Chuyên gia giáo dục gợi ý hướng quy hoạch trường sư phạm

Việc quy hoạch hệ thống trường sư phạm là cấp bách, nhưng theo hướng tập trung vào đại học sư phạm trọng điểm là không nên.

Tại Hội thảo Giáo dục 2018 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức ngày 17/8, ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội, cho rằng cần sớm quy hoạch mạng lưới trường sư phạm.

Ông Minh đề xuất xây dựng hệ thống trường sư phạm theo hướng khu vực phía Bắc có 3 cơ sở, miền Trung 2, miền Nam 2 và Tây Nguyên một. Các cơ sở khác, trường cao đẳng sư phạm có thể quy hoạch thành phân hiệu, cơ sở thực hành, bồi dưỡng, trở thành nhân tố giúp phát triển giáo dục địa phương.

Ý kiến của Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội nhận được sự quan tâm của nhiều người, trong đó một số chuyên gia giáo dục đồng tình với quan điểm cần sớm điều chỉnh, nhưng đưa ra hướng quy hoạch hoàn toàn khác.

Chuyển các trường sư phạm đơn ngành thành đại học đa lĩnh vực

GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho rằng việc quy hoạch mạng lưới trường sư phạm phải liên quan đến việc đào tạo giáo viên như thế nào.

Ông Thiệp phân tích thế giới có hai cách đào tạo giáo viên, đặc biệt là giáo viên THPT. Thứ nhất là đào tạo song song giống các trường sư phạm đơn ngành ở Việt Nam hiện nay. Với mô hình này, từ năm nhất đến năm thứ tư, sinh viên sẽ được đào tạo song song nghiệp vụ sư phạm và chuyên môn. Điều này khiến sinh viên khi ra trường rất chắc về nghiệp vụ, nhưng chuyên môn sẽ không sâu.

Mô hình thứ hai được thế giới sử dụng nhiều là đào tạo giáo viên theo kiểu nối tiếp, 2-3 năm đầu sẽ đào tạo chuyên môn như Toán, Lý, Hóa; 1-2 năm cuối mới đi vào nghiệp vụ sư phạm. Mô hình này thường được dùng ở các đại học đa lĩnh vực (university), đại học tổng hợp - những trường mạnh về khoa học cơ bản như Đại học Tổng hợp của Việt Nam ngày trước và Đại học Quốc gia bây giờ.

“Khi đó, sinh viên ngành Sư phạm Vật lý sẽ được học cùng bạn ngành Vật lý của trường tổng hợp. Nhờ đó, chuyên môn của các em sẽ rất sâu. Khi ra trường, dù còn chưa thạo về nghiệp vụ do được đào tạo ít thời gian hơn ở trường sư phạm đơn ngành, nhưng dần dần các em sẽ thành giáo viên giỏi nhờ nền tảng chuyên môn vững”, ông Thiệp nói và cho rằng các trường sư phạm ở Việt Nam nên phát triển thành đại học đa lĩnh vực và đào tạo theo mô hình nối tiếp này.

Không chỉ về chuyên môn, việc biến trường sư phạm đơn ngành thành đại học đa lĩnh vực cũng sẽ giúp trường linh hoạt hơn trong tuyển sinh. Ông Thiệp nhận thấy tình trạng khó khăn trong tuyển sinh năm qua xảy ra nhiều ở trường sư phạm đơn ngành. Với trường đa lĩnh vực có ngành đào tạo giáo viên, việc tuyển sinh diễn ra bình thường, ví dụ Đại học Vinh (Nghệ An).

“Với các trường đa lĩnh vực, khi nhu cầu giáo viên thấp, họ tuyển ít sinh viên ngành sư phạm đi và chuyển chỉ tiêu cho những ngành cần nhân lực hơn. Nhưng với trường sư phạm, khi nhu cầu thị trường ít, họ sẽ gặp khó trong tuyển sinh. Để tồn tại, các trường hạ chuẩn đầu vào dẫn đến chất lượng sinh viên rất thấp, làm ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của giáo dục”, ông Thiệp giải thích và cho rằng không thể vì sự tồn tại của một trường mà hy sinh mục tiêu lâu dài, khiến nhiều cử nhân thất nghiệp.

Nguyên Vụ trưởng Giáo dục đại học thông tin từ thập niên 90 của thế kỷ trước, Bộ Giáo dục đưa ra xu hướng đào tạo giáo viên ở nhiều trường chứ không chỉ ở đại học sư phạm và cũng có ý kiến cho rằng các trường sư phạm nên là một bộ phận trong đại học đa lĩnh vực thay vì được tổ chức thành trường riêng. Tuy nhiên, đề nghị này không được thực hiện do có những người muốn giữ trường sư phạm đơn ngành theo mô hình của Liên Xô cũ.

