Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn:

Kế hoạch thực hiện chương trình, đề án thanh niên phải vừa cụ thể, vừa có tính chiến lược lâu dài

TPO - Theo anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, kế hoạch thực hiện các chương trình, đề án trong Chiến lược phát triển thanh niên giai đoạn 2021 – 2030 phải vừa đảm bảo tính chiến lược, vừa đảm bảo tính cụ thể triển khai thực hiện hiệu quả.

Sáng 13/4, tại Đà Nẵng, Hội nghị Ban Thường vụ T.Ư Đoàn lần thứ hai, khóa XII chính thức khai mạc. Hội nghị diễn ra trong một ngày để cho ý kiến về nhiều nội dung, chương trình, đề án quan trọng trong nhiệm kỳ.

Kế hoạch thực hiện chương trình, đề án thanh niên phải vừa cụ thể, vừa có tính chiến lược lâu dài ảnh 1

Hội nghị Ban Thường vụ TƯ Đoàn lần thứ hai, khóa XII sẽ thảo luận, góp ý nhiều nội dung, kế hoạch thực hiện các chương trình, đề án quan trọng trong nhiệm kỳ. Ảnh: Giang Thanh

Góp ý nhiều nội dung quan trọng trong nhiệm kỳ

Phát biểu khai mạc Hội nghị, anh Bùi Quang Huy, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, cho biết, Hội nghị lần này là một hội nghị quan trọng, thảo luận nhiều nội dung quan trọng trong nhiệm kỳ, như: Kế hoạch triển khai Chương trình "Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng giai đoạn 2022 -2030"; Kế hoạch triển khai Đề án "Phát hiện, bồi dưỡng và phát huy Tài năng trẻ Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030"; Kế hoạch triển khai Chương trình "Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2022 -2030",…

Kế hoạch thực hiện chương trình, đề án thanh niên phải vừa cụ thể, vừa có tính chiến lược lâu dài ảnh 2

Theo anh Bùi Quang Huy, góp ý về kế hoạch thực hiện các chương trình, đề án trong Chiến lược phát triển thanh niên giai đoạn 2021 – 2030 phải vừa đảm bảo tính chiến lược, vừa đảm bảo tính cụ thể triển khai thực hiện hiệu quả.

Nhiệm vụ của Hội nghị đó là cụ thể hóa các các chương trình, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua thuộc 7 chương trình, đề án phân công trong Chiến lược phát triển thanh niên giai đoạn 2021 – 2030 và một số nhiệm vụ quan trọng khác của nhiệm kỳ.

Theo Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, về kế hoạch triển khai các chương trình, đề án trong Chiến lược Phát triển thanh niên, đây là nhiệm vụ mà tổ chức Đoàn phải triển khai trong một giai đoạn dài - trong 5 năm, 10 năm sắp tới.Vì vậy, các kế hoạch phải vừa đảm bảo tính chiến lược, vừa đảm bảo tính cụ thể để triển khai thực hiện hiệu quả.

Anh Huy đề nghị các Ủy viên Thường vụ nghiên cứu kỹ, tập trung vào các vấn đề chính. “Về bố cục các đề án, kế hoạch, hệ thống các giải pháp đã được xây dựng vừa đảm bảo tính cụ thể chi tiết, vừa có tính khái quát để đảm bảo độ linh động trong chiều dài giai đoạn 2021 – 2030; vừa có tính khả thi cao, phân cấp dễ theo dõi ở cấp T.Ư và cấp cơ sở”, anh Huy nói.

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn cũng lưu ý về hệ thống các chỉ tiêu và phụ lục các hoạt động lớn. “Phụ lục cũng rất quan trọng, chúng ta đưa ra các giải pháp nhưng phụ lục không cụ thể thì rất khó triển khai thực hiện. Cần xác lập công việc triển khai, phân công thực hiện của các cấp bộ Đoàn tránh chồng chéo ở cơ sở trong triển khai thực hiện”, anh Huy nói.

Kế hoạch thực hiện chương trình, đề án thanh niên phải vừa cụ thể, vừa có tính chiến lược lâu dài ảnh 3

Hội nghị được thực hiện với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, các đại biểu gửi phần đóng góp ý kiến thông qua hệ thống e-Cabinet.

Bên cạnh các chương trình, đề án thanh niên lớn, Hội nghị cũng thảo luận và cho ý kiến về Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đoàn khóa XII; Quy chế thi đua, khen thưởng của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2022 -2027; Điều lệ Đội sửa đổi, bổ sung; Thành lập Hội đồng Đội Trung ương khóa IX.

Quy chế thi đua khen thưởng sẽ bổ sung những quy định mới của Luật Thi đua khen thưởng, xem xét các quy định không còn phù hợp để giải quyết những vướng mắc trong quá trình thi đua, khen thưởng của công tác Đoàn.

Bí thư thứ nhất yêu cầu các đại biểu căn cứ trên thực tế thực hiện quy chế thi đua khen thưởng, có vấn đề gì mới cần đưa vào quy chế thi đua khen thưởng hay không, có vướng mắc nào mà dự thảo chưa đề cập để đưa ra thảo luận tại Hội nghị.

