Xử vụ “lập quỹ trái phép” ở Nông trường Sông Hậu:

Chưa rõ trái phép và thiệt hại

Chưa rõ trái phép và thiệt hại
TP - Ngày 12/8, phiên tòa sơ thẩm xử vụ án “lập quỹ trái phép” ở Nông trường Sông Hậu đã hoàn thành phần xét hỏi. Không khí phiên tòa dân chủ và trật tự, các luật sư khẳng định các nội dung truy tố của cáo trạng là chưa thuyết phục.

>> Xử vụ 'lập quỹ trái phép' ở Nông trường Sông Hậu

Chưa rõ trái phép và thiệt hại ảnh 1
Năm bị cáo, từ trái qua phải (hàng đầu), nguyên GĐ Trần Ngọc Sương, PGĐ Trương Hồng Nhung, kế toán Hoàng Thị Bình (áo trắng hàng sau) nguyên thủ quỹ Nguyễn Văn Sơn, kế toán trưởng Đặng Thế Quốc Hưng - Ảnh: Sáu Nghệ

Chưa rõ trái phép

Quỹ trái phép ra đời từ ngày thành lập Nông trường, năm 1979, còn được gọi là quỹ đời sống, quỹ công đoàn tùy thời điểm.

Theo cáo trạng, từ tháng 1/2001 đến tháng 12/2007, quỹ trái phép có 9.432.530.086 đồng, tạo nên từ nhiều nguồn. Trong đó, theo ông Nguyễn Xuân Quỹ, nguyên Chủ tịch Công đoàn Nông trường Sông Hậu, có cả tiền công đoàn phí hàng năm của các công đoàn viên. Và hơn 281 triệu đồng, từ bán cá trong Ao cá Bác Hồ và cá khai thác ao mương tự nhiên, do công đoàn tổ chức.

Trong thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Nông trường có tổ chức trồng bạch đàn trên bờ mương, lề đường, mục đích xây dựng quỹ phúc lợi. Mười năm sau thu hoạch, chủ yếu đem vào xưởng mộc của Nông trường, còn cành và ngọn, công đoàn mới được tận dụng bán gây quỹ. Khoản này được 2.066.019.112 đồng. Những khoản trên, theo luật sư Nguyễn Trường Thành bào chữa cho nguyên Giám đốc Nông trường Sông Hậu Trần Ngọc Sương chưa đủ cơ sở kết luận là trái phép.

Nguồn thu lớn nhất là kinh doanh đất. Trước năm 1994, dưới quyền giám đốc cũ, Nông trường dùng quỹ đời sống, theo cách gọi lúc đó, mua hai miếng đất, sau này bán được hơn 1,2 tỷ đồng nhập trở lại quỹ.

Cũng trước kia, Nông trường dùng hơn 191 triệu đồng vốn của Nông trường, mua hai mảnh đất khác, sau này bán được gần 1,6 tỷ, trả lại vốn Nông trường 200 triệu đồng, còn gần 1,4 tỷ đồng. Tổng cộng, từ bốn miếng đất, có hơn 2,6 tỷ đồng bỏ vào “quỹ trái phép”.

Như thế, tài sản là bốn miếng đất được hình thành trước thời điểm cáo trạng xem xét hành vi. Nhưng cáo trạng kết luận, tài sản ấy do hành vi phạm tội mà có theo luật sư Nguyễn Trường Thành là chưa vững chắc.

Thiệt hại còn mập mờ

Cáo trạng xác định vụ án “gây thiệt hại” 5.627.306.622 đồng. Thiệt hại cho ai? Tại tòa, đại diện nguyên đơn dân sự là ông Trần Như Đình Vũ, cán bộ pháp chế của Nông trường Sông Hậu. Ông Vũ nói, ông chưa khẳng định được Nông trường bị thiệt hại bao nhiêu.

“Trong đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại gửi Tòa án ngày 23/7/2009, Nông trường yêu cầu bồi thường theo xác định của điều tra, công tố và tòa án”, ông Vũ lúng túng giải thích.

Thực tế, chưa văn bản nào có trong hồ sơ vụ án, xác định được thiệt hại của Nông trường. Riêng về đất, so với diện tích được giao ban đầu, hiện nay Nông trường có nhiều hơn 70 ha. Qua xét hỏi các nguồn lập quỹ, phần trái phép đã chưa rõ ràng, phần chi tiêu quỹ, tình hình còn mập mờ hơn.

Ông Đặng Thế Quốc Hưng, nguyên Kế toán trưởng Nông trường, khẳng định, cáo trạng quy cho ông gây thiệt hại hơn 900 triệu đồng là không đúng. Ông Hưng giải thích, vì trong đó có chi từ “quỹ trái phép” hơn 850 triệu đồng để nhập vào vốn của Nông trường.

Công tố viên hỏi “Tại sao kết luận của giám định tài chính đã ghi như thế?”. Ông Hưng trả lời “Tôi cũng không biết, đề nghị hỏi giám định viên tài chính”. Nhưng giám định viên tài chính không được mời tới tòa.

Nhiều khoản chi khác như hỗ trợ tiền mua nhà cho cán bộ, trợ cấp khó khăn, quà sinh nhật, do ban chấp hành công đoàn bàn bạc và quyết định tập thể (với nguồn thu như kể trên), chưa thể khẳng định là “gây thiệt hại”.

Ngày 13/8, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận.

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.