Chuyện đạo đức nghề báo trên giảng đường

0:00 / 0:00
0:00
TP - Để làm báo, kỹ năng và kinh nghiệm là những điều cần thiết. Nhưng để tiến xa, đạo đức mới là điều tối quan trọng, nhất là với các nhà báo trẻ…

Đưa “gương tày liếp” vào bài giảng

Đúng ba giờ chiều, Phạm Thu Trang và Đỗ Thương Huyền - hai nhân vật của tôi - nhẹ nhàng đẩy cửa bước vào quán cà phê đã hẹn. Trên lưng hai cô gái trẻ là hai chiếc ba lô lớn đựng máy ảnh, laptop cùng nhiều vật dụng khác. “Bọn em đang đi tác nghiệp về thì gặp mưa rào, may mà vẫn kịp giờ!”, vừa nói, Thu Trang vừa vuốt lại mái tóc hãy còn ướt đẫm nước mưa.

“Nhiều người có giấy giới thiệu là phóng viên hoặc có cả thẻ nhà báo, nhưng đến một cái tin cũng không biết viết, chỉ giỏi đi doạ dẫm doanh nghiệp. Và, họ giàu lên rất nhanh” - TS. Phan Văn Kiền - Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội)

Thu Trang và Thương Huyền hiện là sinh viên ngành Báo chí Chất lượng cao, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) đang bắt đầu làm quen với nghề báo. Hai em kể, thầy cô nào cũng bảo rằng làm nghề báo ban đầu sẽ rất vất vả và chúng em thấy… “cấm có sai”.

Chuyện đạo đức nghề báo trên giảng đường  ảnh 1

TS. Phan Văn Kiền - Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) đang giảng bài

Chẳng hạn như, tối, Thu Trang và Thương Huyền đi sự kiện, đêm về phải thức trắng viết bài để kịp đăng sáng mai. Hay, những lần các em đi xe máy vài chục cây số chỉ để chụp một bức ảnh. Rồi những hôm ngồi hì hục sửa bài cả chục lần mà vẫn chưa được duyệt... Và thu nhập, chỉ đủ để đáp ứng các nhu cầu cơ bản nhất.

Chuyện đạo đức nghề báo trên giảng đường  ảnh 2

PGS.TS Hà Huy Phượng - Giảng viên cao cấp Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Thế nhưng hai nữ sinh viên không nản, trái lại còn “say” nghề hơn. Vì bên cạnh những khó khăn, vất vả, nghề báo lại mang tới nhiều trải nghiệm thú vị, nhiều kiến thức và các mối quan hệ mới. “Em nhớ nhất là lần đi viết về chủ đề cà phê, được gặp các barista (người pha cà phê) và nghe họ chia sẻ về những nét riêng biệt, độc đáo của nghề và những kỷ niệm vui, buồn với nghề. Hôm đó, em còn say ngoắc cần câu vì được thử nhiều loại cà phê quá! Với em, những trải nghiệm và kiến thức ấy còn quý giá hơn tiền bạc”, Thu Trang chia sẻ.

Chuyện đạo đức nghề báo trên giảng đường  ảnh 3

PGS.TS Ngô Văn Giá, nguyên Trưởng khoa Viết văn - Báo chí (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội)

Không ngại khó khăn, gian khổ và tay nghề giỏi - chừng đó hành trang liệu đã đủ cho một sinh viên bước vào nghề báo? “Em nghĩ là không, vì vẫn thiếu hành trang quan trọng nhất, đó là đạo đức nghề nghiệp. Gần đây, em thấy tin tức về những vụ nhà báo bị bắt vì hành vi tống tiền xuất hiện nhiều. Trên lớp, em cũng hay được nghe các thầy cô kể về những tấm gương “tày liếp” đã phải chôn vùi sự nghiệp của mình nơi tù tội ”, Thương Huyền chia sẻ.

Chuyện đạo đức nghề báo trên giảng đường  ảnh 4

Bạn Phạm Thu Trang - sinh viên ngành Báo chí Chất lượng cao, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông

Trên thực tế, trong những năm qua, đã có nhiều vụ phóng viên, nhà báo bị bắt vì hành vi tống tiền. Đáng buồn là trong số này có không ít những phóng viên trẻ vừa tốt nghiệp, mới chập chững vào nghề. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng nhiều phóng viên trẻ chọn làm báo theo kiểu “báo đen” thay vì làm báo chân chính. Đầu tiên là nguyên nhân chủ quan. Theo PGS.TS Hà Huy Phượng - Giảng viên cao cấp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, họ thiếu hiểu biết về pháp luật, thiếu kỹ năng, kinh nghiệm, bản lĩnh trong nghề và bị ảo tưởng về quyền lực của báo chí. Họ nghĩ nhà báo nắm trong tay quyền lực rất lớn và có thể kiếm được rất nhiều tiền từ quyền lực đó bằng việc “đánh đấm”.

