Quốc hội thảo luận về kinh tế, xã hội:

Chục cân hành tím không mua nổi bát phở

Trạm thu phí BOT Tào Xuyên (hiện đặt ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa). Ảnh: Như Ý.
Trạm thu phí BOT Tào Xuyên (hiện đặt ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa). Ảnh: Như Ý.
TP - Câu chuyện: chục cân hành tím không mua nổi bát phở; đường đầu tư theo hình thức BOT thêm gánh nặng đi lại của người dân; tham nhũng tác động đến chính sách và công tác bố trí cán bộ… là những nội dung được nhiều đại biểu (ĐB) mổ xẻ trong phiên thảo luận tại Quốc hội ngày 8/6 về tình hình kinh tế, xã hội những tháng đầu năm 2015.

Lao đao vì nông sản bấp bênh

“Quê tôi ở Sóc Trăng, nơi có cây hành tím nổi tiếng cả nước. Một tháng trước kỳ họp Quốc hội (QH), có bác nông dân gọi điện cho tôi nói rằng: “Ông Tâm ơi, ông vừa là ĐB QH, vừa là doanh nhân, ông chỉ cho tôi biết chỗ bán hàng được không, chứ làm ra chục ký hành tím không đổi được bát phở thì cay mắt lắm”. ĐB Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) kể.

Ông Tâm đề nghị QH phải sớm trả “món nợ” lâu ngày đối với nông nghiệp. Quốc hội và Chính phủ tới đây cần tổ chức các cuộc hội thảo, thảo luận chuyên đề về tình hình sản xuất nông nghiệp để có giải pháp căn cơ, chấm dứt câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” này. ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) đặt vấn đề, không hiểu vai trò định hướng của các bộ, ngành, chính quyền địa phương ở đâu, mà để lúc thì khoai lang, khi thì hành tím, dưa hấu bị ế ẩm. “Bây giờ là cây mắc ca đang trồng ồ ạt ở nhiều nơi, nhưng đầu ra sẽ ở đâu? Liệu có rơi vào tình trạng như khoai lang, hành tím?”, ông Đương cảnh báo.

Phân tích nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) cho rằng, do chính sách hiện nay còn quá nhiều bất cập. Ông Khanh dẫn chứng, hiện nay vải thiều muốn xuất sang Mỹ, sang Úc hay sang một số nước nữa thì phải chở  vào TPHCM để chiếu xạ. “Tại sao không làm luôn một cơ sở đặt tại khu vực phía Bắc, vì vải thiều chủ yếu ở ngoài này? Sao không đầu tư ngay để xử lý mà cứ bắt phải chở vào TPHCM?”, ông Khanh kiến nghị.

Theo ông Khanh, để tháo gỡ khó khăn cho nông nghiệp cần đẩy mạnh liên kết 4 nhà  là: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp. Vì thực tế hiện nay doanh nghiệp đầu tư cho phân bón, cho giống, nhưng đến khi thu hoạch mà đắt thì nông dân lại đem ra ngoài bán. Ngược lại, khi giá rẻ, xuất khẩu không có lãi hoặc lỗ thì doanh nghiệp lại “bỏ của chạy lấy người”. “Nên chăng bây giờ chính quyền cần đứng ra làm trọng tài trong việc này. Tôi cho rằng những việc đó thừa sức làm. Cái chính là chúng ta cần phải có quyết tâm để làm”, ông Khanh nói.

Đầu tư theo BOT: Tăng gánh nặng cho dân

Theo ĐB Nguyễn Trung Thu (Long An), thời gian qua cùng với nguồn ngân sách của nhà nước, chúng ta có chủ trương huy động sức dân, đẩy mạnh xã hội hóa trên nhiều lĩnh vực với mong muốn có đồng vốn để đầu tư. Tuy nhiên, khi triển khai cũng gây ra nhiều bất cập, tạo thêm gánh nặng cho người dân. “Qua tiếp xúc trước kỳ họp thấy cử tri, dân kêu rất nhiều về học phí, viện phí, lộ phí, đóng góp xây dựng nông thôn mới… Thu thuế của chúng ta thì thấp nhưng các khoản thu phí, huy động đóng góp sẽ đè nặng, quàng vai người dân, nhất là người dân ở những vùng khó khăn, xa xôi, hẻo lánh. Tôi thấy có sự nóng vội, lạm dụng, chệch hướng trong thực hiện chủ trương xã hội hóa”, ông Thu nói.

