Sử dụng tốt mạng xã hội để giáo dục lý tưởng, đạo đức cho thanh niên

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhiều đại biểu cho rằng, tổ chức Đoàn các cấp cần sử dụng tốt mạng xã hội, bắt kịp nhu cầu, thị hiếu để giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi, lan tỏa lối sống tích cực, hành động đẹp.

Chiều 13/4, Hội nghị Ban Thường vụ T.Ư Đoàn lần thứ hai, khóa XII tiếp tục góp ý về kế hoạch triển khai Chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng giai đoạn 2022 - 2030”, và Đề án “Phát hiện, bồi dưỡng và phát huy tài năng trẻ Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030”.

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã đóng góp ý kiến tâm huyết để thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng.

Sử dụng tốt mạng xã hội để giáo dục lý tưởng, đạo đức cho thanh niên ảnh 1

Trong phiên làm việc buổi chiều, các đại biểu tiếp tục góp ý về kế hoạch triển khai Chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng giai đoạn 2022 - 2030”, và Đề án “Phát hiện, bồi dưỡng và phát huy Tài năng trẻ Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030”. Ảnh: Giang Thanh

Theo chị Phan Thị Thanh Phương - Bí thư Thành Đoàn TPHCM, hiện, các giải pháp về giám sát, ngăn chặn các thông tin tiêu cực trên không gian mạng đã được đưa ra rất nhiều, tuy nhiên, về cơ chế cảnh báo thì chưa được chú trọng.

“Tôi đề xuất cần hình thành cơ chế để cảnh báo từ xa những thông tin xấu, thông tin độc hại, hạn chế những thông tin tiêu cực. Thực tế hiện nay, khi vấn đề xảy ra thì mới được đưa ra bàn luận, phân tích, còn việc ngăn ngừa vẫn chưa được chú trọng”, chị Phương nói.

Bí thư Thành Đoàn TP. HCM cũng đề xuất xây dựng các kênh thông tin trên không gian mạng để giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng cho thanh niên thông qua các hình thức linh động như “số hóa” các bảo tàng truyền thống của Đoàn Thanh niên, Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam... để tiếp cận gần hơn với thanh niên.

“Bên cạnh đó, cần phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức Đoàn, Hội ở nước ngoài để quảng bá hơn nữa hình ảnh của thanh niên, của quê hương đất nước đến với bạn bè quốc tế”, chị Phương đề xuất.

Góp ý về giải pháp tổ chức các cuộc thi trực tuyến để tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, chị Chu Hồng Minh - Bí thư Thành Đoàn Hà Nội, cho rằng hiện hệ thống giải pháp vẫn đang tập trung chủ yếu vào các nội dung về lịch sử, văn hóa, chủ nghĩa Mác – Lê Nin...

Sử dụng tốt mạng xã hội để giáo dục lý tưởng, đạo đức cho thanh niên ảnh 2

Chị Chu Hồng Minh - Bí thư Thành Đoàn Hà Nội, cho rằng cần đa dạng hóa nội dung các cuộc thi trực tuyến để thu hút thanh thiếu nhi

“Muốn thu hút thanh thiếu nhi, bên cạnh các nội dung mang tính giáo dục, tuyên truyền, cần tổ chức các cuộc thi trực tuyến với nội dung mới mẻ hơn, phù hợp với thị hiếu để thu hút sự tham gia của thanh thiếu nhi, nội dung các cuộc thi lành mạnh, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi”, chị Minh nói.

Theo anh Nguyễn Mạnh Dũng - Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng, việc tìm phương pháp tiếp cận phù hợp để giáo dục cho thanh thiếu niên trên không gian mạng là vô cùng quan trọng.

“Chúng ta có thể nghiên cứu thực hiện những clip ngắn với nội dung về việc như thế nào là vi phạm pháp luật, những hành vi nào không nên, ứng xử ở nơi công cộng như thế nào là phù hợp... để tuyên truyền trực quan, sinh động hơn cho đoàn viên thanh niên. Tiếp cận những điều đang là xu hướng, được các bạn trẻ quan tâm để làm công cụ giáo dục, lan tỏa những giá trị tốt đẹp”, anh Dũng nói.

Sử dụng tốt mạng xã hội để giáo dục lý tưởng, đạo đức cho thanh niên ảnh 3

Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng Nguyễn Mạnh Dũng đề xuất tích cực lan tỏa những thông tin tốt để “lấy cái đẹp dẹp cái xấu” trên không gian mạng.

Cũng theo anh Dũng, cần tích cực lan tỏa những tin tức tốt, tích cực. “Phải “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, để khi các bạn đoàn viên thanh niên sử dụng mạng xã hội, Internet sẽ dễ dàng bắt gặp những thông tin tốt, những hành động đẹp, điều đó sẽ góp phần che lấp những thông tin tiêu cực.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng góp ý về các chỉ tiêu trong Đề án “Phát hiện, bồi dưỡng và phát huy Tài năng trẻ Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030”, cũng như đề xuất các Tỉnh, Thành Đoàn cần chủ động để tham mưu cơ chế, chính sách cho địa phương nhằm phát huy tài năng trẻ.

Phát biểu kết luận Hội nghị, anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, đánh giá các đại biểu đã có nhiều đóng góp xác đáng cho kế hoạch thực hiện các chương trình, đề án phát triển thanh niên và yêu cầu ngay sau kỳ họp, trong vòng 1 tuần, các kế hoạch vừa được thảo luận cần được ban hành.

Các giải pháp, chỉ tiêu, phương pháp, phân công, phân nhiệm phải rõ ràng, không để trường hợp giải pháp trong đề án cụ thể, đầy đủ hơn giải pháp trong kế hoạch.

“Chủ trương và các chính sách bàn bạc ở Hội nghị là cơ sở để các Tỉnh, Thành Đoàn có căn cứ tham mưu cho các cấp, chính quyền ban hành các kế hoạch cụ thể hóa chương trình, đề án của Thủ tướng. Như vậy mới có nguồn lực, kinh phí để thực hiện”, anh Huy nói.

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn cũng nhấn mạnh sự quan trọng của khâu thực hiện, triển khai các kế hoạch đã thảo luận. Nếu khâu thực hiện yếu kém thì công sức chuẩn bị là vô nghĩa.

“Các văn bản sẽ sớm được ban hành, các Tỉnh, Thành Đoàn, các đơn vị cần bắt tay hành động sớm với phương pháp làm việc nhanh chóng, linh động, khoa học. Nếu công tác triển khai đồng bộ, bài bản, cách làm quyết liệt, sáng tạo thì các chương trình, đề án sẽ tạo ra giá trị lan tỏa rất lớn”, anh Huy nói.

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.