Cô gái mạnh mẽ, yêu đời
Nguyễn Thị Bích Diệp từng là Thủ khoa khối B trường ĐH Khoa học tự nhiên – ĐHQG HN năm 2013 với số điểm 28 khối B. Bên cạnh đó cô còn sở hữu số điểm ngất ngưởng 27 điểm khi thi khối A.
Thủ khoa khối B trường ĐH Khoa học tự nhiên năm 2013 Nguyễn Thị Bích Diệp. Cô gái mang căn bệnh hiểm nghèo nhưng luôn sống với thái độ lạc quan, yêu đời.
Khi ấy, Diệp được coi là một Thủ khoa hết sức đặc biệt bởi cô mang trong mình căn bệnh lupus ban đỏ hệ thống - một căn bệnh hiếm gặp và cũng là căn bệnh làm đau đầu các bác sĩ bởi vẫn chưa có cách điều trị triệt để.
Chính bởi căn bệnh này mà 4 năm ĐH của Diệp không êm đềm như bao nữ sinh khác. Diệp kể rằng cô bắt đầu phát bệnh khi nhập học ĐH chưa được bao lâu. “Em bắt đầu bị hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi và phải đi nạng đi học từ học kì 2 năm thứ nhất, đến mùa hè năm 2014 thì phải mổ thay khớp nhân tạo.
Sau đó có một khoảng thời gian bệnh tình ổn định, em ngừng sử dụng thuốc. Nhưng trong năm 2015 bệnh lại trở nên khó kiểm soát, nhất là khi em chuyển chỗ ở đến khu vực điều kiện vệ sinh môi trường không bằng lúc trước thì tái phát bệnh”.
Do bệnh tình hành hạ nên nữ sinh Thanh Hoá phải bảo lưu kết quả kỳ 1 năm thứ 3 (vào năm 2015) để nằm viện điều trị. Đó là khoảng thời gian khó khăn cùng cực đối với Diệp vì cô vừa phải đấu tranh với những cơn đau trong cơ thể, vừa phải từ bỏ việc học mà cô vốn dành nhiều tâm huyết.
“Do bệnh và tác dụng phụ của thuốc điều trị, em bị giảm khả năng nhớ và tập trung. Không tập trung được nên thậm chí em thường hay ngủ gật trong lớp, dù đã dùng rất nhiều cách nhưng chưa khắc phục được. Lần đó em không đi thi học kỳ được vì nhập viện nên phải bảo lưu”, Bích Diệp chia sẻ.
Diệp nói: “Em mà cứ ủ dột thì bệnh nó quật cho em ngã “đoạch” ra đấy ấy chứ. Người yêu em cũng bảo rằng yêu em vì tính cách lạc quan của em”.
Dù vậy, Diệp chưa bao giờ có ý định từ bỏ việc học. Và cô đã làm được. Rời bỏ giường bệnh, Diệp quay lại trường học, dù rằng đã trễ hơn các bạn một kì học, kiến thức rơi rớt nhiều và sức khoẻ suy yếu.
Qua nhiều thử thách, Diệp đã rèn cho mình tính cách luôn bình tĩnh đối diện và thái độ sống lạc quan. Cô vui vẻ nói: “Em mà cứ ủ dột thì bệnh nó quật cho em ngã “đoạch” ra đấy ấy chứ. Người yêu em cũng bảo rằng yêu em vì tính cách lạc quan của em (cười)”.
Không chỉ lạc quan, Diệp còn ẩn chưa một tấm lòng hiếu thảo và trái tim biết yêu thương. Dù bệnh tật quấn thân, Diệp vẫn đều đặn đi làm thêm nghề gia sư để trang trải sinh hoạt phí và học phí. Có những đồng tiền học bổng đạt được, cô dành để đỡ đần cha mẹ và gom góp chuẩn bị cho những giai đoạn bệnh tật khó khăn.
Tình yêu vô điều kiện vượt qua tiền tài, nhan sắc, dục vọng
Nói đến tình yêu của mình, Bích Diệp hào hứng hẳn. Cô tin rằng không phải bỗng nhiên một cô gái như cô có được “sức mạnh” lớn như vậy để chống chọi lại bệnh tật mà đó là nhờ những người thân yêu là cha mẹ và bạn trai đã ở bên cô trong suốt những ngày tháng “đen tối” nhất.
Diệp kể: “Chuyện bọn em quen nhau cứ như duyên số ông trời sắp đặt. Vì một lần có vé khuyến mại, anh ấy được bạn nhờ đi xem phim “hộ” cùng với em. Từ hôm ấy cả hai đều có ấn tượng tốt về nhau và lại được anh bạn thân “xúc tác” nên sau đó một thời gian thì yêu nhau.
Ngay từ đầu anh ấy biết em bị lupus. Em trước đó đã chia tay người yêu cũ cũng vì lý do em đau ốm nên em rất sợ lại đổ vỡ lần nữa, vì thế em đã thử anh Trung. Em dẫn anh ấy đến bệnh viện, nơi có những bệnh nhân lupus nặng nhất đang điều trị, dọa anh ấy rằng em sẽ có nhiều lúc phát bệnh, mệt mỏi, xấu xí, vô dụng, thậm chí nói quá rằng có thể bị vô sinh nữa. Nhưng anh ấy không hề nản chí mà vẫn theo đuổi đến cùng nên em đã nhận lời yêu. Yêu chưa được bao lâu thì không ngờ em lại phát bệnh thật”.
Và chàng trai dũng cảm dám yêu một cô gái “không rõ sống chết” là Vũ Đình Trung, sinh năm 1993, hiện đang học thạc sĩ ở Pháp.