Chuyện đạo đức nghề báo trên giảng đường  ảnh 5

Bạn Đỗ Thương Huyền - sinh viên ngành Báo chí Chất lượng cao, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông

Theo PGS.TS Ngô Văn Giá, nguyên Trưởng khoa Viết văn - Báo chí (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội), nguyên nhân tiếp theo là sự quản lý của nhà nước chưa theo sát thực tiễn hoạt động của báo chí. Cụ thể, nhiều tạp chí và trang tin điện tử dù không phải là báo nhưng vẫn có thể tự phát hành “thẻ báo chí” của riêng mình (dù không hợp lệ) để cho phóng viên đi “đánh đấm” nhưng chưa được xử lý triệt để.

Ngoài ra, theo TS. Phan Văn Kiền - Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông cho rằng, sự hụt hơi về giá trị nội dung của báo chí so với các mạng xã hội như Facebook, TikTok,… cũng là nguyên nhân quan trọng không kém. “Mạng xã hội đã và đang lấy đi rất nhiều độc giả của báo chí do sự cuốn hút với công chúng và tốc độ lan truyền của thông tin. Việc mất độc giả, giảm lượng view (lượt xem) khiến nhiều tờ báo không còn thu hút được quảng cáo nữa. Hệ quả là nhà báo không thể sống được bằng nội dung nên phải “đánh đấm” để sống”, TS. Phan Văn Kiền cho biết.

Thuốc nào dã tật?

PGS.TS Ngô Văn Giá chia sẻ, cái gốc của đạo đức nghề nghiệp là đạo đức cá nhân của mỗi nhà báo. Muốn xây dựng, phát triển và hoàn thiện đạo đức cá nhân, trước tiên phải nói tới mối quan hệ xã hội của một người, được hình thành môi trường người đó đang sinh sống. Nếu người đó được tiếp xúc và học hỏi từ những người có đạo đức tốt trong một thời gian dài, thì đạo đức cá nhân sẽ dần dần được xây dựng, phát triển và hoàn thiện. Xuất phát điểm là gia đình, sau đó đến nhà trường, nơi làm việc và cộng đồng xung quanh… Đạo đức của một người có thể bị ảnh hưởng xấu nếu một trong các yếu tố trên “có vấn đề”.

Bên cạnh đó, các nhà báo còn phải rèn luyện nền tảng tri thức của mình, TS. Phan Văn Kiền cho biết. Bởi, nhiều trường hợp, nhà báo vi phạm đạo đức vì không hiểu biết về nghề nghiệp, pháp luật… chứ không phải bản chất họ là người vô đạo đức. Theo TS. Phan Văn Kiền, nền tảng tri thức tốt sẽ giúp nhà báo hình thành tư duy độc lập để biết thế nào là đúng, sai, từ đó hoàn thiện nền tảng đạo đức đã được xây dựng trước đó.

“Nhưng theo tôi, trong câu chuyện đạo đức báo chí, luật pháp phải là ngọn cờ đầu. Thay vì chỉ kêu gọi nhà báo hãy đạo đức đi, chúng ta cần phải xây dựng, sửa đổi luật pháp sao cho kín kẽ và bao phủ được mọi vấn đề, để ngăn không cho các hành vi vi phạm đạo đức xảy ra. Chẳng hạn như hoàn thiện các quy định về quản lý báo chí, trách nhiệm của toà soạn, của cơ quan chủ quản khi phóng viên vi phạm đạo đức báo chí…”, TS. Phan Văn Kiền nói.

Ngoài ra, theo PGS.TS Hà Huy Phượng, nhà nước cũng cần đầu tư nhiều hơn cho các cơ quan báo chí chủ lực để họ tập trung thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình, và sớm ban hành chính sách hỗ trợ về thuế, phí phát hành, giá in ấn, chính sách về đặt hàng các sản phẩm báo chí… với các cơ quan báo chí đang tự chủ tài chính.

Trở lại câu chuyện với Thu Trang và Thương Huyền, hai nữ nhà báo tương lai vẫn rất quyết tâm với nghề. “Vì chúng em tin vào bản thân mình và tin vào nghề báo. Ngoài kia, vẫn còn rất nhiều nhà báo hành nghề một cách chân chính, lương thiện. Chúng em luôn coi họ làm tấm gương, là động lực để mình tiếp tục phấn đấu”, Thương Huyền nói, cười đầy tự tin và quyết đoán.

MỚI - NÓNG