Đối với Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đoàn khóa XII, cần thảo luận để cụ thể hóa các nội dung sửa đổi phù hợp với tình hình mới. Về quá trình sửa đổi điều lệ Đội, một số vấn đề thực tiễn đặt ra cần sửa đổi điều lệ Đội. Trong đó, vấn đề về thành lập Hội đồng Đội cấp xã, Ban Bí thư đã giao Hội đồng Đội T.Ư tổ chức đánh giá để báo cáo và trình Hội nghị BCH T.Ư Đoàn vào tháng 6 tới đây.

Khơi thông nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên

Trong phiên làm việc buổi sáng, sau khi nghe trình bày tổng hợp ý kiến về các nội dung; Kế hoạch triển khai Chương trình "Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng giai đoạn 2022 -2030"; Kế hoạch triển khai Đề án "Phát hiện, bồi dưỡng và phát huy Tài năng trẻ Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030"; Kế hoạch triển khai Chương trình "Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2022 -2030"; Kế hoạch triển khai Đề án "Tăng cường năng lực quản lý, điều phối hoạt động tình nguyện cho đội ngũ cán bộ Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam các cấp giai đoạn 2022 - 2030", các đại biểu đã đóng góp 10 ý kiến về các đề án, chương trình.

Kế hoạch thực hiện chương trình, đề án thanh niên phải vừa cụ thể, vừa có tính chiến lược lâu dài ảnh 4

Theo chị Phan Thị Thanh Phương, Bí thư Thành Đoàn TPHCM, tổ chức Đoàn cần định hướng để thanh niên hiểu đúng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và nhấn mạnh vai trò của Hội Doanh nhân trẻ trong hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.

Góp ý Kế hoạch triển khai Chương trình "Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2022 - 2023”, chị Phan Thị Thanh Phương, Bí thư Thành Đoàn TPHCM, cho rằng cần thống nhất các cột mốc phù hợp, nếu xác lập thời điểm năm 2020 thì cần có sự tính toán lại chỉ tiêu vì đang có độ chênh trong chỉ tiêu thực hiện, giai đoạn sau thực hiện các chỉ tiêu đang ít hơn so với giai đoạn đầu.

“Cũng cần làm rõ vai trò của Hội Doanh nhân trẻ trong quá trình tham gia tập huấn, định hướng cho sinh viên, thanh niên trong khởi nghiệp. Tổ chức Đoàn cũng cần làm rõ và giúp thanh niên hiểu biết đúng đắn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Hiện, một số bạn thanh niên đang xuất hiện tâm lý khởi nghiệp để kiếm tiền, bỏ học để khởi nghiệp kiếm tiền thay vì học tập và trau dồi củng cố kiến thức để khởi nghiệp”, chị Phương nói.

Chị Trần Thị Chúc Quỳnh, Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng nhìn nhận, đối với khởi nghiệp thanh niên, khó khăn lớn nhất đó là vay vốn khởi nghiệp. Vì vậy, chị Quỳnh đề xuất cần có cơ chế phù hợp hoặc có nguồn vốn phân bổ riêng cho hoạt động khởi nghiệp của thanh niên.

Kế hoạch thực hiện chương trình, đề án thanh niên phải vừa cụ thể, vừa có tính chiến lược lâu dài ảnh 5

Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng Trần Thị Chúc Quỳnh đề xuất khơi thông vốn khởi nghiệp cho thanh niên.

Dẫn chứng ở từ địa phương mình, Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng cho biết, đã có đề án vốn khởi nghiệp 50 tỷ đồng giữa Tỉnh Đoàn và Ngân hàng Chính sách Xã hội.

“Các dự án tham gia các cuộc thi khởi nghiệp và có giải được hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ để vay vốn. Các dự án khác không tham gia các cuộc thi sẽ được hướng dẫn viết đề án, hoàn thiện hồ sơ. Mức lãi suất rất ưu đãi là 6,6%, bằng với lãi suất đối với hộ nghèo. Đối với các dự án có 30% người lao động là đồng bào dân tộc thiểu hoặc khuyết tật hoặc kết hợp cả hai, thì lãi suất được hỗ trợ 50%, tương đương trên 3%/năm, chị Quỳnh nói.

Trong phiên làm việc buổi chiều, Hội nghị tiếp tục thảo luận, cho ý kiến về các nội dung: Kế hoạch triển khai Chương trình "Hỗ trợ nâng cao năng lực ngoại ngữ và hội nhập quốc tế cho thanh thiếu nhi Việt Nam giai đoạn 2022 -2030"; Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đoàn khóa XII; Quy chế thi đua, khen thưởng của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2022 -2027. Các đại biểu cũng cho ý kiến về các nội dung trình Hội nghị BCH T.Ư Đoàn lần thứ 3 gồm: Điều lệ Đội sửa đổi, bổ sung; Thành lập Hội đồng Đội Trung ương khóa IX.

Tin liên quan