Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TP HCM phản ánh, các DN kinh doanh sản xuất thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) đang “tấn công” các DN vận tải hàng hóa (phải lắp đặt theo chủ trương của Bộ GTVT).
Trong đó, nhiều DN nhỏ lẻ, làm ăn chộp giật; bán hàng xong “bỏ của chạy lấy người”, không chịu bảo hành. “Đề nghị Bộ GTVT chỉ cấp giấy phép cho DN mạnh; DN yếu, nhỏ lẻ không cấp, gây rối loạn thị trường” – ông Quản nói.
Trước đây, vào thời kỳ bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với xe khách (giai đoạn năm 2013) có nhiều doanh nghiệp sản xuất thiết bị giám sát hành trình chất lượng kém bán ra thị trường. Khi thiết bị hỏng, không truyền được dữ liệu, chủ xe tìm doanh nghiệp bán hộp đen mới biết bị thu giấy phép, phá sản.
Cần siết chặt khâu cấp phép, sản xuất để ngăn hộp đen kém chất lượng tuồn ra thị trường.
Ông Tạ Công Thuận, GĐ Cty thiết bị giám sát hành trình Vinh Hiển, Chủ tịch chi hội Thiết bị Giám sát hành trình (Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam) cũng đề nghị không nên để trăm hoa đua nở.
“Đề nghị Bộ GTVT có cơ chế quản lý, thanh kiểm tra chặt hơn để tránh việc các thiết bị cung cấp sản phẩm chất lượng kém, không duy trì được dữ liệu” – ông Thuận nói.
Trao đổi với Tiền Phong, Phó Vụ trưởng Vận tải (Tổng cục Đường bộ) Đỗ Công Thủy cho hay, ngoài 30 giấy phép của các doanh nghiệp trước đây vẫn còn hiệu lực, trong vài tháng qua có 13 giấy phép sản xuất theo quy chuẩn mới cũng được ban hành; trong đó có doanh nghiệp mới tinh, chưa từng kinh doanh hộp đen.
Tại cuộc đối thoại với các doanh nghiệp vận tải mới đây, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho biết: Trước đây bộ GTVT đã rút giấy phép 30/60 DN; trong đợt này, Bộ GTVT sẽ tiếp tục siết chặt việc sản xuất, buôn bán thiết bị này.
Theo lộ trình đưa ra tại Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ, taxi, xe đầu kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc phải lắp hộp đen trước 1/7/2015; xe tải 10 tấn trở lên lắp trước ngày 1/1/2016; trước ngày 1/7/2016 với xe tải 7-10 tấn; trước ngày 1/1/2017 với xe tải từ 3,5 đến 7 tấn và trước 1/7/2018 với xe tải dưới 3,5 tấn.