Trường sư phạm đóng cửa giảng đường: Đổi mới tránh sao được xáo trộn?

Kết thúc đợt tuyển sinh đầu tiên, nhiều trường đại học, cao đẳng đào tạo giáo viên đã không tuyển đủ thí sinh. Ảnh nguồn Internet
Kết thúc đợt tuyển sinh đầu tiên, nhiều trường đại học, cao đẳng đào tạo giáo viên đã không tuyển đủ thí sinh. Ảnh nguồn Internet
TPO - Kết thúc đợt tuyển sinh đầu tiên, nhiều trường đại học, cao đẳng đào tạo giáo viên đã không tuyển đủ thí sinh. Thậm chí có trường nâng điểm chuẩn đánh trượt thí sinh để đỡ phải mở lớp học.

2018 là năm đầu tiên Bộ Giáo dục Đào tạo (GDĐT) công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển riêng cho khối ngành sư phạm (phương án xét kết quả thi bậc đại học là 17 và bậc cao đẳng là 15).

Việc làm này nhằm mục đích “siết” chất lượng đào tạo khối ngành giáo viên, ngăn chặn tình trạng 10 điểm/3 môn cũng đỗ vào trường sư phạm như đã xảy ra với mùa tuyển sinh năm 2017.

Năm nay, Bộ cũng cắt giảm mạnh chỉ tiêu của khối ngành này. Nhưng kết thúc đợt tuyển sinh đầu tiên, nhiều trường đại học, cao đẳng đào tạo giáo viên đã không tuyển đủ thí sinh.

Thậm chí, nhiều ngành sư phạm “trắng” thí sinh trúng tuyển, vì không có người đăng ký, hoặc đăng ký nhưng không đủ mức điểm sàn như quy định của Bộ GDĐT.

Đơn cử, thông tin trên báo Vietnamnet cho thấy, Trường CĐSP Gia Lai đặt điểm chuẩn cao, nổi bật là ngành Sư phạm Ngữ văn lên 23 điểm, các ngành Sư phạm Hóa và Sư phạm Lịch sử 20, sư phạm tiếng Anh 19, Sư phạm Toán và Vật lý 18 điểm. Trên thực tế, không có thí sinh nào đạt mức điểm này vào trường.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, phó hiệu trưởng đã thừa nhận "rất đau lòng" mới buộc phải sử dụng cách thức này. Trường làm như vậy là do số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển quá thấp, không đủ để mở lớp. Tăng điểm chuẩn là cách nhân văn nhất để bảo vệ quyền lợi cho thí sinh.

Tại Trường CĐ Sư phạm Nghệ An, 3 trong 6 ngành có điểm chuẩn 20 nhưng không có thí sinh nào trúng tuyển. Ông Trần Anh Tư, phó hiệu trưởng nhà trường cũng phải thừa nhận, các trường CĐSP đang gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển sinh. Ba ngành sư phạm về  Toán học, Ngữ văn, Sinh học mỗi ngành chỉ có vài thí sinh đăng ký nhưng không đủ điểm sàn. 

Ông Trần Xuân Hòa, Trưởng phòng đào tạo Trường CĐSP Trung ương cho hay, các ngành như Sư phạm Mỹ thuật, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Giáo dục công dân, Sư phạm Kỹ thuật công nghiệp... dù được giao 20 chỉ tiêu mỗi ngành, nhưng đến nay vẫn chưa đủ thí sinh. 

"Ngành Sư phạm Tin học tuyển được 4 thí sinh, Sư phạm Âm nhạc được 7 em, Sư phạm Kỹ thuật Công nghiệp được 2 em. Riêng các ngành ngoài sư phạm, tới thời điểm nay chỉ có vài em đăng ký"- ông Hòa cho biết...

Hiện, nhiều trường sư phạm trên cả nước tiếp tục thông báo tuyển sinh bổ sung hàng trăm chỉ tiêu và hy vọng sẽ có thí sinh đủ điều kiện nộp hồ sơ để trường có thể đảm bảo hoạt động dạy và học.

Trước sự việc này, trả lời trên Báo lao động, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) cho rằng, trong quá trình đổi mới, không thể tránh những xáo trộn.

“Việc cải cách các ngành sư phạm đã được thực hiện từ mấy năm nay, với nhiều phương thức khác nhau. Nhưng năm nay Bộ quyết định giao chỉ tiêu, quy định một mức điểm sàn khá cao cho ngành này. Đây là một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo.

Trong quá trình đổi mới nhất định sẽ có những xáo trộn, nếu nhìn vào hiện tượng thì nói không bình thường, nhưng nó chỉ xảy ra ở số ít các trường…

Trên thực tế, những trường sư phạm top trên vẫn đang tuyển sinh tốt, có lượng thí sinh đạt điểm cao vào trường. Còn ở những trường sư phạm nằm ở vị trí thấp hơn gặp khó khăn nên các trường sẽ phải thay đổi chức năng, cơ cấu để thích ứng tốt hơn so với nhu cầu của xã hội ”- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học chia sẻ.

Đại diện Bộ GDĐT cũng cho biết hiện Bộ đang cho thống kê số lượng những trường, những ngành chưa tuyển được sinh viên, hay gặp khó khăn trong việc tuyển sinh để có những giải pháp phù hợp đối với toàn hệ thống.

Hơn 126 trường xét tuyển bổ sung 56.760 chỉ tiêu

Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, hiện cả nước có 126 đại học, cao đẳng, trung cấp sư phạm tuyển bổ sung 56.760 chỉ tiêu. So với tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường từ hệ đại học đến trung cấp sư phạm năm 2018 là 455.170, số tuyển bổ sung bằng 12,47%.

Cụ thể, hệ đại học có 99 trường xét tuyển bổ sung với lượng chỉ tiêu là 54.260.

Trong số này, ba đại học vùng là Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng chiếm số lượng lớn, lần lượt là 4.290; 3.430 và 1.140. 

Tiếp đến, các đại học Trà Vinh, Đại học Quảng Bình; Đại học Duy Tân; Đại học Lạc Hồng..., mỗi trường cũng xét tuyển bổ sung từ 1.000 đến gần 3.000 chỉ tiêu.

Đại học Nông Lâm cũng tuyển sinh bổ sung 2.115 chỉ tiêu, Đại học Công nghiệp Quảng Ninh xét tuyển bổ sung 1.559 chỉ tiêu.Hai Đại học Quốc gia Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng có tên trong danh sách tuyển bổ sung nhưng số lượng chỉ lần lượt là 30 và 90. Đại học Sư phạm 2 cần xét tuyển 440 chỉ tiêu bổ sung vào phần lớn ngành đào tạo giáo viên. 

Hệ cao đẳng và trung cấp sư phạm có 27 trường thông báo tuyển bổ sung với tổng chỉ tiêu hệ này là hơn 2.500. Theo quy định của Bộ GD&ĐT, thí sinh chưa xác nhận nhập học đợt 1 có quyền tiếp tục tham gia xét tuyển ở đợt bổ sung. Trong giai đoạn này, các trường sẽ chủ động kế hoạch xét tuyển về thời gian, lệ phí, cách thức thu nhận hồ sơ. 

MỚI - NÓNG