệnh xuất hiện. Cho đến nay, virus corona mới đã cướp đi ít nhất 425 mạng sống và khiến hơn 20.000 người khác ngã bệnh, trong đó có anh Li. 

Từ giường bệnh điều trị tích cực ở bệnh viện, Li nói với CNN rằng anh vừa được xác nhận dương tính với virus corona mới. Thông tin này khiến dư luận Trung Quốc phẫn nộ trước tình trạng kiểm soát thông tin và sự chậm trễ của chính quyền trong cảnh báo người dân về virus chết người. 

Bị cảnh sát triệu tập

Cùng ngày Li gửi tin nhắn cho bạn học, một thông báo khẩn của cảnh sát được gửi đến Ủy ban y tế Vũ Hán để thông báo rằng tất cả những bệnh nhân từ chợ hải sản Hoa Nam đã mắc phải “bệnh viêm phổi chưa xác định được”. 

Thông báo kèm theo cảnh báo: “Bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào đều không được phép công bố thông tin điều trị cho cộng đồng nếu không được cho phép”. 

Đầu ngày 31/12, ủy ban y tế Vũ Hán tổ chức họp khẩn về dịch bệnh. Li sau đó bị lãnh đạo bệnh viện triệu tập để giải thích, Nhật báo thanh niên Bắc Kinh cho biết. 

Cùng ngày hôm đó, chính quyền Vũ Hán thông báo xảy ra dịch bệnh và báo cáo lên Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Nhưng rắc rối của Li không dừng lại ở đó. 

Ngày 3/1, Li bị cảnh sát triệu tập để khiển trách vì “lan truyền tin đồn trên mạng” và “gây đảo lộn trật tự xã hội nghiêm trọng” vì tin nhắn gửi trong nhóm của anh. 

Li phải ký vào một tuyên bố để thừa nhận đã “phạm lỗi” và hứa sẽ không có “hành động trái pháp luật” nào nữa. 

Tôi lo có thể bị bắt giữ. “Gia đình tôi sẽ lo đến phát ốm vì tôi nếu tôi mất tự do trong mấy ngày”, Li nói với CNN qua tin nhắn trên WeChat. Anh đang bị ho nhiều và khó thở nên không muốn nói chuyện qua điện thoại. 

May mắn là Li được phép rời đồn cảnh sát sau 1 giờ đồng hồ.

Cảnh sát Vũ Hán không phản hồi đề nghị của CNN về vụ việc này. Ủy ban Y tế Vũ Hán cũng từ chối bình luận. 

Vị bác sĩ quay lại Bệnh viện trung tâm Vũ Hán với cảm giác bất lực. “Tôi không thể làm gì. Mọi thứ có thể làm là tuân thủ chỉ đạo”, anh nói. 

Ngày 10/1, sau khi vô tình chữa cho một bệnh nhân nhiễm virus corona, Li bắt đầu ho và sốt 1 ngày sau đó. Anh nhập viện ngày 12/1. Những ngày sau đó, tình trạng của anh xấu đi nhanh chóng và anh được đưa vào khu điều trị tích cực và thở bằng oxy. 

Ngày 1/2, anh được xét nghiệm dương tính với virus corona mới. 

Ém tin

Chuyện trớ trêu của bác sĩ Trung Quốc đầu tiên hé lộ dịch virus corona ảnh 1 Số bệnh nhân thiệt mạng và mới nhiễm virus corona mới tăng liên tục. (Ảnh: CNN)

Ngay từ đầu, giới chức Trung Quốc muốn kiểm soát thông tin về dịch bệnh, dập tắt những tiếng nói đi ngược lại, bất chấp họ đang nói lên sự thật. 

Ngày 1/1, cảnh sát Vũ Hán thông báo đã có “các biện pháp pháp lý” đối với 8 người gần đây “công bố và chia sẻ tin đồn trên mạng” về căn bệnh giống như viêm phổi và “gây tác động xấu với xã hội. 

“Internet không phải mảnh đất ngoài vòng pháp luật...Bất kỳ hành động bịa chuyện, lan truyền tin đồn và gây rối loạn trật tự xã hội nào cũng sẽ bị cảnh sát phạt theo luật, không tha cho bất kỳ ai”, thông báo của cảnh sát Vũ Hán đăng trên Weibo nói. 

Thông báo này còn được đăng trên đài truyền hình quốc gia CCTV, khẳng định rõ ràng rằng chính phủ sẽ coi đó là “những người phao tin đồn nhảm”. 

Trong 2 tuần sau đó, Ủy ban y tế Vũ Hán vẫn là nguồn duy nhất cập nhập diễn biến dịch bệnh. Ngày 7/1, các nhà khoa học Trung Quốc xác định được chủng virus corona mới. Trong khoảng 1 tuần, không trường hợp nhiễm mới nào được công bố. Giới chức vẫn khẳng định “chưa có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy tình trạng lây nhiễm từ người sang người”, và dịch bệnh “có thể phòng ngừa và kiểm soát được”.