Ông Thu đề nghị việc xã hội hóa cần có lộ trình thực hiện cho phù hợp với sức dân. Đặc biệt khi xã hội hóa thì cần phải đánh giá mức ảnh hưởng đến người dân như thế nào, chứ không phải bằng mọi giá phải thực hiện cho bằng được. “Tôi đề nghị Báo cáo của Chính phủ cần phân tích đánh giá sâu hơn về vấn đề xã hội hóa. Đồng thời nên tổng kết, đánh giá để có chỉ đạo thực hiện phù hợp với lòng dân”, ông Thu đề xuất.

Dẫn chứng về sự bất cập của xã hội hóa trên lĩnh vực giao thông, ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho hay, hiện nay khắp cả nước có rất nhiều tuyến đường đầu tư theo hình thức BOT mọc lên nhưng không được người dân ủng hộ vì “phí chồng lên phí”, làm tăng giá thành sản xuất. “Cử tri nói rằng việc thu phí BOT hiện nay là đang hạn chế một phần quyền đi lại của công dân vốn đã được Hiến pháp ghi nhận. Tôi đề nghị Chính phủ cần lắng nghe ý kiến của người dân, cần có tiêu chí, quy hoạch rõ ràng các tuyến đường được làm BOT, các tuyến đường không được làm”, ông Hùng nói.

Chống tham nhũng: nói nhiều, làm ít

Đề cập đến công tác phòng chống tham nhũng, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) khẳng định, đây là vấn đề mà cử tri rất quan tâm và bày tỏ sự thiếu tin tưởng vào các giải pháp. “Phải chăng chúng ta chưa chọc thủng được bức màn che đậy hành vi tham nhũng, để xử lý một cách triệt để và quyết liệt?”. Theo ông Học, cử tri hiện nay cho rằng QH, Chính phủ thảo luận rất hay, rất đúng, ra nghị quyết rất trúng nhưng quá trình triển khai thực hiện thì nói chưa đi đôi với làm. “Cử tri đề nghị phải nói đi đôi với làm, đề nghị Chính phủ “làm như nói” thì dân mới tin”, ông Học nói.

ĐB Nguyễn Tân Tuấn (Khánh Hòa) lo ngại tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm có nguy cơ lan trong đời sống, kinh tế chính trị. Đó là biểu hiện chạy chức, chạy quyền, chạy dự án, việc doanh nghiệp “bao” cho quan chức dưới hình thức này, hình thức kia. Hơn thế nữa họ còn thể hiện mối quan hệ này để tác động đến chính sách mà ta thường nói là tham nhũng chính sách. Những biểu hiện trên đây càng ngày càng diễn ra phức tạp cần phải có giải pháp mạnh mẽ. “Chống lợi ích nhóm, chống tham nhũng muốn hiệu quả thì phải bắt đầu từ công tác bố trí cán bộ, rồi đến việc xây dựng chính sách”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Trung Quốc mua vải Việt Nam rồi xuất sang Myanmar

“40 nghìn tấn vải của ta xuất khẩu sang Myanmar, chỉ được tính 4.000 tấn, vì chúng ta chủ yếu xuất sang Trung Quốc qua tiểu ngạch. Bạn lại đóng gói thành thương hiệu Trung Quốc rồi xuất sang Myanmar và tính nguồn gốc xuất xứ (CO) là Trung Quốc… Mỗi nước có quyền áp đặt chuyện này, vì họ mua về, chế biến, đóng gói và xuất đi. Tương tự mặt hàng chè của chúng ta cũng vậy. Chè xuất sang các nước, họ chế biến, đóng gói ghi xuất xứ là chè nước họ. Tương tự hàng may mặc Việt Nam rất uy tín trên thế giới, có những nước đã lấy hàng Việt Nam nhưng đóng thương hiệu của mình xuất đi các nước khác”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh.        

MỚI - NÓNG
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
TPO - Hoa hậu Ngọc Hân vừa nhận tin trúng tuyển với số điểm 14, xếp thứ 5 trong số các học viên của chuyên ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật ứng dụng Việt Nam.