“Lần đầu tiên nghe tên chương trình Chuyện phố thời bao cấp tôi đã nói con gái mua vé cho hai vợ chồng đi xem. Giống như bao nhiêu người đã sống qua giai đoạn đó, nghĩ lại tôi vẫn thấy sợ, nhưng vết thương lành quên đau, không thể phủ nhận nó là một thời tuổi trẻ của thế hệ 6X, 7X. Lúc ấy tuy khổ nhưng người ta thương nhau lắm. Bà con xóm phố quan tâm ấm áp hơn bây giờ”.
Khán giả thích thú check in ở sảnh Nhà hát Tuổi trẻ. |
Bà Lê Thị Lý (65 tuổi) chia sẻ trước khi vào hội trường Nhà hát Tuổi trẻ xem buổi diễn đầu tiên của Chuyện phố thời bao cấp (đạo diễn Lê Ánh Tuyết, kịch bản Trần Lệ Chiến) vào tối 14/10. Có vẻ như đã rất lâu trước một buổi diễn mới lại có cái không khí “hội hè miên man” như thế này. Lịch chiếu trên vé ghi là 19h30 nhưng từ cả tiếng trước đó khách đã đứng đầy sảnh Nhà hát.
Gánh hàng hoa thời bao cấp. |
Trong không gian nhỏ hẹp chỉ mười mấy mét vuông, nơi nơi đều là những bối cảnh bao cấp được tái dựng: quầy bán nước, kẹo lạc nước chè, cửa hàng mậu dịch, gánh hàng hoa, phòng khách ngày Tết và cả một sân khấu đám cưới để ai cũng có thể đứng đó thử lại cảm giác làm cô dâu chú rể... Mấy trăm khán giả vai chen vai và trong lúc xếp hàng chờ chụp ảnh, họ chuyện trò vui vẻ giống như đang trong một buổi hội khóa.
Quầy Kẹo lạc hút khách. |
Chuyện phố thời bao cấp không đơn thuần là show ca nhạc, bởi câu chuyện nhạc (gồm các tác phẩm được sáng tác và phổ biết ở những năm 1980 của thế kỷ 20) được lồng trong một cốt truyện đủ cả khai, thừa, chuyển, hợp về tình yêu trắc trở của một cặp đôi “anh lính về biên giới, cô gái vào ca ba”.
Tận dụng hết ưu thế của mình, Nhà hát Tuổi trẻ đẩy vào câu chuyện nhiều yếu tố hài hước để giúp khán giả thư giãn. Sự xuất hiện của Chí Trung trên sân khấu lần nữa khẳng định sức hút của Táo giao thông. Mình anh tung hứng với thời lượng không dài nhưng đã thành công làm cả khán phòng náo nhiệt lên sau những trầm lắng do các câu chuyện khó khăn thời tem phiếu gợi lại.
Chí Trung "đốt cháy" cả khán phòng. |
Trước buổi diễn, NSƯT Sỹ Tiến - Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ chia sẻ: “Qua show diễn âm nhạc, ê-kíp mong muốn lan tỏa tình yêu với Hà Nội, làm sống lại ký ức Hà Nội một thời để thêm trân quý quá khứ và những giá trị đương thời".
Hầu hết khán giả đi xem chuyện thời bao cấp đều là người trung tuổi, chỉ khoảng 20% là người trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X. Họ đều tỏ ra khá hào hứng khi tham dự vào sự kiện hoài cổ này.
Quán nước chè Bà Nga béo. |
Hương (21 tuổi) chia sẻ: “Mình không được sinh ra vào thời đó, nhưng vẫn được bà với mẹ kể rất nhiều những chuyện như là tem phiếu, sổ gạo... Nhờ thế mình mới biết nhiều “tục ngữ” thời này kiểu như: "Có vợ mà cho đi tây, như xe không khóa để ngay bờ hồ", hay là "Ai lên vũ trụ thì lên, còn tôi ở lại ghi tên mua mì"... Nay mình tháp tùng mẹ đi xem, mẹ có vẻ cảm động lắm”.
Tái hiện cảnh mất sổ gạo. |
“Những người trẻ sinh ra và lớn lên khi đất nước đã bước vào thời kỳ hiện đại đổi mới như mình thật khó lòng mà nghĩ đến thời xa xưa các cụ sống như nào. Qua lời kể của ông bà bố mẹ cũng chỉ có thể biết sơ sơ, nhưng khi xem chương trình này mình thấy rất thích. Những câu khẩu hiệu, đồng dao, tất tần tật mọi thứ như mở ra trước mắt. Thứ âm nhạc của ngày ấy bây giờ mình ít nhiều cảm thấy xa lạ, nhưng đặt trong khung cảnh này thì cũng không tệ” Huy Phong (19 tuổi) nhận xét.
NSUT Đức Long là vedette của chương trình. |
Những ca khúc được biểu diễn trong Chuyện phố thời bao cấp mặc dù đều là hit một thời, kiểu như Kỷ niệm thành phố tuổi thơ, Hoa sữa (Hồng Đăng), Nhớ mùa thu Hà Nội (Trịnh Công Sơn), Nhớ về Hà Nội (Hoàng Hiệp), Thành phố buồn (Lam Phương), Bảy ngày đợi mong, Chuyện hẹn hò (Trần Thiện Thanh), Như khúc tình ca, Ơi cuộc sống mến thương (Nguyễn Ngọc Thiện), Câu chuyện nhỏ của tôi (Thanh Tùng), Mặt trời bé con (Trần Tiến), song dàn ca sĩ gần như chỉ có tên NSƯT Đức Long, NSƯT Ánh Tuyết là có tiếng. Nhưng điều ấy hoàn toàn không cản trở khán giả lắc lư theo nhạc suốt từ đầu đến cuối chương trình, nhất là khi ca khúc River Babylon của Boney M được tái hiện, nhiều người đã tràn lên sân khấu để nhún nhảy cùng các ca sĩ.
Khán giả tràn lên sân khấu để cùng nhún nhảy với ca sĩ. |
Cứ với đà này, câu chuyện thời bao cấp rất có thể lại trở thành một trend mới của khán giả Thủ đô.