Ngày 31/1, Li viết trên Facebook về cảm xúc của anh trong thời gian đó. “Tôi băn khoăn tại sao thông báo của chính phủ vẫn nói không có tình trạng lây từ người sang người, và chưa có nhân viên y tế nào mắc bệnh”. 

Sau đó, số ca nhiễm bệnh tăng vọt. Cho đến ngày 17/1, giới chức Vũ Hán mới báo cáo 41 trường hợp được xác nhận mắc bệnh. Đến ngày 20/1, số lượng tăng vọt lên 198. 

Sau đó, chính phủ tiếp quản công tác chỉ đạo. Ngày 20/1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ đạo “quyết tâm dập dịch” virus corona mới và nhấn mạnh sự cần thiết phải công bố thông tin kịp thời. Đây cũng là lần đầu tiên ông Tập lên tiếng về dịch bệnh mới. 

Tối hôm đó, ông Zhong Nanshan, một chuyên gia về hô hấp được chính phủ chỉ định và là người từng xử lý dịch Sars 17 năm trước, tuyên bố trên CCTV rằng virus corona mới lây từ người sang người. 

Ba ngày sau đó, chính quyền phong tỏa Vũ Hán, thành phố đóng vai trò động lực kinh tế và trung tâm vận tải ở miền trung Trung Quốc. Nhưng khi đó, 5 triệu người đã ra khỏi thành phố này để đón kỳ nghỉ Tết âm lịch. 

Đến giờ, virus đã lan đến tất cả vùng miền của Trung Quốc, xa đến tận những nơi như Tân Cương và Tây Tạng. 

Trong cuộc trả lời phỏng vấn CCTV ngày 27/1, Chủ tịch Vũ Hán Zhou Xianwang thừa nhận chính quyền đã không công bố thông tin về virus corona mới “theo cách kịp thời”. 
Ông giải thích rằng theo luật của Trung Quốc về các bệnh truyền nhiễm, chính quyền địa phương trước tiên phải báo cáo dịch lên cơ quan y tế quốc gia, sau đó phải được Quốc vụ viện chấp thuận trước khi công bố cho người dân. 

Dư luận dậy sóng

Đến cuối tháng 1, việc chính quyền Vũ Hán xử lý kém đại dịch đã được thừa nhận trên khắp Trung Quốc. Nhiều cư dân mạng nói rằng đáng ra cảnh báo sớm của nhóm 8 người “phao tin đồn nhảm” đã cứu được hàng trăm mạng sống. 

Dư luận, thậm chí cả báo chí nhà nước, kêu gọi minh oan cho những người đó. Ông Tập yêu cầu phải công bố thông tin kịp thời và chỉ đạo này được coi là đèn xanh cho việc đưa tin về dịch bệnh. Các nhà báo Trung Quốc bắt đầu viết những bài sâu và bài điều tra. Nhật báo thanh niên Bắc Kinh phỏng vấn bác sĩ Li và bài viết cũng gây sốt trên mạng. 

Trước sức ép dư luận, Tòa án tối cao Trung Quốc ngày 28/1 phê bình cảnh sát Vũ Hán đã trừng phạt “những người phao tin đồn nhảm”. 

Hôm sau, cảnh sát Vũ Hán chỉ mắc “sai lầm rất nhỏ” khi lan truyền “thông tin chưa được thẩm định”. Họ nói chỉ triệu tập những người này đến nói chuyện chứ không bắt hay phạt. 
Cuối tuần qua, một người “phao tin đồn nhảm” khác lên tiếng kể về câu chuyện của cô với báo chí Trung Quốc. 

Xie Linka, một nhà nghiên cứu vi trùng tại ĐH Liên minh Vũ Hán, kể rằng cô nhận được cảnh báo từ cảnh sát sau khi cô cảnh báo các đồng nghiệp cùng nhóm trên mạng WeChat vào tối 30/1. 
Trong tin nhắn đó, cô nhắc lại cảnh báo từ các đồng nghiệp về bệnh lây truyền mới: Đừng đến chợ hải sản Hoa Nam trong những ngày tới. Nhiều người đã bị mắc bệnh viêm phổi bí ẩn, tương tự như Sars. Hôm nay, bệnh viện của tôi tiếp nhận nhiều bệnh nhân từ khu chợ này. Mọi người nhớ đeo khẩu trang và vệ sinh cá nhân phù hợp”. 

Sau khi đã được ra khỏi phòng cách ly, bác sĩ Li nói rằng anh không chắc anh có nằm trong nhóm 8 người “phao tin đồn nhảm” hay không. Nhưng anh cảm thấy nhẹ nhõm sau thông báo của Tòa tối cao, một dấu hiệu cho thấy chính quyền trung ương sẽ không trừng phạt anh nặng tay. 

Trên Weibo, hàng chục ngàn người để lại bình luận cảm ơn anh đã lên tiếng và chúc anh chóng hồi phục. 

“Bác sĩ Li, anh là bác sĩ có lương tâm. Tôi hy vọng anh được bình an”, một người bình luận. 

Những người khác nêu câu hỏi rằng tình hình liệu có khác đi nhiều nếu cảnh báo sớm của Li được tiếp thu từ đầu.

Theo theo CNN
MỚI - NÓNG