Về sau, một số trường sư phạm đơn ngành gặp trở ngại nên đã chuyển thành trường đa lĩnh vực và có ngành đào tạo giáo viên. Ví dụ Đại học Sư phạm Vinh, Sư phạm Quy Nhơn, Sư phạm Hải Phòng đều đã chuyển thành Đại học Vinh, Quy Nhơn, Hải Phòng với ngành đào tạo ở nhiều lĩnh vực.

Chuyên gia giáo dục gợi ý hướng quy hoạch trường sư phạm ảnh 1 GS Lâm Quang Thiệp. Ảnh: Ngọc Thành

Trên thế giới, các nước cũng đã làm như vậy. Ví dụ ở Mỹ, Đại học bang California từng là trường sư phạm trước khi chuyển sang đào tạo đa ngành. Ở Thái Lan, có thời điểm cần nhiều giáo viên THCS, nước này đã phát triển nhiều trường cao đẳng sư phạm. Khi giáo viên THCS thừa, các trường cao đẳng được chuyển thành cao đẳng cộng đồng, đào tạo thêm các ngành phù hợp với nhu cầu nhân lực của địa phương.

Giảm chỉ tiêu tuyển sinh của đại học sư phạm, giữ hệ thống cao đẳng

Là Vụ phó Giáo dục đại học từ năm 1988 đến 2007 rồi chuyển sang làm ở Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng, ông Lê Viết Khuyến theo rất sát tình hình giáo dục đại học ở Việt Nam và cũng cho rằng cần sớm quy hoạch mạng lưới trường sư phạm. Tuy nhiên, ông không tán thành phương án tập trung vào 8 trường sư phạm trọng điểm và biến các trường cao đẳng thành nơi bồi dưỡng, thực hành như đề xuất của ông Nguyễn Văn Minh.

Hiện nay, nhu cầu giáo viên ở mỗi địa phương là khác nhau, có tỉnh thừa nhưng cũng có tỉnh thiếu. Vì vậy, ông Khuyến cho rằng phương án tập trung cho 8 trường trọng điểm chỉ mang tính chất cục bộ.

“Các đại học sư phạm đào tạo chủ yếu là giáo viên cấp THPT, còn giáo viên mầm non, tiểu học, THCS lại chủ yếu do các trường cao đẳng sư phạm ở địa phương đào tạo do yêu cầu về trình độ chuẩn của nhóm này chỉ ở mức cao đẳng và trung cấp. Hơn thế nữa, các trường cao đẳng sư phạm có bề dày kinh nghiệm đào tạo giáo viên các bậc học này hơn hẳn trường đại học. Vậy tại sao lại bỏ qua nhóm trường này? Số phận, bề dày kinh nghiệm 50-60 năm đào tạo của các trường này sẽ ra sao”, ông Khuyến đặt câu hỏi.

Từ thực tế đó, nguyên Vụ phó Giáo dục đại học cho rằng nếu muốn nâng cấp trình độ giáo viên ở các bậc học dưới THPT, cần nâng cấp trường cao đẳng lên thành đại học sư phạm. Chuyện này dễ dàng hơn nhiều so với việc giải tán các trường cao đẳng và là việc nên làm để phát triển giáo dục. Ví dụ ở Phần Lan, giáo viên tiểu học cần đạt tối thiểu trình độ thạc sĩ.

Ông Khuyến cũng bày tỏ quan điểm không ủng hộ đề nghị đưa cao đẳng sư phạm trở thành cơ sở thực hành, bồi dưỡng giáo viên. “Bồi dưỡng giáo viên là nhiệm vụ của trường đại học. Hơn nữa, đại học cần tăng cường đào tạo trình độ sau đại học như thạc sĩ, tiến sĩ vì trường cao đẳng không thể làm được. Để làm điều đó, thay vì để đại học sư phạm tập trung đào tạo cử nhân sư phạm, cần giảm chỉ tiêu đại học", ông Khuyến nói và cho rằng đó mới là cách quy hoạch hợp lý.

Ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội, thông tin đến hết năm học 2016-2017, Việt Nam có 235 đại học, học viện. Đối với nhóm trường sư phạm và đào tạo giáo viên, hiện có 58 đại học, 57 cao đẳng, 40 trung cấp, trong đó có 14 đại học, 33 cao đẳng và 2 trung cấp sư phạm. Với số lượng này, việc tuyển sinh nhiều chỉ tiêu cho nhóm ngành sư phạm trong điều kiện thiếu kiểm soát sẽ làm dư thừa nhân lực.

“Việc đào tạo không gắn bó chặt chẽ với nhu cầu sử dụng đã gây ra những hậu quả đáng lo ngại cho toàn xã hội”, ông Minh nói và cho biết thêm năm 2017, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã thống kê cho thấy nhu cầu đội ngũ nhà giáo đến năm 2020 và các năm tiếp theo không còn cao như cách đây hai thập kỷ.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG