Chuyện cổ tích của cô gái ngồi xe lăn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đang ở cái tuổi mộng mơ, cô gái xinh xắn, hồn nhiên Phạm Thị Hoàng Hảo (SN 1999, làng Ia Tang, xã Ia Kla, huyện Đức Cơ) bỗng nhận hung tin phải ngồi xe lăn vĩnh viễn. Cuộc sống như sụp đổ nhưng Hảo đã quyết tâm học nghề, đi làm, và rồi chuyện tình như cổ tích đã đến với cô. Tình yêu đẹp ấy đã đưa hai bạn trẻ tới công việc sáng tạo phim hoạt hình đầy xúc động.

Đời như “phim”

Hảo sinh ra và lớn lên ở huyện vùng biên giới Đức Cơ, Gia Lai. Vừa lên bốn tuổi, trong lúc vui đùa ngoài đường Hảo không may bị xe máy tông mạnh. Vết thương không quá nặng, chỉ bị trầy xước ngoài da. Thời gian dần trôi, khi cô gái xinh xắn đang học lớp 11 của Trường THPT Lê Hoàn (huyện Đức Cơ) thì chấn thương âm ỉ ngày ấy trong cột sống mới phát tác. Hôm ấy, sau giấc ngủ, khi tỉnh dậy Hảo đã không thể tự đứng lên được nữa mà bị liệt nửa thân dưới. Các bác sĩ chẩn đoán em bị chấn thương tủy sống do vụ tai nạn năm xưa đã không được phát hiện và chữa trị kịp thời.

Chuyện cổ tích của cô gái ngồi xe lăn ảnh 1

Nhân chụp ảnh với gia đình nhà vợ

“Buồn lắm vì ngày nào cũng nhìn bốn bức tường, nằm trên giường bệnh màu trắng đầy ám ảnh. Lúc đầu gia đình giấu em, nói sẽ nhanh chữa được thôi, chẳng mấy chốc sẽ trở lại trường học. Nhưng chạy chữa khắp nơi, khoảng 2 năm sau em mới nhận ra bệnh tình của mình”, Hảo nhớ lại.

Buồn bã, Hảo xóa hết các tài khoản mạng xã hội để không phải nhìn thấy cảnh các bạn được đi đây, đi đó chơi đùa. Có gia đình bên cạnh, chia sẻ động viên đã giúp Hảo vượt qua quãng thời gian tồi tệ nhất.

Để chạy chữa, bố mẹ Hảo là công nhân cạo mủ cao su tại Công ty 74 (Binh đoàn 15) phải gác lại công việc để đưa con gái đi chữa trị. Vay mượn tiền chạy chữa khắp nơi không được, rồi phải gồng gánh nuôi 4 người con nên kinh tế của gia đình bà Nguyễn Thị Viễn (mẹ ruột của Hảo) kiệt quệ. Thương con gái, bà Viễn bán cả mảnh đất để chạy chữa nhưng Hảo không thể trở lại như trước, phải ngồi xe lăn.

Thương gia đình, Hảo cố gắng tập vật lý trị liệu, quyết tâm không trở thành gánh nặng cho cha mẹ. Cũng bởi vậy, sau khi được giới thiệu về Nhà May Mắn-Maison Chance (TP Hồ Chí Minh), nơi dành riêng cho người khuyết tật, năm 2019, Hảo đã quyết định đến đây để có một công việc mới phụ giúp cha mẹ.

“Mẹ không muốn em đi vì thương nhưng em phải quyết tâm tự lập, phải làm kiếm tiền vì nhà nghèo. Lần đầu đi xa em nhớ nhà vô cùng nhưng sau đó em tìm được những người bạn cùng hoàn cảnh động viên nhau vượt qua chuyện buồn”, Hảo nhớ lại.

Trời không phụ lòng người, ở nơi đất khách Hảo đã gặp anh Đặng Trọng Nhân (SN 2000, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Trước đây, sau khi ra trường, Nhân xin vào làm việc ở một công ty chuyên về Social Media (truyền thông mạng xã hội- PV) ở Cần Thơ và tại đây cậu được học thêm quay, dựng phim. Khi công ty mở khóa học miễn phí cho Nhà May Mắn-Maison Chance, Nhân đã gặp Hảo. Chàng trai trẻ đã nhanh chóng bị cô gái thơ ngây, thông minh nhưng chuyện đời bất hạnh chiếm trọn trái tim.

Chuyện cổ tích của cô gái ngồi xe lăn ảnh 2

Nhân đã học hỏi rất nhiều để làm ra các sản phẩm ngày càng chất lượng

Càng học, Hảo càng thấy bản thân yêu thích công việc đồ họa. Được Nhân hướng dẫn tận tình, dần dần cả hai đã bén duyên. Cũng lúc này, Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin TP Hồ Chí Minh có suất học bổng tài trợ 70% học phí cho tân sinh viên thi đầu vào điểm cao. Hảo nắm ngay cơ hội, miệt mài ôn thi để giành suất học bổng. Năm 2020, Hảo quyết định rời Nhà May Mắn để trở thành sinh viên.

