Theo hãng thông tấn Yonhap, Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ đã chỉ ra bảy lựa chọn quân sự khác nhau, từ việc tăng cường gây áp lực lên chế độ, đến việc rút hoàn toàn lực lượng Mỹ khỏi Hàn Quốc.
Một số lựa chọn khác bao gồm: duy trì hiện trạng quân đội; “ngăn chặn việc Triều Tiên sở hữu các hệ thống có khả năng đe dọa Mỹ” như bắn hạ tất cả các tên lửa mà Triều Tiên bắn thử, loại bỏ các tên lửa tầm xa cùng các cơ sở liên quan và các cơ sở hạt nhân của nước này.
Tuy nhiên, bản cáo cáo cũng chỉ ra rằng với mật độ dân số trên bán đảo Triều Tiên, một cuộc xung đột quân sự có thể ảnh hưởng tới 25 triệu người ở hai bên biên giới, bao gồm ít nhất 100.000 công dân Mỹ.
30.000 đến 300.000 người có thể sẽ thiệt mạng trong những ngày đầu tiên ngay cả khi Triều Tiên “chỉ sử dụng bom đạn thông thường”. Bởi Bình Nhưỡng được cho là sở hữu những loại vũ khí có khả năng nã 10.000 viên đạn/phút, báo cáo nhấn mạnh.
Một cuộc xung đột quân sự cũng sẽ mang đến những thử thách khác, ví dụ như di tản công dân Mỹ từ bán đảo hay tái thiết nền kinh tế Hàn Quốc sau cuộc chiến.
Chi phí cho một cuộc chiến có thể chiếm tới 70% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc (đạt 1,4 nghìn tỷ USD vào năm ngoái).
Triều Tiên cũng có thể sẽ đi xa hơn để phóng tên lửa nhằm vào Nhật Bản – nơi tập trung nhiều tải sản quân sự của Mỹ, theo báo cáo.
Tình hình căng thẳng đang leo thang nhanh chóng trên bán đảo Triều Tiên, và Washington từng lên tiếng khẳng định sẽ sử dụng hành động quân sự để chống lại mối đe dọa từ Bình Nhưỡng nếu cần.
Tuy nhiên, trước đó, hồi tháng Tám, ông Steve Bannon – chiến lược gia trưởng của Tổng thống Mỹ Donald Trump từng khẳng định “không có giải pháp quân sự nào đối với mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên”.
"Cho tới khi ai đó chỉ cho tôi cách để 10 triệu người Seoul vẫn sống sót trước những vũ khí thông thường của Triều Tiên trong 30 phút đầu tiên của cuộc chiến, thì tôi không biết bạn đang nói tới giải pháp quân sự nào. Không có giải pháp quân sự nào ở đây cả", Bannon nói.
Những phát biểu trên của Bannon đã đi ngược lại với phát ngôn của Tổng thống Trump – người từng nói rằng sẽ đáp trả Triều Tiên bằng "hỏa lực và thịnh nộ" khi Bình Nhưỡng tuyên bố đang có kế hoạch tấn công đảo Guam. Không lâu sau đó, Bannon bị ông Trump sa thải.