Trung nói: “Trước đây khi đọc báo hay xem tivi, gặp những trường hợp bị bệnh hiểm nghèo như Diệp em luôn dành cho họ một sự cảm thương và ngưỡng mộ sâu sắc với người yêu của họ. Tuy nhiên, em cũng không mong mình đứng vào vị trí đó và chưa bao giờ nghĩ mình sẽ tìm hiểu một cô gái có sức khỏe yếu.
Sau này, tình cảm nảy sinh với Diệp là lúc nào cũng khó xác định. Nhưng em cảm thấy rõ ràng nhất khi thấy nhớ Diệp da diết”.
Ban đầu, Bích Diệp cũng băn khoăn rất nhiều nên mới “thử lòng người ta xem sao” nhưng đến khi có tình cảm sâu đậm thì cô lại lo lắng, không muốn tiến tới vì sợ không mang lại được hạnh phúc cho người mình yêu.
“Trung thực mà nói, đã là bệnh tật thì sẽ là khó khăn thì sẽ là rào cản. Quan trọng là có dám vượt qua rào cản đó và khiến nó nhỏ bé đi hay không. Trước đó, có những lúc không chỉ em mà em nghĩ cả hai đều rất nản nhưng đều cùng nhau vượt qua. Bây giờ thì em thấy đó là một phần cuộc sống của mình rồi”, Trung nói.
Anh bổ sung: “Tình cảm mà Diệp dành cho em, sự lạc quan trong cuộc sống, sự thẳng thắn trong các vấn đề là những điều ở Diệp khiến em trân trọng nhất. Điều đó cũng khiến cho tình cảm của cả hai luôn bền chặt hơn.”.
Còn Diệp nói rằng cô tin tưởng tuyệt đối về tình yêu của bạn trai. “Em và người yêu thường động viên nhau rằng cuộc sống bon chen hối hả đã đủ mệt mỏi rồi, trở về nhà chỉ mong được bình yên. Cả hai cùng cố gắng vì sự bình yên đó và không để người kia phải thất vọng hay nghi ngờ điều gì. Cả hai gần như biết hết password tất cả các tài khoản mạng của nhau nhưng chẳng bao giờ dùng đến”.
Những ngày “đen tối” nhất của Diệp luôn có Trung kề bên. “Thời điểm tháng 10/2015, khi em phát bệnh, nằm viện gần 1 tháng và phải nghỉ học. Lúc ấy em rất mệt và yếu, xấu cả người lẫn nết. Tóc thì rụng hết, người ngợm phát ban sưng tấy phù nề, trông rất khủng khiếp. Tính nết lúc đó thì hay cáu giận và nổi nóng vô lí nữa.
Nhưng anh ở bên chăm sóc em từng li từng tí, đưa đón vào viện, nấu cơm mang vào cho em ăn, tìm hiểu kì càng cách chăm sóc người bị lupus như thế nào, rồi động viên và trấn an em và mẹ em. Mọi người trong viện đều ngạc nhiên về một cô bé xấu xí có anh người yêu đẹp trai hàng ngày vào viện mang cơm, ép ăn, rồi bế cõng cưng nựng (cười).
Có lẽ một phần vì tình yêu chân thành của anh ấy mà em đã hồi phục rất nhanh và thần kỳ chỉ trong một thời gian ngắn sau khi ra viện”.
Diệp tự nhận xét về tình yêu của mình là “một tình yêu vô điều kiện vượt qua tiền tài, nhan sắc, dục vọng”. Đó là bởi vì “Những gì anh ấy đã làm chứng minh cho tình yêu vô điều kiện của anh ấy dành cho em. Anh ấy yêu em ngay cả khi em và gia đình em không có điều kiện, khi sức khỏe của em là cản trở đối với sự nghiệp của em và có thể là cả cản trở kinh tế của anh ấy sau này. Anh ấy yêu em cả khi em xinh xắn khỏe mạnh, cả khi em xấu xí yếu ớt vô dụng. Anh ấy từ chối những cô gái và lời mời gọi xung quanh và toàn tâm toàn ý chăm sóc em”.
Hai bạn trẻ nói rằng gia đình của cả hai đều ủng hộ dù rằng ban đầu cũng có những lo lắng nhất định. Trung nói: "Đó là điều mà chúng em luôn mong muốn có được và cảm thấy rất trân trọng. Gia đình luôn ở bên cũng chính là lí do giúp chúng em vượt qua những lúc khó khăn nhất".
Lupus ban đỏ hệ thống (tiếng Anh: Systemic lupus erythematosus, SLE hay lupus), là một bệnh tự miễn của mô liên kết, có thể ảnh hưởng đến mọi bộ phận cơ thể. Cũng như trong các bệnh tự miễn khác, hệ miễn dịch tấn công các tế bào và mô của cơ thể, gây viêm và hủy hoại mô.
Lupus ban đỏ hệ thống gây nguy hiểm nhiều nhất cho tim, các khớp, da, phổi, các mạch máu, gan, thận, và hệ thần kinh. Quá trình phát triển bệnh rất khó đoán trước, có những giai đoạn bị ốm xen kẽ với những giai đoạn phục hồi. Bệnh này phổ biến ở phụ nữ nhiều hơn gấp 9 lần ở đàn ông, đặc biệt là ở lứa tuổi từ 15 đến 50, và phổ biến hơn ở những người không có nguồn gốc châu Âu.
Lupus ban đỏ hệ thống chưa có biện pháp chữa trị triệt để nào. Lupus ban đỏ hệ thống có thể nguy hiểm chết người, nhưng với những tiến bộ trong y học hiện nay, tử vong đang trở nên hiếm hơn. (theo Wikipedia)