Vì tình yêu, Nhân xin nghỉ việc ở Cần Thơ lên TP Hồ Chí Minh xin việc rồi thuê chung cư gần trường để tiện đưa đón Hảo.

Sản phẩm cho riêng mình

Để trang trải cuộc sống, đôi bạn trẻ đã xin việc làm thêm mảng Social Media cho một số kênh trên các trang mạng xã hội. Được một thời gian, trong buổi sáng cà phê, Hảo hỏi người yêu rằng: “Sao mình cứ phải làm thuê cho người ta mà không phải tự làm ra sản phẩm của riêng mình?”.

Chuyện cổ tích của cô gái ngồi xe lăn ảnh 3

Nhân là đôi chân của Hảo trên mọi nẻo đường

Cũng từ đây, đôi bạn trẻ tìm hiểu, mày mò để làm phim hoạt hình. Hảo và Nhân quyết định xây dựng tên kênh và nhân vật chính là “Heo Đen” vừa gần gũi nhưng lại hài hước, nghịch ngợm. Các sản phẩm của kênh có hơi hướng phản biện qua sự hài hước, dí dỏm.

Sau một tháng chăm chỉ, cần cù, bộ phim hoạt hình đầu tiên của “Heo Đen” với độ dài ít ỏi 59 giây chính thức được đăng lên mạng xã hội Youtube với nội dung “1.000 câu chuyện trong bữa cơm”. Đoạn phim nhận được sự khích lệ của khán giả đã giúp cặp đôi có thêm động lực ra lò thêm các tập phim hoạt hình mới. Tiếp tục ra đoạn phim dài 1 phút 57 giây dựa theo phim đang đình đám là “Squid Game” đã giúp “Heo Đen” tiếp cận nhiều hơn với khán giả khi đạt mốc 7,5 triệu view.

Nhân chia sẻ, thời gian đầu cả hai bắt tay vào việc gặp vô vàn khó khăn bởi chưa nhiều kinh nghiệm về đồ họa, bối cảnh, kịch bản. Tuy vậy, cả hai luôn lắng nghe góp ý của mọi người, khán giả, dần dần khắc phục các hạn chế. Cả hai ngày càng ăn ý, hiểu nhau để lên kịch bản, vẽ, rồi làm chuyển động, hậu kỳ, kiêm lồng tiếng... cho tất cả các nhân vật của mình.

Trên các nền tảng Youtube, Tiktok, Instagram… kênh “Heo Đen” đã có hơn 1 triệu người theo dõi. Từ khi bắt tay vào làm phim hoạt hình đến nay, ê-kíp của đôi bạn trẻ Hảo và Nhân đã làm hơn 60 bộ phim các loại với doanh thu hiện tại khoảng 20-30 triệu đồng/tháng.

Ngoài nhân vật “Heo Đen”, cả hai thêm các nhân vật ngộ nghĩnh từ các con vật khác như ruồi, chim cánh cụt, hà mã, chó… để tạo ra các sản phẩm đời thường nhưng vô cùng ý nghĩa. “Có lần kẻ xấu phá nên mấy lần bị xóa kênh, bị tắt kiếm tiền khiến cả hai có lúc tưởng như muốn bỏ cuộc giữa chừng. Nhưng chỉ cần mình cố gắng hết sức, sự chăm chỉ sẽ được đền đáp xứng đáng”, Nhân bày tỏ.

Chuyện cổ tích của cô gái ngồi xe lăn ảnh 4

Góc làm việc của Hảo và Nhân

Cuối năm 2021, vì tình yêu, Nhân đã chuyển về quê Hảo để ở, rồi cả hai đăng ký kết hôn. Chàng trai trẻ bỏ qua tất cả dị nghị của người đời để chăm sóc, là đôi chân cho tình yêu đích thực đời mình. Do nhà đông người, cả hai lấy nhau rồi chuyển đến sống ở lán nhỏ giữa vườn điều rộng hơn 20m2 mà mẹ Hảo làm nơi thu mua mủ cao su và bán tạp hóa nhỏ lẻ thuộc thôn Ia Tang. Không gian ấy chỉ có một chiếc giường, bộ máy tính nhưng vô cùng ấm áp. Cả hai dự định sẽ chuyển lên thành phố phố Pleiku mở một studio nhỏ, tuyển thêm nhân sự để đẩy nhanh tiến độ làm phim. Ước mơ lớn nhất của cả hai sẽ làm một bộ phim hoạt hình có đầu tư bài bản để có thể chiếu ở rạp.

MỚI - NÓNG