Chương trình Xúc tiến thương mại thị trường trong nước

Chương trình Xúc tiến thương mại thị trường trong nước
Những tháng đầu năm 2011, giá cả leo thang, lạm phát cao, lòng tin của người dân vào thị trường bị suy giảm… là xu hướng của thị trường không chỉ trong nước, thách thức việc sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho rằng, hơn lúc nào hết các doanh nghiệp cần tăng cường quản trị và cơ cấu lại mặt hàng, đồng thời tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt.

Chương trình Xúc tiến thương mại thị trường trong nước

Giữ chất lượng, mở thị trường

Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp – Bộ Công Thương (BSA) cho rằng, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng để thuyết phục người tiêu dùng. Bà Hạnh phân tích: “Vận động người tiêu dùng ưu tiên hàng Việt không dễ như trước nữa. Nếu chất lượng hàng hóa không ổn định, lúc cao lúc kém, đặc biệt giá không cạnh tranh, thì khó thuyết phục được người tiêu dùng. Doanh nghiệp Việt Nam phải sòng phẳng, minh bạch với người tiêu dùng mới có kết quả về kinh tế lâu dài”.

“Giá cả nguyên vật liệu đầu vào đều tăng là khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay và với dược phẩm lại đang phải chịu áp lực rất lớn trước chủ trương hạn chế tăng giá của Nhà nước”, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Dược Hậu Giang Phạm Thị Việt Nga, cho biết. Tuy nhiên, Nga cho biết, Dược Hậu Giang vẫn đặt mục tiêu tăng doanh thu trong năm 2011 bằng phát triển sản phẩm mới, và bà Nga kiến nghị, các bộ ngành hướng dẫn việc sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ để giữ và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ông Lê Văn Trí, Phó Tổng giám đốc Cty Casumina chia sẻ kinh nghiệm giảm giá hàng hóa bằng cân đối xuất – nhập để giảm bớt áp lực tỷ giá: “Khi lãi suất ngân hàng cao như hiện nay, doanh nghiệp cần tìm cách quay nhanh đồng vốn, giảm tồn kho và cắt giảm các chi phí không cần thiết, điều tiết cơ cấu sản phẩm để giữ chất lượng sản phẩm với giá cạnh tranh”.

Hàng Việt về nông thôn tỉnh Bến Tre
Hàng Việt về nông thôn tỉnh Bến Tre. Ảnh: Ngọc Huyền
 

Theo lãnh đạo Sở Công Thương TP HCM, TPHCM đang triển khai nhiều chính sách giúp hàng Việt giữ và mở rộng thị trường. Đó là tiếp tục chương trình bình ổn giá theo hướng tăng cường nguồn hàng tại địa phương. Hiện thành phố đã có hơn 2.000 điểm bán hàng bình ổn giá, còn tổ chức lưu động đem hàng đến các khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh, xây dựng các HTX bán hàng bình ổn giá cho người có thu nhập thấp ở các xã, phường. Ông Vòng A Lộc, Trưởng phòng Kế hoạch Sở Công Thương TPHCM nhấn mạnh, mạng lưới HTX thương mại ở khu dân cư có vai trò quan trọng đưa được hàng của doanh nghiệp lớn đến tay người tiêu dùng bảo đảm chất lượng và đúng giá, hạn chế tình trạng tùy tiện nâng giá.

Hiện một số xã ở TPHCM đã có HTX thương mại phân phối hàng bình ổn giá như xã Lý Nhơn ở huyện Cần Giờ, xã Tân Nhựt ở huyện Bình Chánh, xã Thái Mỹ và Tân Thông Hội ở huyện Củ Chi, xã Xuân Thới Thượng ở huyện Hóc Môn. Chủ trương của TPHCM, đến năm 2015 khoảng 50% số xã ngoại thành có HTX thương mại và đến năm 2017 phủ khắp 100% xã.

Ông Bùi Đình Thắng, Phó Tổng giám đốc Cty TNHH sản xuất cân Nhơn Hòa cho biết doanh nghiệp đưa hàng về vùng nông thôn sâu, tuy đường xa vất vả nhưng bù lại sẽ giảm được chi phí quảng bá sản phẩm so với vùng đô thị. Nếu về nông thôn mà có mạng lưới HTX thương mại tại chỗ thì việc mở rộng thị trường càng có hiệu quả cao.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG